Hiện tượng kỳ lạ ở dãy Himalaya có thể làm chậm tác động của biến đổi khí hậu

13/12/2023 - 17:25

PNO - Các nhà khoa học Áo phát hiện ra những cơn gió lạnh thổi ngược xuống chân núi Himalaya đang góp phần ngăn sông băng tan chảy.

 

Đồ họa thể hiện cơ chế không khí lạnh di chuyển từ trên đỉnh xuống chân núi Himalaya, tạo nên hiện tượng “nghịch nhiệt” bảo tồn các sông băng – Ảnh: ISTA
Đồ họa thể hiện cơ chế không khí lạnh di chuyển từ trên đỉnh xuống chân núi Himalaya, tạo nên hiện tượng “nghịch nhiệt” bảo tồn các sông băng - Ảnh: ISTA

Trong tình hình sông băng ở nhiều nơi trên thế giới, bao gồm dãy Himalaya, đang tan chảy, báo cáo mới của Viện Khoa học và Công nghệ Áo (ISTA) cho thấy một hiện tượng kỳ lạ ở dãy núi cao nhất thế giới có thể giúp làm chậm tác động của cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu, theo bản tin của CNN ngày 12/12.

Nghiên cứu của ISTA, được công bố trên tạp chí Nature Geoscience, cho thấy: khi không khí ấm chạm vào một số khối băng ở độ cao nhất định, sẽ xuất hiện những cơn gió lạnh thổi mạnh xuống sườn dốc, tạo nên hiện tượng “nghịch nhiệt”, khu vực gần chân núi Himalaya lại lạnh hơn cả phần đỉnh núi.

Giáo sư Francesca Pellicciotti - chuyên gia về băng hà tại ISTA và là tác giả chính của nghiên cứu - giải thích: “Khí hậu ấm hơn trước tạo ra khoảng chênh lệch nhiệt độ lớn hơn giữa phần không khí phía trên sông băng Himalaya và phần không khí mát hơn tiếp xúc trực tiếp với bề mặt khối băng, dẫn đến sự gia tăng trao đổi nhiệt và làm khối không khí bề mặt nguội đi mạnh hơn”.

Theo đó, phần không khí trên bề mặt khô, mát trở nên lạnh hơn và đậm đặc hơn, sẽ chảy xuống sườn núi vào các thung lũng, gây ra hiệu ứng làm mát ở khu vực thấp hơn của sông băng Himalaya và các hệ sinh thái lân cận, chính là hiện tượng “gió thổi xuống” (catabatic wind) phổ biến ở Nam Cực.

Giáo sư Pellicciotti cho biết: “Gió thổi xuống là đặc điểm chung của các sông băng và các thung lũng ở Himalaya. Tuy nhiên, điều chúng tôi quan sát được là sự gia tăng đáng kể về cường độ và thời gian của hiện tượng này, do nhiệt độ không khí xung quanh đã tăng lên trong tình hình biến đổi khí hậu”.

Trước đó, báo cáo hồi tháng 6 của Trung tâm Quốc tế về Phát triển Miền núi tích hợp (ICIMOD) đã báo động hiện tượng sông băng Himalaya tan chảy, riêng tốc độ tan băng của giai đoạn từ năm 2010 đến nay nhanh hơn 65% so với các thập niên trước. Dãy Himalaya lại là nguồn cung băng và tuyết cho 12 con sông lớn, mang nước ngọt đến gần 2 tỉ người ở 16 quốc gia.

Giáo sư Pellicciotti cho biết, nghiên cứu mới là cơ sở để chứng minh dãy Himalaya có thể duy trì hiệu ứng làm mát tự bảo tồn để làm chậm tốc độ tan chảy của các sông băng, giảm tác động của hiện tượng ấm lên toàn cầu, giúp con người có thêm thời gian thích nghi với biến đổi khí hậu.

Nhà nghiên cứu Thomas Shaw, thành viên nhóm nghiên cứu ISTA, lưu ý: “Việc làm mát mang tính chất cục bộ, chỉ có thể làm chậm chứ chưa đủ để khắc phục ảnh hưởng lớn hơn của biến đổi khí hậu và bảo tồn hoàn toàn các sông băng”. 

Trường An (theo CNN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI