Hiện thực hóa giấc mơ có ích cho đời của người khuyết tật

23/01/2023 - 15:59

PNO - Từ một chiếc máy khâu cũ kỹ nhằm may vá mưu sinh, chị Hoa dần nâng cấp lên xưởng may, thêm cơ hội biến giấc mơ dành cho người khuyết tật thành sự thật.

Để người khuyết tật không còn là gánh nặng

Bàn giao những tấm vải mình vừa cắt xong cho nhân công trong xưởng may, chị Trần Thị Như Hoa - chủ xưởng may Như Hoa (xã Hưng Lộc, TP Vinh, Nghệ An) - tỉ mỉ hướng dẫn thêm cho họ từng đường may, để làm sao sản phẩm đáp ứng được nhu cầu khách hàng. Nhân công trong xưởng may đều là người có khiếm khuyết về cơ thể, trong đó có những người câm điếc bẩm sinh, buộc chị phải dùng ngôn ngữ cơ thể để diễn tả. 

“Lúc đầu cũng gặp khó khăn vì không giao tiếp được, chỉ có thể trao đổi với nhau bằng cách viết lên giấy. Nhưng không phải ai cũng biết chữ, bởi thế tôi học thêm về ngôn ngữ cơ thể, nay thì có thể giao tiếp với nhau rồi” - chị Hoa kể.

Hiện xưởng may của chị Hoa đang tạo công việc ổn định cho 9 người khuyết tật - ẢNH PHAN NGỌC
Hiện xưởng may của chị Hoa đang tạo công việc ổn định cho 9 người khuyết tật - Ảnh: Phan Ngọc

Ít ai biết, chủ xưởng may với quy mô 9 nhân công, tạo thu nhập từ 6 đến hơn 10 triệu đồng mỗi tháng cho những phụ nữ khuyết tật, cũng mang khiếm khuyết trên cơ thể. Chị Hoa tâm sự mình bị dị tật bẩm sinh ở chân từ nhỏ, đi lại khó khăn. Cũng như bao người cùng cảnh ngộ, chị từng chán nản, mặc cảm về bản thân, đặc biệt là liên tục bị từ chối khi phỏng vấn xin việc làm. 

“Học xong, tôi cũng tính xin làm công việc văn phòng. Nhưng rồi đi xin việc ở đâu họ cũng lắc đầu” - chị Hoa nhớ lại. Và rồi cơ duyên đã đưa người phụ nữ 43 tuổi này đến với nghề may. Vừa làm vừa học nghề, sau vài năm tích lũy kinh nghiệm, chị quay về nhà mở 1 tiệm may nhỏ để mưu sinh.

Nhờ luôn nỗ lực học hỏi và tỉ mỉ trong công việc, những bộ quần áo do chị Hoa thiết kế dần được nhiều người biết đến, thường xuyên đặt hàng. Khi đã tự chủ được kinh tế, chị bắt đầu nghĩ xa hơn với mong muốn “trao cơ hội cho nhiều phụ nữ khác cùng cảnh ngộ”.

Rồi giấc mơ này được chị Hoa hiện thực hóa từ năm 2015, khi xưởng may dành cho người khuyết tật được chị thành lập và đi vào hoạt động. Quyết định này của chị từng bị gia đình phản đối quyết liệt vì lo sợ “chị không kham nổi”, số vốn đầu tư quá lớn, dễ đổ bể, trong khi chị đang là mẹ đơn thân nuôi con nhỏ.

Sau hơn chục năm bén duyên với nghề may, hiện chị Hoa đã là chủ và là người truyền nghề cho người khuyết tật - ẢNH PHAN NGỌC
Sau hơn chục năm bén duyên với nghề may, hiện chị Hoa đã làm chủ và là người truyền nghề cho người khuyết tật - Ảnh: Phan Ngọc

Theo chị Hoa, phụ nữ làm kinh tế vốn đã nhiều khó khăn, với phụ nữ khuyết tật, khó khăn còn nhân lên gấp bội. Dù đã có một lượng khách quen ổn định, song khi xưởng may đi vào hoạt động, chị liên tiếp phải bù lỗ hàng chục triệu đồng mỗi tháng do hàng tồn quá nhiều, phải bán rẻ để thu hồi vốn.

Áp lực, nhưng không thể ngồi một chỗ chờ khách tìm đến mình, chị Hoa trực tiếp mang hàng đến chào từng cửa hàng thời trang, thuyết phục họ đưa sản phẩm của chị lên kệ. Có nơi từ chối, có nơi nhận lời vì nhìn thấy sự nâng niu từng đường kim mũi chỉ và tâm huyết với sản phẩm của chị.

Rồi quả ngọt cũng đến với người mẹ đơn thân này khi các sản phẩm của xưởng may dần tìm được thị trường ổn định. Từ năm 2015 đến nay, chị cũng đã giúp cho 10 người học xong nghề và ổn định được cuộc sống bằng nghề may tại quê nhà. 

Sẵn sàng bận rộn để thực hiện mục tiêu

Nhiều người bị câm điếc, buộc chị Hoa phải trao đổi công việc bằng ngôn ngữ hình thể - ẢNH PHAN NGỌC
Nhiều người bị câm điếc, buộc chị Hoa phải trao đổi công việc bằng ngôn ngữ cơ thể - Ảnh: Phan Ngọc

Ngoài những mẫu thời trang thiết kế, đồng phục công ty… xưởng may của chị Hoa còn sản xuất các sản phẩm như lót ly, nón, túi, khẩu trang… từ vải vụn được thải ra trong quá trình sản xuất quần áo thời trang. Xưởng may có thể tận dụng tối đa nguồn vải, mà vẫn tạo ra các sản phẩm thẩm mỹ và có giá trị sử dụng cao. Riêng chị Hoa xuất sắc đoạt giải ứng dụng công nghệ nhằm thích ứng, bảo vệ môi trường tại cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp toàn quốc năm 2020.

Chị Hoa đã đi một số nơi tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm ghép tranh từ vải vụn để đào tạo cho người khuyết tật và cho biết: “Mình thấy cách làm này rất hay, cũng không quá khó làm nên dự tính sẽ triển khai trong thời gian tới”.

Là Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật Nghệ An, Trưởng ban điều hành mạng lưới phụ nữ khuyết tật miền Trung khu vực Thanh Hóa - Quảng Ngãi, chị Hoa cho biết bản thân thường phải “vùi đầu” vào công việc. Ngày quản lý xưởng may, truyền nghề cho những người cùng cảnh ngộ, đêm chị lại phải dành thời gian để xử lý công việc cá nhân. “Cũng may con trai lớn rồi, hiểu và chia sẻ với mẹ nên mình có thời gian nhiều để tập trung cho công việc” - chị Hoa bộc bạch.

Những món đồ thời trang xinh xắn được may từ vải vụn ở xưởng may của chị Hoa - ẢNH PHAN NGỌC
Những món đồ thời trang xinh xắn được may từ vải vụn ở xưởng may của chị Hoa - Ảnh: Phan Ngọc

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI