Không khí hiện thực, hơi thở cuộc sống đương đại được truyền đi ngay từ bộ phim I, Daniel Blake (đạo diễn Ken Loach) chiếu khai mạc, chiều 1/11. Bộ phim vừa giành giải Cành cọ vàng và giải đặc biệt tại LHP Cannes 2016 này kể về người đàn ông 59 tuổi, bị tai nạn lao động, sống ở Anh; cũng là câu chuyện chung của các gia đình ở nhiều quốc gia thời đại này. Daniel Blake sống lặng lẽ, chăm chỉ làm việc để nuôi bản thân và người vợ bệnh tật, đứng ngoài vòng xoáy của xã hội biến động.
Khi khó khăn ập đến, Daniel phải đối mặt với cuộc sống bất trắc, chứng kiến sự quan liêu của bộ máy chính quyền, sự vô cảm của các nhân viên làm việc tại các trung tâm bảo trợ xã hội. Lúc này ông mới thấm thía về thế giới hiện đại thừa máy móc, thiếu sự sẻ chia, lắng nghe. Giá trị của gia đình trở thành yếu tố quan trọng giúp con người cân bằng trước những áp lực lớn từ xã hội sùng vật chất. Tuy nhiên, điều này là không đủ nếu những sự thay đổi không diễn ra...
|
Bộ phim vừa giành giải Cành cọ vàng I, Daniel Blake được giới thiệu với khán giả Việt ngay trước lễ khai mạc HANIFF 2016 |
Xã hội hiện thực được soi chiếu dưới nhiều lăng kính khác nhau, thể hiện trong phần lớn 12 phim, tranh giải chính thức. Một trong những phim đến với khán giả sớm là One way trip (Ngày tươi đẹp), chiếu sáng 1/11. Điện ảnh Hàn Quốc tiếp tục mang đến một tác phẩm đậm chất hiện thực. Trong chuyến đi tới bờ biển xinh đẹp, vì cứu giúp một người bị tai nạn và không may người đó qua đời mà nhóm bạn thân bị đẩy vào tù.
Chuyến đi bỗng chốc trở thành cuộc chiến đấu pháp lý để giành lại quyền tự do. Từ đây, những góc khuất của xã hội với đầy rẫy sự quan liêu ở các cơ quan công quyền, nhất là hệ thống bảo vệ luật pháp, được nhà làm phim đem ra mổ xẻ. Đạo diễn sinh năm 1979 Choi Jeong-yeol không mang đến thủ pháp điện ảnh đặc biệt nào, bộ phim được sản xuất năm 2015 thuyết phục khán giả nhờ cách kể chuyện mượt mà, không ngại bày tỏ góc nhìn riêng trước hiện thực.
Cũng được trình chiếu trong ngày khai mạc, Birds with large wings (Những chú chim sắt) của điện ảnh Ấn Độ, nói về thảm kịch lớn qua việc sử dụng thuốc trừ sâu Edosulfan có độc tính cao tại các trang trại trồng cây điều thuộc sở hữu chính quyền Kerala. Loại thuốc này đã ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân nơi đây trong suốt hơn 30 năm. Tác phẩm dài hai giờ của đạo diễn Bijukurma Damodaran từng đoạt giải thưởng quốc gia năm 2015 cho Phim về chủ đề môi trường xuất sắc nhất.
Tại HANIFF 2010, tức năm đầu tiên tổ chức, điện ảnh Singapore từng gây bất ngờ lớn khi giành được những giải thưởng quan trọng nhất như Phim truyện dài xuất sắc, Đạo diễn xuất sắc với Lâu đài cát. Điều đặc biệt là bộ phim chủ đề về gia đình này là của đạo diễn Boo Junfeng, khi đó mới 27 tuổi.
Năm nay, quốc đảo này mang đến Fundamentally Happy (Hạnh phúc căn bản) của hai đạo diễn cũng rất trẻ và có thể tiếp tục gây bất ngờ. Bộ phim mang đến câu chuyện nhức nhối trong đời sống hiện đại, không lên tiếng phán xét hay lên án mà gợi mở những phạm trù về niềm tin, ký ức, những mối quan hệ và sự chấp thuận trước những vấn đề vốn vẫn được coi là kiêng kỵ.
Một phim châu Á khác cũng mang đến góc nhìn bức bối về hiện thực xã hội, là Ordinary People (Gia đình) của đạo diễn sinh năm 1980 Eduardo Roy. Từng đoạt hàng loạt giải thưởng như Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất, Nữ diễn viên xuất sắc nhất, Dựng phim xuất sắc nhất và giải Netpac tại LHP Độc lập Philippines 2016, đây không chỉ là ứng viên nặng ký tại HANIFF mà còn là tác phẩm giữ trọng trách giới thiệu khuôn mặt thế hệ những nhà làm phim mới của nền điện ảnh đang lên này.
Bộ phim mang đến bức tranh khắc họa gia đình của Jane, 16 tuổi và bạn trai cô, Aries - những con người đang phải mưu sinh trên những con phố hỗn mang ở Manila. Sống bằng nghề móc túi, cuộc sống của cặp đôi trẻ thay đổi đột ngột khi họ có con ở lứa tuổi thiếu niên. Chỉ sau một tháng, đứa trẻ bị đánh cắp. Để giành lại đứa con của mình, họ đã buộc phải làm những việc liều lĩnh nhất.
Những bộ phim khác như Inadaptable (Không thể hòa hợp, Iran), The Green Carriage (Toa xe màu xanh, Nga), Remember (Hồi ức, Cannada), Blooming into a family (Gia đình nở hoa, Nhật Bản) cũng là những tác phẩm mang đậm không khí của cuộc sống đương đại, với ngôn ngữ điện ảnh theo lối cổ điển.
Riêng tác phẩm Cemetary of splender (Nghĩa địa huy hoàng) của đạo diễn Thái Lan từng đoạt Cành cọ vàng Apichatpong Weerasethakul tiếp tục là cuộc trình diễn ngôn ngữ điện ảnh và cách kể chuyện khác lạ. Duy nhất tác phẩm dự thi khác, Marguerite, đại diện của Pháp mang tới câu chuyện ngọt ngào, lãng mạn. Bộ phim hài - lãng mạn (rom-com) này từng đoạt giải Phục trang đẹp nhất, Nữ Diễn viên xuất sắc nhất, Thiết kế sản xuất xuất sắc nhất và Âm thanh xuất sắc nhất tại giải thưởng César 2016.
Việt Nam có hai trong số 12 phim tranh giải chính thức tại HANIFF 2016, là Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh và Trúng số. Tuy nhiên, trước những đối thủ nặng ký từ các nền điện ảnh Âu, Mỹ, Á khác, khó có cơ hội để phim Việt được xướng tên ở mùa LHP này.
Bùi Dũng