Hiện thực đẫm chất liệu của nghề y và cái “phết bút” hời hợt trên màn ảnh

14/08/2020 - 18:50

PNO - Qua mùa COVID-19, liệu sẽ có những kịch bản hay về đề tài ngành y hay hình ảnh y, bác sĩ vẫn mãi qua loa, hời hợt trên màn ảnh nhỏ?

Khi nhìn bức ảnh các y, bác sĩ Hải Phòng cạo trọc đầu trước khi nhận nhiệm vụ tại bệnh viện (BV) dã chiến Trung tâm Y tế Huyện Hòa Vang (TP.Đà Nẵng) chiều 8/8, nhà biên kịch Trần Thị Bảo Châu vô cùng xúc động: “Nhìn các bác sĩ trẻ bước vào tâm dịch, tóc cạo trọc mà vẫn mỉm cười lạc quan, thật thương. Những hy sinh thầm lặng của họ trong cuộc chiến này, với người dân chúng ta, chỉ có thể là lời biết ơn sâu sắc”. 

Trước đó, bức ảnh chụp đoàn bác sĩ từ hai BV Bạch Mai (Hà Nội) và Chợ Rẫy (TP.HCM) sải bước trên hành lang BV Đà Nẵng gây xúc động mạnh trong cộng đồng. Bức ảnh được lan tỏa như một đại diện tinh thần mạnh mẽ cho quyết tâm chống dịch của Đà Nẵng.

Bức ảnh về các bác sĩ ở tuyến đầu gây xúc động được tác giả Nguyễn Minh Anh (sinh viên Trường đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng) ký họa lại
Bức ảnh về các bác sĩ ở tuyến đầu gây xúc động được tác giả Nguyễn Minh Anh (sinh viên Trường đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng) ký họa lại

“Sáu giờ ngày 29/7, chuyến bay mang sứ mệnh cao cả đưa những “chiến binh áo trắng” khởi hành. Thời điểm này, sân bay Đà Nẵng ngưng nhận khách, đội chi viện phải đáp xuống sân bay Phú Bài, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ngay trong đêm, họ tiếp tục vượt hơn 100km đường bộ vào Đà Nẵng. Một nữ thành viên trong đoàn tranh thủ gửi tin nhắn cho chồng: “Em đã đến Đà Nẵng. Anh và các con an tâm nhé!”. “Bình yên, các con đợi em về!” - dòng tin nhắn của người chồng - cũng là bác sĩ…” - cảm nhận của nhà báo Tấn Nguyên (Phòng truyền hình, báo Người Lao Động) trên trang cá nhân, cùng bức ký họa anh vẽ nhanh hình ảnh người nữ bác sĩ ngồi lặng lẽ gây xúc động.

Những chiến binh áo trắng lao vào “cuộc chiến”, mọi thương nhớ, tình cảm gia đình đều phải tạm gác lại. Ngày bình yên trở về mà những người mẹ - bác sĩ hẹn với các con là ngày hoàn thành nhiệm vụ, dịch bệnh được đẩy lùi trên đất nước mình. Cuộc dấn thân vào nơi nguy hiểm khó lường, những vất vả vắt cạn sức lực trong cuộc chiến chống COVID-19, những giấc ngủ vội vàng, nhọc mệt… đều không khiến những “chiến binh y đức” chùn bước. 

Hiện thực về ngành y đẫm chất liệu xúc động có thể thấy rất rõ qua đại dịch COVID-19. Nhưng nhìn lại, chúng ta có gì về hình ảnh y, bác sĩ trong các phim truyền hình? Màn ảnh nhỏ hơn 10 năm trước từng có Mùa sen, Blouse trắng, Anh em nhà bác sĩ (Việt hóa kịch bản Hàn Quốc), Gia tài bác sĩ… Có thể gọi đó là những bộ phim khai thác đề tài nghề y khá hay. Còn lại, nhiều năm sau này, hình ảnh bác sĩ trên phim chỉ thấp thoáng, qua loa, đại khái, hời hợt.

'Gia tài bác sĩ, bộ phim truyền hình khá hay về đề tài y bác sĩ cách đây hơn 10 năm
'Gia tài bác sĩ", bộ phim truyền hình khá hay về đề tài y bác sĩ cách đây hơn 10 năm

Anh Bá Long (hiện công tác tại Nhà xuất bản Trẻ) nhận xét: “Hình ảnh bác sĩ trong phim thường xuất hiện với những câu thoại rập khuôn vô lý đến buồn cười. Chẳng hạn, khi bác sĩ phẫu thuật xong thì hay nói một câu với người nhà bệnh nhân: “Xin lỗi, chúng tôi đã cố gắng hết sức”, hoặc “Xin chúc mừng người nhà, ca mổ đã thành công tốt đẹp”…

Thực tế thì bác sĩ sẽ mời người nhà vào phòng trực, thông báo kết quả một cách dè dặt, khách quan. Trên phim, các nhân vật bác sĩ thường xuất hiện rất “phẳng”, ít thấy chiều sâu tâm lý, thậm chí hời hợt”. Đó là chưa kể người thể hiện vai y, bác sĩ ấy có khi là diễn viên quần chúng, thoại khô cứng, không nổi bật phong thái cần có của một bác sĩ.

Trường hợp nhân vật chính/thứ hoạt động trong nghề y, nổi lên lại là bối cảnh BV, những chiếc áo blouse được khoác vào người diễn viên, chứ không thấy được chuyên môn hay làm bật lên những giá trị nhân văn, y đức. “Có những phim tôi xem, thấy nhân vật bác sĩ chuyên khoa này, nhưng có thể chữa được đủ thứ bệnh thuộc chuyên khoa khác. Nhân vật đa phần không được thể hiện chuyên môn sâu, mà chủ yếu khai thác ở khía cạnh tâm lý, số phận. Biên kịch muốn viết về nghề y, khắc họa hình ảnh y, bác sĩ rõ nét, cần phải được người trong ngành cố vấn nội dung. Nếu không, hoặc thể hiện mờ nhạt, hoặc tình tiết vô lý” - biên kịch Trần Thị Bảo Châu nhìn nhận.

Một trong những phim khai thác sâu hình ảnh bác sĩ có thể kể đến Không lối thoát (đạo diễn Xuân Phước, phát sóng trên kênh THVL1, 2019). Cũng có những cuộc hội chẩn, chữa trị các ca bệnh… nhưng mục đích chính của tình tiết là thể hiện cái phản diện, độc ác đến cùng của nhân vật (bác sĩ Minh do Lương Thế Thành đảm nhận).

Hay phim Bệnh viện thần ái (đạo diễn Văn Công Viễn - Lê Hoàng Phương, chỉ chiếu trên mạng) mới đây, yếu tố “bệnh viện” và những nhân vật khoác áo y tá, bác sĩ chỉ là cái cớ để kể một câu chuyện có chút ma mị, chứ không thể hiện được gì đáng xem hơn về nghề nghiệp. Những cái “phết bút” dễ dãi, hời hợt khiến hình ảnh y, bác sĩ bị khắc họa sai lệch, hài nhưng kém duyên. 

Bộ phim Người thầy y đức của Hàn Quốc cả phần 1 (2016) và 2 (phát sóng mới đây) đều “gây sốt”. Không sa đà vào chuyện yêu đương lãng mạn, Người thầy y đức là câu chuyện về nghề y, những góc sáng tối, giữa lương tri - địa vị - danh lợi… Phim hấp dẫn người xem bởi lời thoại thấm thía, những ca mổ gay cấn; đọng lại sâu nhất là giá trị nhân văn, tình người, sự sống và lương tâm của người thầy thuốc.

Tất nhiên, chẳng thể so sánh phim Việt với phim Hàn. Cũng không thể đòi hỏi màn ảnh nhỏ phải có những bộ phim hay về ngành y trong một sớm một chiều. Nhưng rõ ràng, những gì được kể/nghe/thấy trong đại dịch COVID-19 quả là những chất liệu thật sự sống động, nhân văn về các y, bác sĩ. Hiện thực ấy chẳng lẽ không tác động lên tâm tư, trăn trở của các nhà biên kịch, nhà làm phim để màn ảnh nhỏ hạn chế được những vô lý, hời hợt về các “thiên thần áo trắng?”. 

Lục Diệp

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI