Hiến tạng - minh chứng sống động về lòng nhân ái

16/12/2024 - 06:24

PNO - Ngày nay, quan niệm hiến tạng cứu người có phần cởi mở hơn trước, nhưng không phải ai cũng dễ dàng với quyết định này.

Quả tim của thanh niên 18 tuổi đã được ghép thành công cho bệnh nhân suy tim ở TP Hà Nội - Ảnh do bệnh viện cung cấp
Quả tim của thanh niên 18 tuổi đã được ghép thành công cho bệnh nhân suy tim ở TP Hà Nội - Ảnh do bệnh viện cung cấp

Ghép tạng là một trong những thành tựu quan trọng nhất của nền y học thế giới. Dù đi sau thế giới 50 năm và sau các nước trong khu vực khoảng 20 năm, nhưng đến nay, trình độ ghép tạng của các bác sĩ Việt Nam đã ngang bằng nhiều nước và tỉ lệ sống sau ghép tạng ở nước ta còn cao hơn so với một số nước phát triển, trong khi chi phí lại rẻ hơn rất nhiều.

Việt Nam là nước có tổng số ca ghép tạng mỗi năm cao nhất Đông Nam Á, cũng là nước duy nhất trong khối ASEAN ghép được hơn 1.000 ca mỗi năm. Y học nước ta gần như đã làm chủ được kỹ thuật ghép các loại tạng, tính từ ca ghép thận đầu tiên vào năm 1992, kế đến là ghép gan, ghép tim, phổi, ruột, cũng như các mô, tạng khác.

Sự diệu kỳ của ghép tạng không chỉ cho thấy những tiến bộ của nền y học nước nhà mà còn cho thấy tình cảm của các thành viên trong các gia đình, tình người trong xã hội. Việt Nam đã có hàng ngàn người hiến mô, tạng và đang có hơn 170.000 người đăng ký hiến mô, tạng sau khi qua đời. Đây là minh chứng cho lòng nhân ái và sự tiến bộ về sự nhận thức của người Việt.

Thế nhưng, chúng ta vẫn phải nhìn nhận rằng, số người chết não hiến tặng mô, tạng ở Việt Nam còn thấp (6% số ca ghép) và có đến hơn 94% tạng được ghép lấy từ người sống, tiềm ẩn nhiều nguy cơ có hại cho sức khỏe người hiến.

Trong khi ở các nước như Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc, tỉ lệ tạng được ghép lấy từ người sống chỉ chiếm 10 - 60%.

Nguồn tạng hiến ít ỏi khiến nhiều bệnh nhân phải chịu đựng sự đau đớn, sống trong sự chờ đợi mòn mỏi và lo sợ. Vì vậy, mỗi quyết định hiến tạng đều trở thành món quà quý giá, mở ra cơ hội sống cho rất nhiều người.

Trong buổi lễ phát động phong trào “Đăng ký hiến tặng mô, tạng cứu người - Cho đi là còn mãi” ngày 19/5, sau khi đăng ký hiến mô, tạng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát biểu:

“Hiến mô, tạng cũng thể hiện gương sáng về người tốt, việc thiện, nêu cao tinh thần cho đi là còn mãi, vượt qua nỗi đau thương, mất mát, định kiến để gieo mầm sự sống, hạnh phúc cho nhiều gia đình, bệnh nhân khác. Chúng ta cần nhân lên những ý tưởng, hành động cao đẹp, nhân đạo này, tạo thành phong trào, xu thế trên cả nước”.

Ngày nay, quan niệm hiến tạng cứu người có phần cởi mở hơn trước, nhưng không phải ai cũng dễ dàng với quyết định này. Chính vì vậy, các cơ quan chức năng, đơn vị, tổ chức và cá nhân liên quan phải liên tục quán triệt, thực hiện đúng quy định về ghép tạng, hiến tạng để người hiến an tâm.

Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia phải điều phối tạng đúng pháp luật, minh bạch và công bằng; nghiêm cấm mua bán mô, bộ phận cơ thể người. Khi phát hiện hành vi trục lợi, thương mại hóa việc mua bán mô, tạng, phải xử lý nghiêm, triệt để nhằm mang lại sự tín nhiệm của người hiến tặng.

Người đứng đầu các cơ quan, tổ chức cần kiên trì huy động, phổ biến chính sách hiến, ghép tạng cho người dân hơn, làm cho người dân giảm đi sự e ngại khi hiến các bộ phận cơ thể, nhận thức sâu sắc giá trị nhân văn của việc hiến tạng cứu người. Chỉ khi có quan niệm đúng về cái chết, nhận thức được ý nghĩa cao đẹp của việc hiến mô, tạng, mọi người mới tự nguyện hiến tạng, từ đó nguồn tạng hiến mới tăng lên, cơ hội cho người bệnh chờ được ghép tạng mới nhiều hơn.

Hiến tạng là một hành động cao đẹp, mang đậm tính nhân văn và là biểu tượng của tình thương, trách nhiệm giữa con người với con người. Người hiến mô, tạng có thể tự hào vì đã thắp lên hy vọng, mang đến niềm hạnh phúc và sự sống cho những người xung quanh. Người nhận mô, tạng sẽ có cơ hội để tiếp tục làm những điều hữu ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Giúp người dân tin tưởng hiến tạng cũng là hành động cao đẹp, nhân văn và cần kíp.

An Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI