Hiến tạng: Không chỉ cứu sống bệnh nhân mà còn nhiều giá trị tốt đẹp khác

06/07/2024 - 05:58

PNO - Câu chuyện một cựu tù nhân ở Mỹ nỗ lực chuộc lỗi lầm quá khứ bằng cách hiến tạng khi đang sống đã truyền cảm hứng cho nhiều người. Từ đó, mở ra hy vọng ngày càng có nhiều bệnh nhân cần ghép tạng được cứu sống nhờ nguồn tạng hiến tặng có thể tăng lên.

Bác sĩ Johnny Hong trong buổi đào tạo cho nhóm phẫu thuật cấy ghép tại Trung tâm Y tế Milton S.Hershey - Nguồn ảnh: PSHN
Bác sĩ Johnny Hong trong buổi đào tạo cho nhóm phẫu thuật cấy ghép tại Trung tâm Y tế Milton S.Hershey - Nguồn ảnh: PSHN

Nhân lên những điều tốt đẹp

Sau khi tốt nghiệp Đại học Vanderbilt (Tennessee, Mỹ), Jeff Ewers bị bắt vì tàng trữ tài liệu liên quan lạm dụng tình dục trẻ em và bị kết án 2 năm tù. Trong thời gian thụ án, anh đọc một bài báo về những người hiến tạng ngay khi còn sống.

Từ đó, Ewers bắt đầu suy nghĩ về cách mang lại ý nghĩa tích cực cho cuộc đời sai lầm của mình. Ra tù, anh khởi động ngay hành trình trở thành người hiến tạng.

Lần đánh giá y tế thứ nhất, Ewers bị từ chối vì chấn thương cột sống khiến anh không đủ sức khỏe. Không nản lòng, anh đã giảm cân, cải thiện thể lực, đồng thời cai thuốc lá. Ở lần đánh giá lại, anh được chấp nhận. Tuy nhiên, theo giáo sư Peter Singer (Đại học Princeton), Ewers đã rất lo lắng việc hành vi phạm tội trước đây sẽ ảnh hưởng xấu đến những nỗ lực hiến tạng của mình.

“Tôi nói với anh ấy rằng việc giúp cứu sống người khác là đủ lý do để tiếp tục và nếu anh có thể kêu gọi thêm người trong danh sách 1 triệu tội phạm tình dục ở Mỹ tham gia, điều đó sẽ nhân lên những điều tốt đẹp mà anh ta có thể làm được” - vị giáo sư kể.

Ewers tin rằng, vẫn có những người tử tế trong số các tội phạm. Dù cuộc sống đã trở nên tồi tệ khi phạm tội, họ vẫn trân trọng cơ hội cứu mạng người khác. “Liệu mình có thể giúp truyền hy vọng cho họ, có thể khuyến khích một làn sóng cho đi để cứu được nhiều mạng sống hơn?” - Ewers tự hỏi.

Hằng năm, ở Mỹ có khoảng 60 trẻ em mắc bệnh gan giai đoạn cuối tử vong trong khi chờ được ghép gan. Ewers đã hiến một thùy gan vào tháng 8/2022. Người nhận là một cậu bé 2 tuổi bị ung thư gan. Người mẹ cho biết, hiện con trai đã lên 4 tuổi và có cuộc sống bình thường như bao đứa bé khác. Ewers đã tiếp tục thực hiện các bước đánh giá y tế để có thể hiến thận.

Xóa đi những hiểu biết sai lệch

Việc hiến tặng và cấy ghép nội tạng ở Mỹ được quản lý rất chặt chẽ với nhiều quy định. Năm 2023, 46.000 người trong số hơn 103.000 người Mỹ chờ ghép tạng đã được ghép. Thận, tim và gan được hiến tặng đã giúp những bệnh nhân bị suy tim, ung thư phổi và xơ gan được cứu sống. Mỗi ngày, trung bình có 17 người đang trong danh sách chờ ghép tạng tử vong vì chưa có tạng hiến phù hợp. Những người khác tiếp tục hy vọng và cầu nguyện.

Bác sĩ Johnny Hong (Trung tâm Y tế Milton S.Hershey, Pennsylvania) nói: “Chúng tôi gặp khủng hoảng vì thiếu nội tạng. Một trong những nguyên nhân có thể khắc phục ngay là xóa đi những hiểu biết sai lệch về vấn đề này khiến nhiều người muốn hiến tạng ngần ngại”.

Theo bác sĩ Hong, một người hiến tạng đã qua đời có thể cứu được tới 8 mạng sống. Trường hợp người còn sống quyết định hiến tạng như Ewers có thể hiến 1 trong 2 quả thận và một phần gan. Giới chuyên môn cũng đang thử nghiệm sử dụng một phần ruột của người cho còn sống.

“Nếu bạn có 2 quả thận khỏe mạnh, 1 trong 2 sẽ đảm nhận công việc của cái còn lại một cách bình thường mà không ảnh hưởng gì đến sức khỏe. Tương tự, nếu ta hiến một phần gan thì phần còn lại sẽ phát triển và đảm nhận toàn bộ chức năng của gan” - bác sĩ Hong cho biết.

Người hiến còn sống phải được xác nhận, làm một loạt xét nghiệm nghiêm ngặt. Trước đây, sau hiến thận, người cho cần nằm viện 5-7 ngày thì nay người hiến tặng có thể về nhà trong vòng 3 ngày. Việc lấy một phần gan cần nhiều thời gian hơn vì phần còn lại phải được nuôi dưỡng để tái tạo bù đắp cho phần đã lấy. Thời gian nằm viện có thể kéo dài 1 tuần hoặc hơn. Quá trình hồi phục có thể mất từ ​​​​2-3 tháng tại nhà.

Bác sĩ Hong cho biết: “Tiêu chí là tuổi sinh lý chứ không phải tuổi theo thời gian. Điều quan trọng là sức khỏe tổng thể của người hiến tặng vào thời điểm qua đời và chức năng của các cơ quan. Người hiến tặng còn sống thì phải có đủ sức khỏe để thực hiện ca phẫu thuật một cách an toàn và khỏe mạnh sau khi hiến tặng”.

Nam Anh (theo Japan Times, PSHN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI