Hiến tạng con cứu người xa lạ

09/11/2023 - 06:14

PNO - Tại tỉnh Bình Phước, một vụ tai nạn giao thông khiến anh Hùng bị chết não. Gia đình xin đưa anh về quê Nghệ An để người thân được thấy mặt lần cuối. Nhưng đến giữa đường, họ “quay xe” đưa anh vào bệnh viện để hiến tạng cứu người.

Gan, thận và giác mạc của anh Hùng được ghép vào cơ thể của 5 bệnh nhân. Đến nay, sức khỏe của cả 5 người đều đang phục hồi rất tốt. Thắp nén nhang lên bàn thờ con trai, bà Tâm - mẹ anh Hùng - thủ thỉ: “Vậy là con chưa hoàn toàn rời khỏi thế gian này, con nhỉ?”.

“Quay xe” cứu người

Gói lại những kỷ vật của cậu con trai mới qua đời vì tai nạn giao thông, bà Vũ Thị Tâm - 62 tuổi, trú xã Nghĩa Hoàn, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An - bảo, bà vẫn còn rất chông chênh, trống vắng, vì con trai ra đi quá đột ngột. Tuy nhiên, vợ chồng bà cũng được an ủi phần nào khi biết những phần cơ thể của con vẫn còn sống tiếp trong 5 người khác. Thời gian qua, người thân của các bệnh nhân được ghép tạng của anh Lê Văn Hùng - 41 tuổi, con trai bà Tâm - cũng thường xuyên gọi điện thoại thông báo tình hình sức khỏe và động viên vợ chồng bà Tâm vượt qua nỗi đau mất con.

Bà Tâm bên bàn thờ của con là anh Lê Văn Hùng, mới qua đời tháng 7/2023
Bà Tâm bên bàn thờ của con là anh Lê Văn Hùng, mới qua đời tháng 7/2023

Vợ chồng bà Tâm có 3 người con. Anh Hùng là con cả, bản tính hiền lành, biết nghĩ đến những người xung quanh. “41 tuổi rồi mà nó đã chịu lập gia đình đâu. Chỉ biết làm ăn để lo cho cha mẹ và các em. Dịp đó, nó gọi về bảo đang lên kế hoạch đưa người yêu về quê ra mắt. Thế mà…” - bà Tâm bỏ dở câu chuyện. 

Một ngày cuối tháng 7/2023, tại tỉnh Bình Phước, anh Hùng không may bị tai nạn giao thông trên đường đi làm về. Anh được đưa về TPHCM điều trị, nhưng vì vết thương quá nặng, anh bị chết não. Người nhà xin đưa anh về quê để người thân được gặp mặt lần cuối. Nhưng rồi kế hoạch đó đã dang dở khi giữa đường, gia đình quyết định “quay xe” vào Bệnh viện Trung ương Huế hiến mô, tạng của anh để cứu sống những người đang từng ngày, từng giờ chờ được ghép tạng.

“Thú thật lúc nghe tin con gặp tai nạn, chân tay tôi rụng rời, đâu có nghĩ được gì nhiều. Chỉ mong con nhanh về tới nhà để gặp con lần cuối. Chỉ đến khi con gái gọi điện thoại về nói ý định hiến tạng của Hùng để cứu những người khác thì tôi đồng ý ngay” - bà Tâm kể. Khi chiếc xe cứu thương chở anh Hùng vào Bệnh viện Trung ương Huế thì vợ chồng bà Tâm cũng vội vã ra sân bay vào Huế để nhìn mặt con lần cuối.

Sau khi hoàn thành thủ tục, các bác sĩ bắt đầu ca phẫu thuật lấy tạng. Gan của anh Hùng được các bác sĩ tức tốc đưa ra Hà Nội để ghép cho một bệnh nhân bị suy gan. 2 quả thận và 2 giác mạc được ghép ngay cho 4 bệnh nhân tại Bệnh viện Trung ương Huế. Đến nay, sức khỏe của cả 5 bệnh nhân đều đã ổn định và đang phục hồi rất tốt.

Thắp nén nhang lên bàn thờ con trai, bà Tâm thủ thỉ: “Vậy là con chưa hoàn toàn rời khỏi thế gian này con nhỉ?”. Bà bảo, bà cũng từng nghe đến việc hiến tạng người chết não để cứu người trên ti vi, nhưng chỉ đến khi hiến tạng con trai bà mới thực sự cảm nhận được ý nghĩa và giá trị của việc làm này. “Có người gọi về bảo phải chờ đến 20 năm mới tìm lại được ánh sáng nên rất muốn được về cảm ơn gia đình. Thậm chí bệnh nhân được ghép gan ở Hà Nội dù chưa thể đi lại được nhưng người vợ vẫn thường xuyên gọi điện về hỏi thăm vợ chồng tôi. Người vợ còn về tận nhà thắp hương cho Hùng và bày tỏ nguyện vọng cùng chồng quay về nhận vợ chồng tôi làm cha mẹ nuôi sau khi xuất viện” - bà Tâm tâm sự.

“Ý nghĩa cho đời, cho mình, tại sao không làm?”

Anh Lê Văn An - em trai anh Hùng - nói rằng, nguyện vọng lớn nhất của gia đình anh là những người được ghép tạng của anh Hùng sớm hồi phục sức khỏe. Có như vậy việc làm của gia đình mới thực sự có ý nghĩa.

Vợ chồng bà Tâm xúc động khi xem lại những tấm ảnh cũ của con trai Lê Văn Hùng
Vợ chồng bà Tâm xúc động khi xem lại những tấm ảnh cũ của con trai Lê Văn Hùng

“Khi gặp người thân của những người được hiến tạng, thấy niềm vui của họ được nhen nhóm, chúng tôi mới thực sự cảm nhận được ý nghĩa đích thực của việc hiến tạng cứu người. Gia đình chia sẻ câu chuyện này cũng không ngoài mục đích gì khác là để lan tỏa đến nhiều người hơn. Hy vọng sẽ có thêm nhiều người hiểu được ý nghĩa, sẵn sàng hiến tạng cứu người nếu người thân không may rơi vào trường hợp tương tự” - anh An nói.

Trường hợp khác, hơn 1 tháng kể từ ngày cậu con trai ra đi đột ngột vì tai nạn giao thông, anh Hà Văn Tuấn - trú xã Châu Bính, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An - cho biết, anh đã hoàn thành tâm nguyện của con trai. Vì hoàn cảnh khó khăn, em Hà Tấn Thành - 19 tuổi, con trai anh Tuấn - phải nghỉ học ra Hà Nội làm việc mưu sinh.

Một ngày đầu tháng Chín vừa qua, Thành không may gặp tai nạn giao thông, rơi vào tình trạng chết não. Nghe tin con trai gặp nạn, anh Tuấn vội ra Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội tìm gặp các bác sĩ nhờ tìm cách cứu chữa với hy vọng “còn nước còn tát”. Nhưng các bác sĩ đều lắc đầu. Lúc này, anh Thành đành nghĩ đến việc hoàn thành tâm nguyện “muốn được giúp đỡ mọi người” của con lúc còn sống. Sau khi hoàn tất các thủ tục, ngày 11/9, các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức đã phẫu thuật lấy tim, thận và giác mạc của Thành để cứu các bệnh nhân đang chờ được ghép tạng.

Với người dân ở nhiều vùng quê, nhiều người vẫn còn e ngại trong việc hiến xác, hiến tạng người thân khi không may gặp nạn do các yếu tố văn hóa và quan niệm “chết phải toàn thây”. Tuy nhiên, anh Tuấn lại suy nghĩ: “Việc mang lại ý nghĩa cho đời, cho mình, tại sao không làm?”. Khi biết con không còn cơ hội cứu chữa, anh Tuấn tìm hiểu về việc hiến một phần cơ thể của con. “Lúc đó, tôi thấy nhiều người đã hiến tạng và cứu được nhiều bệnh nhân rồi, nên quyết định cho một phần cơ thể của con để cứu người. Đây cũng là cách để một phần cơ thể của con được sống tiếp trên thế giới này” - anh Tuấn nói. 

Ngày 7/9, với sự hỗ trợ của Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Trung ương Huế và Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An đã lấy gan, thận, giác mạc, van tim, mạch máu... từ một nam thanh niên 18 tuổi (quê thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An) bị chết não hiến tặng, để cứu các bệnh nhân bị hư tạng.
2 quả thận được ghép cho 2 bệnh nhân bị suy thận giai đoạn cuối ngay tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An. Gần 2 tuần sau ca phẫu thuật, tình trạng sức khỏe của cả 2 bệnh nhân đều ổn định, hòa hợp gần hết với cơ thể, không có dấu hiệu nghi ngờ thải ghép nên được xuất viện về nhà theo dõi và tái khám theo lịch. Các bộ phận tạng còn lại được chuyển ra Hà Nội để ghép cho các bệnh nhân khác. 
Ông Nguyễn Văn Hương - Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An - cho biết, bệnh viện được Bộ Y tế cấp phép thực hiện ghép tạng từ năm 2019, đến nay đã thực hiện thành công nhiều ca ghép tạng từ người cho là người sống. Tuy nhiên, việc ghép tạng từ người chết não thì đây là lần đầu. Việc Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An thực hiện được kỹ thuật ghép tạng từ người cho bị chết não có ý nghĩa hết sức quan trọng, giúp người dân trong khu vực được ghép đa tạng mà không phải di chuyển xa.

“Tôi như được tái sinh”

“Tôi như được tái sinh. Giờ đây tôi không còn phải chạy thận duy trì sự sống nữa. Tôi đã cảm nhận rõ được sự thay đổi trong cơ thể, sức khỏe đã phục hồi khoảng 75% và có thể làm các công việc nhẹ nhàng” - anh P.M.T. - 31 tuổi, quê TP Hội An, tỉnh Quảng Nam - bệnh nhân được ghép thận của anh Lê Văn Hùng - chia sẻ.

Người đàn ông 31 tuổi này trước đây làm tài xế xe du lịch. Hơn 3 năm trước, sức khỏe của anh suy giảm và được phát hiện bị suy thận giai đoạn cuối. Kể từ đó, anh phải nghỉ việc, sống tá túc bên bệnh viện để tiện chạy thận 3 lần mỗi tuần nhằm duy trì sự sống. Anh T. đến Bệnh viện Trung ương Huế đăng ký chờ đợi cơ hội được ghép thận với hy vọng mong manh cuối cùng.

“Tối 30/7, khi được thông báo, tôi vừa mừng, vừa lo. Giờ mọi thứ đã ổn rồi, tôi mong sẽ sớm có cơ hội ra nhà anh Hùng chơi, thắp hương cho anh và cảm tạ tấm lòng của gia đình anh ấy” - anh T. nói.

Phan Ngọc 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI