Hiến tạng: Cho đi để luôn ở lại

17/05/2022 - 06:01

PNO - Việc một sinh viên 19 tuổi tại TPHCM tuần qua bị tai nạn giao thông được chẩn đoán chết não đã được gia đình hiến tạng và cứu được bốn người khiến nhiều người xúc động. Cấy ghép nội tạng là một trong những tiến bộ lớn nhất của y học hiện đại. Kể từ khi được áp dụng vào những năm 1960, thủ thuật cứu sống hơn 100.000 người mỗi năm trên toàn cầu.

 

Theo trang Statista, thế giới ghi nhận 129.681 ca cấy ghép nội tạng vào năm 2020, trong đó cơ quan được cấy ghép nhiều nhất là thận - ẢNH: SHUTTERSTOCK
Theo trang Statista, thế giới ghi nhận 129.681 ca cấy ghép nội tạng vào năm 2020, trong đó cơ quan được cấy ghép nhiều nhất là thận - ẢNH: SHUTTERSTOCK

Phép màu từ cấy ghép tạng 

Bằng cách trở thành người hiến tạng, cá nhân đồng ý cung cấp nội tạng cho những người có nội tạng bị hỏng hoặc tổn thương. Khi họ qua đời, các bác sĩ sẽ đánh giá khả năng đủ điều kiện hiến tặng dựa trên tiền sử bệnh và tuổi tác. Quyết định hiến tặng này cũng có thể đến từ gia đình bệnh nhân chết não. 

Nếu các bộ phận từ người hiến tặng được coi là phù hợp, bước tiếp theo là kết nối việc hiến tặng với một người nào đó trong danh sách chờ ghép tạng. Điều này dựa trên nhiều yếu tố, như nhóm máu, loại nội tạng và kích thước, tình trạng khẩn cấp về y tế, thời gian chờ đợi và khoảng cách địa lý. Sau đó, nhóm cấy ghép sẽ quyết định chấp nhận hay từ chối nội tạng dựa trên các tiêu chí riêng. Nếu nhóm từ chối nội tạng, bệnh nhân phù hợp nhất tiếp theo sẽ được liên hệ. 

Hiện hơn 100.000 người ở Mỹ đang nằm trong danh sách chờ ghép tạng, cứ chín phút lại có một người mới được thêm vào và khoảng 17 người qua đời mỗi ngày trong khi chờ ghép tạng. Ngay cả giữa sự hỗn loạn của COVID-19, hơn 40.000 ca cấy ghép tạng đã được thực hiện tại Mỹ vào năm 2021. Nhưng điều đó cũng có nghĩa rằng nhiều người trong danh sách chờ phải thất vọng. 

Một lý do khiến nguồn nội tạng luôn thiếu là bởi vì chỉ có 3/1.000 người tử vong theo cách phù hợp với quy trình ghép tạng. Nhiều bộ phận được cấy ghép tồn tại suốt cuộc đời của bệnh nhân, nhưng nhiều bộ phận thì không. Tuy nhiên, các cơ quan được cấy ghép thường mang lại cho người nhận thêm mười năm cuộc đời hoặc nhiều hơn. Một người hiến tạng có thể cứu sống tám người và hỗ trợ tới 75 người khác nếu bao gồm hiến tặng giác mạc. Hầu hết cơ quan được cấy ghép là thận, tim, gan, phổi, tuyến tụy và ruột.

Quyết định chẳng mấy dễ dàng 
Trước khi Jack Pearce (người Anh) qua đời vào tháng 2/2020, anh đã quyết định tham gia chương trình hiến nội tạng. Mẹ của Jack - Julie Pearce - cho biết, con trai bà giờ đây vẫn “sống” qua cuộc đời của những người khác.

Bà Pearce nói: “Tôi có một cảm giác thoải mái khi nghĩ rằng dù tôi không thể gặp lại con trai mình, vẫn có những phần từ con người nó giờ đang sống trong cơ thể một người khác. Nó đã cho người khác một cuộc sống tốt hơn hoặc thậm chí là cứu mạng họ. Tôi rất tự hào về con trai tôi”.

Jack đã hiến bốn bộ phận cơ thể của mình. Bà Pearce giữ liên lạc với người nhận gan của Jack. Bà kể rằng người nhận đã rất xúc động trước lòng tốt từ Jack: “Anh ấy nói rằng con trai tôi là người dũng cảm nhất mà anh ấy từng gặp. Nhờ Jack, anh ấy đã lấy lại cuộc sống và có thể dành thời gian cho các con”.

Ở Mỹ, kể từ khi cậu con trai 16 tuổi Curtis thiệt mạng trong một vụ tai nạn giao thông cách đây 35 năm, Tom và Vivian Gano đã thực hiện sứ mệnh chia sẻ quyết định hiến tặng nội tạng cho nhiều gia đình khác. Họ trở thành đại sứ tình nguyện cho Tổ chức Gidt of Life để thúc đẩy nhận thức về người hiến tạng. Cặp vợ chồng từ New Jersey đã đi khắp nơi, chia sẻ câu chuyện của con trai họ với khoảng 290.000 sinh viên, học sinh. Họ giải thích thêm về quyết định hiến tạng ngay lúc Curtis được thông báo chết não vào năm 1987. 

Ông Tom (80 tuổi) nghẹn ngào nói: “Cho đến lúc ấy, tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình phải đưa ra quyết định đó khi vừa mất đi con trai”. Sự lựa chọn của họ đã cứu sống bốn người và giúp đỡ những người khác thông qua việc hiến mô. Riêng bà Vivian (75 tuổi) chia sẻ: “Tôi không muốn bất kỳ ai cảm thấy bối rối như những gì tôi đã trải qua. Thật tốt khi biết rằng ai đó đã được cứu và Curtis không chết vô ích”. 

Biết ơn khi có cuộc đời thứ hai

Cậu bé 16 tuổi được chẩn đoán mắc bệnh thận vào tháng 5/2020 và cần ghép thận vào tháng 8/2020. Sau hơn một năm kể từ ngày được ghép thận, cậu đã khỏe hơn nhưng đôi khi vẫn cảm thấy mệt mỏi. “Tôi nhận thức rõ hơn rằng mọi thứ đều có thể thay đổi ngay lập tức, vì vậy tôi trân trọng cuộc sống hơn nhiều. Tôi rất biết ơn khi có cuộc đời thứ hai”, Branden thổ lộ.

Đối với người nhận, ghép tạng là một trải nghiệm thay đổi cuộc sống. Vào ngày đầu năm mới 2022, Branden Dever (California, Mỹ) đã làm điều mà cậu luôn mơ ước, đó là ngồi trên chiếc thuyền diễu hành Rose Parade dành cho những bệnh nhân được cứu sống nhờ ghép tạng. Đây cũng là chuyến đi để cậu tri ân người hiến tạng đã cứu sống mình. 


TẤN VĨ (theo Stanford Childrens, Integris Health, Inquirer)

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI