Hiền quá sao đòi được tiền nuôi con!

19/10/2018 - 20:00

PNO - Nhiều lúc, đầu ngổn ngang lo toan, buồn khổ, nhưng trước mặt các con chị luôn tỏ ra vui vẻ, thoải mái để không ảnh hưởng đến tâm lý của con.

Liên tù tì ba tháng nay, anh không gửi tiền cho chị nuôi con. Lý do mà anh giải thích với chị chỉ vỏn vẹn trong một tin nhắn “anh đang kẹt”. Anh không gửi, chẳng lẽ chị cứ nhì nhèo suốt ngày. Đồng lương chị chỉ có thế, đành xoay ra làm thêm để trang trải các khoản thiếu hụt.

Chị nhận tài liệu về nhà dịch, làm bánh để bán trên mạng. Bạn bè, người quen biết hoàn cảnh của chị nên họ mua ủng hộ. Nhiều hôm, giữa trưa nắng, chị em trong phòng người thay đồ đi tập yoga, người trải giường xếp ra ngủ, chị thì khăn bịt kín mặt, khoác áo chống nắng, lao ra đường.

Giao xong hàng, lại về công ty cho kịp giờ làm. Hôm nào giao trưa không xong thì chiều phải đi giao tiếp. Người đông, đường tắc, ngồi trên xe lâu mỏi lưng, chùn gối, về đến nhà là choáng váng. Nhưng nghĩ đến con chị lại phải cố. Năm học mới bắt đầu rồi, hai đứa con chị có biết bao nhiêu khoản phải đóng góp.

Hien qua sao doi duoc tien nuoi con!
Ảnh minh họa.

Bốn năm kể từ ngày ly hôn, chị đã quá quen với cuộc sống không có người đàn ông bên cạnh. Việc gì cũng tự làm lấy. Lúc đầu, chị cũng cảm thấy chấp chới, chông chênh, dần dần rồi cũng quen. Nỗi đau tuy đã lắng dần xuống nhưng vẫn âm ỉ. Nhiều khi muốn dụi, muốn vùi nó xuống để sống cho thanh thản, nhẹ nhõm nhưng lại không làm được. Đuối sức, muốn quỵ ngã rồi chị lại tự vực dậy đứng lên.

Chồng chị đã tái hôn với phụ nữ đó - người có mối quan hệ tình cảm với anh khi anh chị vẫn còn là vợ chồng. Chị biết nhưng không thể ngăn cản nên quyết định buông tay. Có người trách chị hiền quá, dại quá mới để cho kẻ khác cướp mất chồng. Mẹ chị khi biết chuyện cũng giận tím mặt: “Con biết cả, thế mà bấy lâu cứ im thít vậy à? Loại đàn bà lăng nhăng đi dụ dỗ chồng người khác thì phải dằn cho ra tương, ra bả đi chứ!”.

Không biết bao nhiêu lần, chị phải nuốt nước mắt nghẹn đắng vào trong. Nhưng chị không trách cô ta khi chồng chị đã tự nguyện dấn thân. Chị đủ tỉnh táo để hiểu rằng, một khi đàn ông đã không còn chung tình thì anh ta sẽ đi tắt, rẽ ngang. Một khi anh ta xem nhẹ gia đình thì cố gắng của người vợ cũng trở nên vô nghĩa.

Thủ tục ly hôn của vợ chồng chị hoàn tất khá nhanh. Trước ngày ra tòa, nhiều người khuyên chị để một đứa con cho anh nuôi để cột chân anh vào trách nhiệm. Nhưng chị nghĩ khác: vợ chồng ly hôn, với các con đã là sự mất mát, thiệt thòi, chị không muốn con phải gánh thêm nỗi đau “kép”. Chị đã trao đổi với anh và anh đồng ý để hai con sống cùng chị, hằng tháng anh sẽ gửi tiền cấp dưỡng.

Năm đầu tiên, anh thực hiện đều đặn. Nhưng rồi khoảng cách của những lần chuyển tiền cứ thưa dần. Với chị, để nhắc anh thực hiện nghĩa vụ của một người cha với con cái sau ly hôn sao mà buồn và khó khăn 
đến thế!

Ba tháng anh không chuyển tiền, chị phải tự lo liệu. Nhiều lúc, đầu ngổn ngang lo toan, buồn khổ, nhưng trước mặt các con chị luôn tỏ ra vui vẻ, thoải mái để không ảnh hưởng đến tâm lý của con. Hôm rồi, túng quá chị hỏi vay tiền đứa em gái thì nó gào lên: “Anh ấy đi làm, lại còn có cả công ty riêng, chẳng lẽ mỗi tháng không bứt ra được mấy triệu mà gửi nuôi con sao? Chị phải làm căng lên. Bằng không chị cứ kiện ra tòa gửi giấy đòi nợ”. 

Nói vậy nhưng rồi em gái cũng chuyển tiền vào tài khoản cho chị cùng với tin nhắn: em bực thay cho chị nên mới nói vậy, chứ em cũng hiểu khi người cha không có trách nhiệm thì có vô vàn lý do. Dù có giấy đòi nợ cũng chỉ khiến chị và hai cháu tổn thương thêm. Thôi cố gắng lên chị nhé, gia đình luôn bên cạnh tiếp sức cho chị, khó khăn nào rồi cũng sẽ qua…

Chị áp điện thoại vào lồng ngực… cố nén tiếng khóc sắp bật ra. 

Thu Đức

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI