Hiến máu giúp thay đổi cuộc sống của người cho lẫn người nhận

15/06/2024 - 06:09

PNO - Hiến máu không chỉ quan trọng với người nhận mà còn hữu ích cho chính người hiến. Sau ít nhất 48 giờ hiến máu, cơ thể sẽ sản xuất các tế bào máu mới, giúp cải thiện sức khỏe tổng thể.

Việc hiến máu đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc cứu sống nhiều bệnh nhân. Ước tính 1 lần hiến máu của người tình nguyện có thể giúp cứu đến 3 mạng sống. Có gần 120 triệu đơn vị máu được hiến tặng trên toàn cầu mỗi năm (1 đơn vị xấp xỉ 450ml).

Theo tiến sĩ Poonam Khetrapal Singh - Giám đốc khu vực Đông Nam Á của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) - khoảng 19,4 triệu đơn vị máu được thu thập mỗi năm tại khu vực này, tương đương khoảng 0,94% dân số hiến máu thường xuyên. Nhu cầu về máu của mọi quốc gia sẽ được đáp ứng dễ dàng nếu 1 - 3% tổng dân số hiến máu thường xuyên.

Hiến máu không chỉ quan trọng với người nhận mà còn hữu ích cho chính người hiến. Sau ít nhất 48 giờ hiến máu, cơ thể sẽ sản xuất các tế bào máu mới, giúp cải thiện sức khỏe tổng thể.

Hiến máu thường xuyên giúp người hiến máu duy trì lượng sắt khỏe mạnh, bảo vệ họ khỏi bệnh tim mạch, giảm nguy cơ đau tim, được hỗ trợ xác định các vấn đề sức khỏe như thiếu máu hoặc bệnh truyền nhiễm.

Ông Dennis Druce ở bang Utah (Mỹ) hiến máu vào tháng 1/2024 - Ảnh: Deseret News/Scott G Winterton
Ông Dennis Druce ở bang Utah (Mỹ) hiến máu vào tháng 1/2024 - Ảnh: Deseret News/Scott G Winterton

Theo Hội Chữ thập đỏ Mỹ, vào một thời điểm nào đó trong đời, khoảng 1/4 dân số nước này sẽ cần được truyền máu. Ước tính 50% dân số Mỹ đủ điều kiện hiến máu, tuy nhiên theo Viện Y tế quốc gia, chỉ có khoảng 5% thực hiện điều đó.

Hội Chữ thập đỏ Mỹ giúp quản lý 40% nguồn cung cấp máu. Vào đầu tháng Sáu, tổ chức này thiếu 20.000 lượt hiến máu, một vấn đề đặc biệt lớn trong mùa hè. Đó là thời điểm nhiều người giải trí ngoài trời hơn trong nhà và nguy cơ tai nạn cần truyền máu cũng tăng lên. Benjamin Donner - Giám đốc điều hành khu vực miền Trung và miền Nam bang Utah của Hội Chữ thập đỏ Mỹ - đã hiến máu trong 30 năm qua.

Ông Donner kể: “Vài năm trước, tôi cần được truyền máu khẩn cấp. May mắn, bệnh viện có nhóm máu O Rh- và sẵn sàng cho ca mổ ngay lập tức. Đối với các bạn, hiến máu có thể chỉ là một hoạt động nhân đạo ngắn ngủi nhưng đối với tôi, đó là cả sinh mệnh”.

Ở tuổi 14, James Christopher Harrison trải qua một cuộc phẫu thuật lớn và cần được truyền máu. Năm 1954, ngay khi vừa tròn 18 tuổi, ông đã đăng ký hiến máu như một cách trả ơn.

Các bác sĩ nhận thấy trong máu của ông có chứa một loại kháng thể đặc biệt, có thể dùng để tạo ra “loại thuốc cứu mạng” Anti-D, giúp ngăn chặn sự sản xuất các kháng thể chống lại thai nhi mang nhóm máu Rh+ ở những phụ nữ mang thai có nhóm máu Rh-.

Tính đến thời điểm hiện tại, cụ ông 87 tuổi người Úc đã góp phần cứu sống hơn 2,4 triệu trẻ sơ sinh bằng cách hiến máu. Và chính vắc xin Anti-D được hình thành từ kháng thể trong máu của ông Harrison đã giúp con gái ông vượt cạn thành công.

Ông Harrison nói: "Nhờ thuốc tiêm Anti-D, cháu trai thứ hai của tôi được sinh ra khỏe mạnh. Tôi vui vì đã cứu được một người thân trong gia đình, cũng như nhiều sinh mạng khác”.

Mỗi 18 giây, nước Úc lại cần 1 người hiến máu. Tại xứ sở chuột túi, mức cung cấp máu sẽ được hiển thị theo thời gian thực từ tháng 6/2024 thông qua trang web của Lifeblood - đơn vị chịu trách nhiệm thu thập và phân phối máu, thuộc Hội Chữ thập đỏ Úc - với hy vọng sáng kiến sẽ khuyến khích nhiều người hiến máu thường xuyên hơn.

Nghiên cứu từ cơ quan dịch vụ máu quốc gia cho thấy, 75% người Úc sẽ hiến máu nếu biết nhóm máu của mình là cần thiết. Trang web Lifeblood thể hiện số lượng túi (đơn vị) máu được hiến tặng, phân loại theo nhóm máu và có thể hiển thị theo từng bang.

Cath Stone - Giám đốc bộ phận hiến tặng của Lifeblood - chia sẻ: “Chúng tôi hy vọng việc hiển thị thông tin cập nhật về lượng máu được lưu giữ sẽ thúc đẩy nhiều người đến và hiến tặng hơn”.

Linh La (theo WHO, KSL.com, Unilad, Lifeblood)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI