Hiến, ghép tạng: Cần giải pháp quản lý công bằng, chống mua bán

19/06/2023 - 06:27

PNO - Ngành y tế Việt Nam hiện đã hoàn toàn làm chủ kỹ thuật ghép tạng. Tuy nhiên, do nguồn tạng hiến khan hiếm, rất cần giải pháp quản lý để đảm bảo công bằng, chống lại nạn mua - bán tạng. Báo Phụ nữ TPHCM đã phỏng vấn tiến sĩ, bác sĩ Dư Thị Ngọc Thu - đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM - về vấn đề này.

Phóng viên: Hiện nay, dù số lượng người đăng ký hiến tạng tăng lên nhưng nguồn tạng vẫn thiếu hụt, phải làm gì để khắc phục tình trạng này, thưa bác sĩ?

Tiến sĩ, bác sĩ Dư Thị Ngọc Thu: Trên cả nước, ngày càng xuất hiện thêm nhiều trung tâm ghép. Chỉ riêng ở phía Nam, TPHCM đã có 7 trung tâm, ở miền Tây có Bệnh viện đa khoa Kiên Giang, trong tương lai sẽ có thêm ít nhất 2 bệnh viện nữa. Trước đà phát triển như vũ bão của chuyên ngành ghép, Bộ Y tế cùng các chuyên gia đã nhận thấy cần phải bổ sung các quy định trong quản lý, quy trình phối hợp cùng các quy chế, chế độ chính sách cho hoạt động này trong tương lai.

Ngày càng có nhiều đơn đăng ký tình nguyện hiến mô - tạng khi chẳng may qua đời trong cả nước. Riêng Bệnh viện Chợ Rẫy đã tiếp nhận được trên 40.000 đơn. Thực tế, đơn vị điều phối của bệnh viện đã nhận được thông tin về người bệnh chết não có tiềm năng hiến tạng từ nhiều bệnh viện tuyến tỉnh. Tuy nhiên đang có rất nhiều khó khăn về phương tiện chẩn đoán, kinh nghiệm hồi sức bảo quản mô - tạng hiến. Điều này đã cho thấy cần phải xây dựng và phát triển mạng lưới hiến, ghép tạng cho khu vực phía Nam. Cùng với đó là các chương trình đào tạo chuyên sâu, quy trình phối hợp thực hành liên viện… tạo điều kiện tốt nhất có thể tiếp nhận được các món quà vô giá để cứu người bệnh. Tăng được nguồn mô - tạng hiến, cứu được nhiều người bệnh là điều mà cả người hiến và gia đình đều mong muốn. 

Việc tăng nguồn cung mô - tạng hiến đáp ứng được yêu cầu điều trị sẽ làm giảm đi những bất an trong xã hội do nạn buôn bán và ghép tạng trái phép. Theo các chuyên gia trên thế giới, cần tận dụng nguồn mô - tạng hiến sẵn có từ những bệnh nhân bị chấn thương sọ não nặng quá khả năng điều trị. Tiếp cận, thuyết phục người thân đồng thuận thực hiện ý nguyện của người bệnh. Bên cạnh đó, cần có các quy trình thực hành chuyên nghiệp, chuyên sâu, để tiếp nhận và quản lý người bệnh có tiềm năng hiến tạng. 

Một ca ghép tim ở Bệnh viện Chợ Rẫy - ẢNH: BỆNH VIỆN CUNG CẤP
Một ca ghép tim ở Bệnh viện Chợ Rẫy - Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Theo thông tin từ Sở Giao thông Vận tải TPHCM trong 6 tháng đầu năm 2022 có 329 người tử vong do tai nạn giao thông. Chỉ cần có 2 - 5% số người tử vong hiến tạng, chúng ta sẽ có nguồn mô tạng tối thiểu để phục vụ cho việc điều trị. Bên cạnh đó, chúng ta không nên dừng lại ở việc vận động người hiến tạng, mà phải làm sao để tất cả bệnh nhân bị suy tạng giai đoạn cuối có chỉ định ghép, biết được nơi để đăng ký vào danh sách chờ ghép tạng.

* Nhiều người lo ngại sẽ xảy ra tệ nạn buôn bán tạng, làm thế nào để ngành y tế có thể kiểm soát được vấn đề này?

- Thật sự, mặc dù chúng ta có Luật Khám chữa bệnh có nhiều quy định về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người nhưng nguy cơ xảy ra nạn buôn bán tạng vẫn chực chờ. Vì vậy, cần phải có những quy định để quản lý, kiểm soát chương trình hiến và ghép đi đúng hướng.

Năm 2007, Việt Nam có Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác. Tuy nhiên, giai đoạn đầu hình thành luật nước ta chỉ là học tập kinh nghiệm từ các nước, chứ chưa có kinh nghiệm thực tế. Qua 16 năm, chúng ta đã thấy được những bất cập của luật. Bộ Y tế đang tập trung bổ sung, chỉnh sửa luật. Hình thành các cơ chế điều hành chuẩn mực, có quy định rõ ràng trong hoạt động của hệ thống hiến, ghép. Chẳng hạn như phải có danh sách chờ, có phần mềm tuyển chọn tự động hóa chuyên nghiệp để việc hiến và ghép minh mạch, công bằng, hạn chế sự can thiệp từ con người.

Vừa qua, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Thống Nhất và Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã thử nghiệm đề tài nghiên cứu, bước đầu xây dựng được phần mềm về tiếp nhận, quản lý, tuyển chọn và điều phối mô - tạng hiến, để ghép. Tiêu chuẩn tuyển chọn được áp dụng từ các tiêu chí trong tuyển chọn người cho (đang sống) mà Việt Nam đang thực hiện, cùng với 17 quy trình thực hành lâm sàng và các hướng dẫn thực hành lâm sàng của hệ thống điều phối quản lý hiến, ghép tạng. 

Nếu hệ thống điều phối này được hoàn thiện tốt, công khai minh bạch trong hiến, ghép tạng, chúng ta sẽ có được niềm tin của cộng đồng. Lúc này mọi người sẽ sẵn sàng chia sẻ những bộ phận cơ thể mà họ không cần dùng nữa để cứu người bệnh.

Có đầy đủ nguồn tạng hiến ghép thì không bệnh nhân nào phải bôn ba tìm mua tạng bất hợp pháp. Đây chính là điều kiện chống lại mua bán tạng, ghép tạng trái phép, mang lại lợi ích rất lớn cho cộng đồng. Để làm được điều này, sự thành lập trung tâm điều phối ghép tạng khu vực phía Nam, dùng công nghệ thông tin để quản lý và tuyển chọn người hiến, ghép là cần thiết.

* Khi đưa vào thực tiễn, hiệu quả của phần mềm hiến, ghép phòng chống nạn buôn bán tạng sẽ như thế nào?

- Từ trước đến nay, hầu hết bệnh viện thực hiện rời rạc, từng ca. Bây giờ cần phát triển về cơ sở hạ tầng, kiến thức, đào tạo... có quy trình, quy chế thống nhất, liên viện, tập hợp công sức, đầu tư trí tuệ hội đồng của nhiều bệnh viện, từ trước, trong và sau ghép theo hệ thống quản lý.

Hệ thống có 3 nhánh gồm: nhánh quản lý người hiến, nhánh quản lý người bệnh chờ ghép và nhánh quản lý máy vi tính. Có sự quản lý tách biệt nhưng có quy trình y khoa phối hợp chặt chẽ. Có sự thống nhất tuyển chọn về tiêu chuẩn y khoa (tiêu chuẩn chủ chốt, được mã hóa thành thang điểm ưu tiên trong tuyển chọn) từ hội đồng chuyên môn. Nếu có người hiến tạng, chỉ cần nạp thông tin vào hệ thống, máy sẽ mã hóa, rà soát tìm ra người có sự tương thích cao nhất về miễn dịch để chọn ra người được nhận. Đồng thời đánh giá yếu tố nguy cơ của người cho, nhận trong danh sách bệnh nhân chờ ghép để có hiệu quả sau ghép tốt nhất. Nếu người nhận tương thích nhưng nguy cơ cao, lập tức máy sẽ tuyển chọn người tương thích kế tiếp. 

Hệ thống sẽ tách bạch sự tự quản lý, hạn chế tối đa sự can thiệp của con người, ngăn ngừa được nạn “thỏa thuận ngầm”, ưu tiên ghép. Từ đó, ngăn ngừa hiệu quả buôn bán tạng. Dữ liệu liên viện cũng sẽ giúp các bệnh viện quản lý chéo lẫn nhau trước, trong và sau ghép. Kịp thời phát hiện các vấn đề về sức khỏe người bệnh cũng như vấn đề tiêu cực (nếu có), phát hiện các cá nhân tư lợi, từ đó mang đến tính minh bạch, công bằng trong hiến, ghép.

Bước đầu, Bệnh viện Chợ Rẫy dần hoàn thiện phần mềm quản lý hiến, ghép thận. Bệnh viện cũng đang triển khai thực hiện phần mềm này cho các mô tạng hiến, ghép khác như gan, tim, giác mạc…

* Xin cảm ơn bác sĩ. 

Rất nhiều lợi ích cho người bệnh, gia đình, xã hội 

Bác sĩ Dư Thị Ngọc Thu cho biết, với người bệnh suy mô - tạng, phương pháp điều trị tốt nhất là ghép mô, ghép tạng. Để kỹ thuật này thực hiện được thì phải có nguồn mô - tạng hiến. Việc hiến tạng là tự nguyện và nhân đạo. 

Sau 30 năm, tính từ năm 1992, Việt Nam đã thực hiện hơn 6.500 ca ghép tạng thành công. Trong số này có hơn 6.000 ca ghép thận, Bệnh viện Chợ Rẫy đóng góp 1.126 trường hợp. Riêng từ năm 2016 đến nay, bệnh viện đã ghép 674 ca thận. Một trong những bệnh nhân được ghép thận đầu tiên tại Bệnh viện Chợ Rẫy đang sống mạnh khỏe là bà Võ Thị Thượng (65 tuổi, ở Long An). 

Trên thực tế, một ca ghép tạng thành công không chỉ người bệnh được nâng cao chất lượng cuộc sống, mà còn mang lại nhiều lợi ích cho cả gia đình và xã hội. Bệnh viện Chợ Rẫy đã thực hiện nghiên cứu chi phí điều trị trong 12 tháng ở người bệnh bị suy thận mạn giai đoạn cuối được điều trị bằng thận nhân tạo, thẩm phân phúc mạc và ghép thận.

Kết quả, bệnh nhân sau khi ghép, người bệnh chi trả chi phí chỉ bằng 1/3 đến 1/5 so với người bệnh chưa được ghép, sức khỏe hồi phục, chất lượng cuộc sống được nâng cao, tham gia lao động xã hội, không phải tốn người nuôi bệnh… Đặc biệt, trẻ em được ghép tạng không bị ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và trí tuệ. Đó là lý do mà ở các nước tiến bộ, chính phủ đã đầu tư phát triển chương trình ghép tạng từ người hiến chết.

Phạm An (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI