Hiện đại hóa cảng, tàu để kinh tế biển vươn lên

04/10/2024 - 06:38

PNO - Theo thống kê của Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đến cuối năm 2023, Việt Nam có trên 83.400 tàu cá dài hơn 6m. Với số tàu cá đông đảo như vậy, lẽ ra dịch vụ hậu cần nghề cá ở các tỉnh ven biển phải “ăn nên làm ra”. Thế nhưng, mọi thứ đang diễn ra ngược lại.

Hậu cần nghề cá và nghề đánh bắt cá là 2 chân trụ của kinh tế biển và có mối quan hệ mật thiết với nhau. Hậu cần nghề cá phát triển là điểm tựa cho ngư dân bám biển, vươn khơi; tàu cá làm ăn hiệu quả thì sử dụng dịch vụ hậu cần càng nhiều. Do đó, để vực dậy các dịch vụ hậu cần nghề cá, cần hiện đại hóa trang thiết bị đánh bắt để ngư dân “sống được” với nghề.

Chúng ta có số lượng tàu cá hùng hậu nhưng cũng lạc hậu. Đa số tàu cá Việt Nam có tuổi đời cao, được đóng bằng gỗ, công suất nhỏ, trang thiết bị trên tàu lạc hậu dẫn đến hiệu quả đánh bắt thấp, dễ hư hỏng và không an toàn khi hoạt động trên biển. Do thiếu trang thiết bị hiện đại như máy dò cá, máy kéo lưới, các thiết bị vệ tinh… nên ngư dân vẫn đánh bắt cá theo cách truyền thống, hiệu quả khai thác thấp, ảnh hưởng xấu đến môi trường biển. Khi ngư dân được đầu tư trang thiết bị đánh bắt hiện đại, hiệu quả đánh bắt sẽ cao hơn, giúp vực dậy lĩnh vực hậu cần nghề cá, giải quyết việc làm cho người lao động trên bờ.

Dịch vụ hậu cần nghề cá chủ yếu nằm ở các cảng biển. Tuy nhiên, có rất nhiều cảng cá đang bị bồi lắng nên tàu thuyền không thể vào neo đậu. Không có tàu thuyền, dịch vụ hậu cần không thể hoạt động. Để “cứu” dịch vụ hậu cần nghề cá, phải đầu tư hạ tầng, nạo vét luồng lạch ở các cảng. Việc cải thiện hạ tầng cũng giúp ngư dân giảm các chi phí phát sinh, tăng lợi nhuận để tái đầu tư cho chuyến đánh bắt sau.

Hậu cần nghề cá của Việt Nam không thể phát triển còn do chưa được quy hoạch bài bản mà đang hoạt động theo mô hình truyền thống, chủ yếu là các làng nghề nằm rời rạc, thiếu liên kết. Để hậu cần nghề cá thật sự phát triển, các địa phương cần sớm quy hoạch bài bản, có sự liên kết giữa các khối dịch vụ với nhau. Việc quy hoạch này ở các địa phương cần bám sát với “Quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Cũng giống như việc đánh bắt, dịch vụ hậu cần nghề cá ở nước ta còn lạc hậu, việc đóng tàu hay bảo quản thủy sản đều bằng các phương pháp thủ công nên chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Cần hiện đại hóa các khâu, chuyển đổi số trong quản lý để thu hút các chủ tàu sử dụng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu thủy sản.

Để thực hiện được những điều trên, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ tài chính, thuế cho người dân và doanh nghiệp đầu tư vào nghề cá và hậu cần nghề cá. Hiện nay, ngư dân muốn chuyển đổi, nâng cấp tàu đánh cá đang gặp khó khăn về vốn, trong khi các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về đóng tàu, đổi mới công nghệ chưa được triển khai đồng bộ và hiệu quả. Song song với việc hỗ trợ, cần xây dựng khung pháp lý rõ ràng để quản lý hoạt động hậu cần.

Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ tám, khóa XII “Về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” xác định, đến năm 2030, các ngành kinh tế thuần biển đóng góp vào GDP cả nước khoảng 10%; kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển ước đạt 65 - 70% GDP cả nước; các ngành kinh tế biển phát triển bền vững theo các tiêu chuẩn quốc tế; tăng cường kiểm soát khai thác tài nguyên biển gắn với bảo đảm khả năng phục hồi của hệ sinh thái biển…
Để hiện thực hóa những mục tiêu này, nhất thiết phải đầu tư, hiện đại hóa cả lĩnh vực đánh bắt lẫn dịch vụ hậu cần nghề cá.

Vũ Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI