Sinh nghề tử nghiệp
Tháng 12/2023, trong lúc làm nhiệm vụ bảo vệ rừng, anh Nguyễn Kim Anh - Phó trạm kiểm lâm số 2, Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Ea Sô, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk - đã tử vong tại bìa rừng với 14 vết đạn trên người. Sự ra đi của anh một lần nữa gióng lên hồi chuông về sự nguy hiểm của cuộc chiến bảo vệ rừng mà không phải ai cũng hiểu. Tại Khu BTTN Ea Sô, thật xót xa khi nhiều cán bộ kiểm lâm cũng từng bị “lâm tặc” tấn công, nhưng may mắn là vẫn còn giữ được mạng sống.
“Sự ra đi của anh Kim Anh khiến tôi rùng mình nhớ lại lần bị nhóm thợ săn chĩa súng bắn vào người, khiến mình trở thành thương binh giữa thời bình” - anh Hoàng Văn Nam - Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm số 9, Khu BTNT Ea Sô - bắt đầu nói về những góc khuất phía sau cánh rừng.
|
Anh Hoàng Văn Nam kể chuyện bị nhóm người phá rừng bắn bị thương |
Hơn 24 năm làm công tác bảo vệ rừng, anh Nam từng nhiều lần đối đầu với bọn “lâm tặc” và thợ săn manh động. “Năm 2009, trong lúc phối hợp đi tuần tra tại Tiểu khu 628, chúng tôi phát hiện có dấu vết người lạ vào rừng. Lần theo dấu vết, tôi và các đồng nghiệp phát hiện 2 đối tượng cầm 2 khẩu súng quân dụng đang đi phía trước. Chúng tôi chia làm 2 tổ để vây bắt. Khi khoảng cách chỉ còn 10m thì các đối tượng biết mình đã bị phát hiện nên dừng lại. Tôi ra lệnh buông súng nhưng chúng phớt lờ rồi bỏ đi. Chúng tôi tiếp tục bám theo và yêu cầu dừng lại, nhưng bọn chúng chĩa súng bắn vào tổ tuần tra. Viên đạn xuyên qua nách trái của tôi” - anh Nam kể lại.
Anh Nam được đưa đi cấp cứu. Mọi việc trở nên phức tạp khi sau đó cánh tay của anh teo dần. Anh được chẩn đoán bị đứt dây động mạch chủ cánh tay trái, tỉ lệ thương tật 29%, được hưởng chế độ chính sách như thương binh.
Trước đó, anh Lê Tấn Hoàng - nhân viên Trạm Kiểm lâm số 8, Khu BTTN Ea Sô - cũng bị “lâm tặc” tấn công suýt chết. Lần ấy, anh Hoàng cùng 4 đồng đội đi tuần tra và ở lại trong rừng. Tối đến, các anh phát hiện 2 nhóm đối tượng vào rừng lấy gỗ. Tổ tuần tra bắt được 1 người, nhưng trên đường đưa người này về trạm thì bị đồng bọn của chúng chặn đường giải vây. Anh Hoàng bị tấn công với 11 nhát dao vào sau lưng, hông, vai và phổi. May mắn, anh Hoàng vẫn còn giữ được mạng sống khi giả chết.
Cuộc chiến không cân sức
Không riêng Khu BTTN Ea Sô, cuộc chiến bảo vệ rừng tại Vườn quốc gia Yok Đôn (huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) cũng vô cùng nóng bỏng khi các đối tượng lăm le xâm hại rừng bằng mọi cách. Nhiều cán bộ, nhân viên của vườn đã bị tấn công, suýt phải bỏ mạng. Trong đó có trường hợp của anh Ngô Lê Nhật Tiến - Phó trạm số 7.
Anh Tiến là “con nhà nòi” khi có bố công tác nhiều năm tại Vườn quốc gia Yok Đôn. Khi nối nghiệp bố, anh chọn con đường trực tiếp tuần tra bảo vệ rừng thay vì làm công việc hành chính. Sự lựa chọn này đã nhiều lần đưa anh vào tình thế nguy hiểm khi giáp mặt và bị “lâm tặc” tấn công.
Anh kể: “Hôm đó, vào khoảng 10g30, tôi được giao nhiệm vụ cùng một đồng chí khác xác minh tin báo có người dùng xe máy vận chuyển gỗ. Lần theo tin báo, chúng tôi chia 2 hướng để tìm nơi tập kết gỗ. Tôi đi bộ theo đường đồi thì phát hiện trước chòi của người dân có 2 xe máy và 2 khối gỗ đã xẻ thành hộp. Tôi liền gọi điện thoại về trạm báo cáo và xin tăng cường lực lượng, đồng thời áp sát không cho các đối tượng tẩu tán tang vật. Bị phát hiện, nhóm đối tượng khoảng 20 người đã cầm dao và gậy tấn công tôi, nên tôi phải bỏ chạy. Rất may là sau đó đồng đội đã đến kịp, tóm gọn bọn chúng cùng tang vật”. Sau lần chạm trán ấy, anh Tiến đã phải chuyển công tác để tránh bị trả thù.
|
Lực lượng kiểm lâm đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức trong cuộc chiến bảo vệ rừng |
Lần khác, vào năm 2020, với vai trò Phó trạm kiểm lâm số 7, Vườn quốc gia Yok Đôn, anh Tiến cùng một cán bộ kiểm lâm cơ động đi xác minh tin báo. Cả 2 chạy xe máy hơn 10km thì phát hiện 2 xe máy chở gỗ, 1 xe máy chở cưa, tất cả 7 đối tượng, chúng đang loay hoay sửa xe chở gỗ, anh Tiến đã gọi về đơn vị xin hỗ trợ lực lượng, đồng thời tìm cách tiếp cận, giữ tang vật.
“Chúng tôi chia làm 2 đầu, mỗi người giữ 1 xe chở gỗ. Tôi vừa rút còng ra thì các đối tượng bỏ chạy. Tôi đạp đổ xe gỗ rồi chạy đến hỗ trợ đồng đội. Thấy chỉ có 2 người, nhóm đối tượng quay lại cướp xe và gỗ. Chúng tôi nổ súng để uy hiếp nhưng súng không nổ. Thấy vậy, nhóm đối tượng càng hung hãn hơn. Chúng dùng vật cứng đập vào đầu khiến tôi đổ máu. Tôi cố gắng còng 1 chiếc xe có biển số để dễ truy tìm rồi gục xuống. Các đối tượng đã dùng dao phá còng, nhưng chưa kịp thì đồng đội tôi đã chụp lại chiếc xe đó. Ngay trong đêm, công an đã bắt được nhóm đối tượng. Về sau, 1 người bị xử lý về tội cố ý gây thương tích, 6 đối tượng còn lại chưa đủ tuổi nên chỉ bị xử phạt hành chính” - anh Tiến chia sẻ.
Hiểm nguy là vậy nhưng chế độ lương thấp khiến không ít nhân viên xin nghỉ việc. Ông Nguyễn Quốc Hưng - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk - cho hay, từ năm 2016 đến nay, đơn vị có 5 công chức xin nghỉ việc, 13 người xin chuyển công tác, 44 người xin nghỉ hưu trước tuổi, 3 trường hợp lãnh đạo xin từ chức, xuống làm chuyên viên.
Tại các công ty lâm nghiệp, trong 5 năm qua có trên 150 người xin nghỉ việc, nguyên nhân phần lớn là do quyền hạn thì thấp nhưng trách nhiệm cao, công việc vất vả, chế độ lương thưởng, đãi ngộ rất thấp.
Kiến nghị tăng quyền hạn cho kiểm lâm Ông Nguyễn Thiên Văn - Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk - cho biết, tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng chính sách thu hút nguồn nhân lực tham gia hoạt động quản lý, bảo vệ rừng trình Chính phủ xem xét, ban hành. Để bảo vệ được rừng, theo ông Văn cần tăng quyền hạn cho kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, phải có cơ chế đặc thù với lực lượng làm công tác quản lý bảo vệ rừng để họ yên tâm cống hiến… |
Áp lực giữ rừng rất lớn Tính đến giữa năm 2023, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có 497.018ha rừng. Trong đó, rừng tự nhiên là 413.845ha, rừng trồng 83.173ha. Diện tích đất lâm nghiệp không có rừng là 239.689ha. Ông Nguyễn Quốc Hưng - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk - cho hay, tại các khu vực có đông đồng bào dân tộc thiểu số từ phía Bắc vào sinh sống như Cư Mgar, Krông Bông, M’Đrắk, Ea Súp, Ea Kar, áp lực giữ rừng rất lớn. Người dân vẫn còn nhiều súng tự chế, dùng để săn bắn động vật nhưng không bao giờ mang về nhà mà cất giấu ngoài rừng. Một bộ phận vào rừng khai thác gỗ trái phép, phá rừng lấy đất sản xuất. Từ đó, xảy ra nhiều mâu thuẫn, những cuộc “chạm trán” giữa các đối tượng vi phạm và lực lượng quản lý bảo vệ rừng. Nhiều trường hợp, cán bộ kiểm lâm rơi vào nguy hiểm. |
Nguyên Bảo