edf40wrjww2tblPage:Content
Ngậm ngùi!
ThS-BS Đặng Quang Vinh (Trung tâm Nghiên cứu di truyền và sức khỏe sinh sản thuộc khoa Y, Đại học quốc gia TP.HCM kiêm Phó trưởng Đơn vị Hỗ trợ sinh sản BV Mỹ Đức) cho biết: nếu như 12% phụ nữ Mỹ có chỉ định xin trứng từ người khác thì Việt Nam tỷ lệ này chiếm khoảng 10%. Sở dĩ các cặp vợ chồng hiếm muộn cần xin trứng là do buồng trứng suy sớm, đã phẫu thuật cắt bỏ hai buồng trứng, hoặc do lớn tuổi nên trứng kém chất lượng, thụ tinh trong ống nghiệm thất bại nhiều lần.
BS Đặng Quang Vinh giải thích, khi tiêm thuốc nội tiết, có một số nguy cơ như: quá kích buồng trứng do cơ thể đáp ứng quá mức với thuốc, gây khó chịu như căng bụng, tiểu ít, khó thở. Việc chọc hút trứng cũng gây ra những khó chịu tương tự.
Tuy nhiên, khả năng xảy ra các tình trạng này là rất thấp và có những biện pháp chủ động để dự phòng. Về nỗi lo bị ung thư sau quá trình tiêm thuốc nội tiết, BS Vinh cho biết, nếu sử dụng thuốc nội tiết sau một thời gian dài, không kiểm soát, trên những người có cơ địa dễ mắc bệnh ung thư mới có thể xảy ra nguy cơ trên. Do đó, người hiến trứng không cần lo lắng vì việc sử dụng nội tiết ở các BV có kiểm soát. |
Những người may mắn xin được trứng từ chị em trong gia đình, số còn lại, nếu muốn có con phải gian nan tìm kiếm. Nhiều cặp vợ chồng rơi vào tình cảnh đau thương vì gia đình chồng buộc phải sinh con. Thế nhưng, để tìm được người cho trứng là cả một vấn đề. Đó là chưa kể sau khi xét nghiệm, người cho lại không đủ sức khỏe, chất lượng trứng không đạt, hoặc thay đổi ý định vào phút cuối…
Chị Ph.Q.Tr. (42 tuổi), từng có một con trai. Chẳng may con chị bị chết khi tắm sông nên chị phải cùng chồng đến bệnh viện (BV) để thụ tinh trong ống nghiệm. Nhưng chất lượng trứng của chị không đảm bảo, không thể mang thai, các BS cho biết, chỉ còn cách xin trứng. Nhằm tránh rắc rối về sau, vợ chồng chị quyết định về quê ở Bạc Liêu để tìm người xin trứng. Sau nhiều lần xét nghiệm, trứng của người cho được xác nhận đạt yêu cầu. Vợ chồng chị đang nhen nhóm hy vọng khi về già sẽ có đứa con hủ hỉ, không phải chịu cảnh đơn côi, thì đến ngày hút trứng, người cho lại quyết định không cho nữa.
Do buồng trứng bị suy yếu sớm, chị C.T.B.H. (32 tuổi), không thể thụ thai. Chị được các BS BV Mỹ Đức TP.HCM chỉ định xin trứng để thụ tinh trong ống nghiệm. Sau bốn năm chị mới tìm được người quen cùng quê Khánh Hòa chấp nhận cho trứng với điều kiện chị H. lo toàn bộ chi phí đi lại, ăn ở…
Sau khi làm các xét nghiệm về sức khỏe, hằng ngày chị H. phải “hộ tống” người cho đến BV chích thuốc nội tiết để kích thích buồng trứng với chi phí lên đến 2-3 triệu đồng/ngày. Quy trình chích thuốc kéo dài từ 10-12 ngày. Thế nhưng hết ngày thứ chín thì người cho trứng đòi về quê với lý do gia đình có chuyện buồn, sau đó từ chối không cho nữa với lý do “gia đình phản đối và chị sợ chích thuốc nội tiết sẽ gây ung thư”.
Công đoạn trữ lạnh tinh trùng
Kiếm được tinh trùng thì không còn trứng
Tại BV Hùng Vương (TP.HCM), cầm kết quả xét nghiệm trên tay, anh L.H.P. (34 tuổi) như người mất hồn. Các BS cho biết, TT của anh bị bất thường về nhiễm sắc thể nên không thể thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm. Muốn có con, khó khăn lắm anh mới vượt qua được sự mặc cảm để xin TT.
Sau một hồi im lặng, anh P. ưu tư: “Sao BS không cho mẫu từ ngân hàng TT của BV? Đi xin TT người quen, rất ngại người ta biết mình vô sinh. Chưa kể sau này, bé lớn lên tìm về cha ruột thì tôi biết làm sao”. BS giải thích, ngân hàng TT hiện có rất ít người hiến tặng nên muốn có mẫu TT, khách hàng phải tự kiếm mẫu để trao đổi. Khi tìm được người cho TT, các BS sẽ tiến hành làm các xét nghiệm. Nếu chất lượng tốt, sẽ chọn để trao đổi với mẫu TT trong ngân hàng.
Hai năm sau, vợ chồng anh P. tìm được một thanh niên 35 tuổi ở Kiên Giang đồng ý hiến TT. Sau năm tháng làm đủ các thủ tục cam kết tự nguyện hiến và các xét nghiệm, vợ chồng chị P. hồi hộp chờ đợi. Thế nhưng, đến ngày hẹn lấy TT thì người thanh niên kia… biến mất. Bao nhiêu chi phí lo ăn ở, đi lại do vợ chồng anh P. lo liệu đã… bay theo gió. Liên lạc qua điện thoại không được, vợ chồng anh P. tìm xuống Kiên Giang gặp thanh niên kia nài nỉ, nhưng anh ta nhất quyết không chịu hiến TT.
Mỗi năm, BV Từ Dũ thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm 2.500 lượt người, trong đó có rất nhiều cặp vợ chồng được chỉ định phải đi xin TT. Tại khoa Hiếm muộn BV Từ Dũ, anh T. mặt mày thẫn thờ sau khi BS thông báo kết quả xét nghiệm tinh dịch đồ của anh không có TT. Kết quả chọc tìm TT từ tinh hoàn cũng không mấy khả quan.
“Nhìn cảnh ấy tôi rất đau lòng, nhưng không thể giúp được gì. Bệnh nhân kể, để có con, vài tháng trước đó anh đã từ bỏ uống rượu, bỏ thuốc lá, ăn nhiều giá đỗ và tăng cường tập thể dục”, TS-BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Phó giám đốc BV Từ Dũ nói. Bởi thế, khi nghe BS tư vấn, nếu muốn có con, cách duy nhất là xin TT, anh T. lặng im, còn vợ anh rưng rưng nước mắt. Biết xin TT của ai!
Với những cặp vợ chồng hiếm muộn, đi xin TT đã khó thì với những phụ nữ đơn thân muốn xin TT để được làm mẹ lại càng khó. Sau 15 năm tìm kiếm, cuối cùng chị Tr.T.N.H., Việt kiều Đức, cũng tìm được người chấp nhận cho TT. Nhưng lúc ấy BS phát hiện chị không còn trứng.
Chuyện là, vào năm 23 tuổi, chị H. quyết định không lấy chồng mà về Việt Nam tìm TT gốc Việt để thụ tinh nhân tạo. Thế nhưng sau 14 năm nhờ người mai mối, đến năm 37 tuổi, chị mới tìm được một người đàn ông chấp nhận cho TT.
Kết quả khám và thực hiện tất cả các xét nghiệm cho thấy sức khỏe và chất lượng TT của người cho đều tốt, mọi thủ tục cũng như việc lấy TT đã hoàn tất. Chỉ đến khi chuẩn bị thực hiện thụ tinh cho chị H., thì BS mới phát hiện chị H. không còn trứng. Mọi cố gắng coi như đổ sông đổ bể. Khi trở về Đức, chị gửi tặng lại ba lọ TT cho ngân hàng TT của BV Từ Dũ và mong ai đó sẽ may mắn hơn chị. Giấc mơ làm mẹ của chị chấm dứt.
VĂN THANH (Còn tiếp)