Hiếm muộn và nỗi đau người trong cuộc

26/05/2015 - 08:15

PNO - PN - Chị Vũ Thị C. lặng lẽ về phòng khi cả “nhà” đang líu ríu dọn bữa cơm trưa. Thả tập giấy tờ khám bệnh xuống chiếc giường con ở góc phòng, chị ngồi thụp xuống nền nhà, òa lên: “Em hết hy vọng rồi mấy chị ơi! Bác sĩ...

edf40wrjww2tblPage:Content

Hiém muọn và nõi dau nguòi trong cuọc

Sau bao năm chờ đợi, vợ chồng anh Hữu Long mới được toại ước mơ

“Có cả ngàn người như thế”...

Tôi chứng kiến cảnh đó trong một lần dọ dẫm bước vào các khu trọ lô xô quanh bệnh viện (BV) Từ Dũ. Hỏi “xóm hiếm muộn”, tất cả các chủ cho thuê trọ đều lắc đầu. Vô tình bắt gặp người đàn ông phờ phạc, trầm tư khi đang nghỉ chân ở một quán nước, tôi quyết định theo chân anh. Đến khu trọ nằm sâu trong con hẻm trên đường Cống Quỳnh, bị người đàn ông ngoái nhìn, bắt gặp, tôi đành thú nhận mình đang đi theo anh, hy vọng tìm được “xóm hiếm muộn”.

Anh gượng cười, ngượng nghịu: “Cô theo đúng người rồi”.

“Điểm đến” của người đàn ông là căn nhà trọ khoảng hai chục mét vuông ở cuối hẻm. Căn nhà chật chội, thiếu ánh sáng, kê vừa đủ sáu chiếc

C. nấc nghẹn: “Người ta có con đơn giản quá, còn tôi sao khổ sở thế này! Khóc hết nước mắt mà trời chẳng chịu thương. Đêm nào tôi cũng mơ thấy mình sinh con, mơ rồi khóc, khóc rồi mơ”.

giường đơn. Trên những mảng tường cũ kỹ dán chi chít hình ảnh các em bé ngộ nghĩnh. Đằng sau cánh cửa, một người phụ nữ lớn tuổi đang nấu nướng trong góc bếp đơn sơ.

Đó là nơi ăn ở của sáu cặp vợ chồng đang điều trị hiếm muộn ở BV Từ Dũ. Người “kinh nghiệm” nhất đã trọ ở phòng từ cuối năm 2013. Các cặp vợ chồng còn lại cũng gắn bó với nơi này trên dưới một năm. Họ là người đồng cảnh, đồng hành, và đồng sẻ chia với nhau như một gia đình. Chị Nguyễn Thị Loan(*) giới thiệu: “Người trong đây như một nhà, còn các phòng cùng dãy là một xóm. Hầu như khách trọ của khu này quen mặt nhau, có cả ngàn người như thế!”.

Cả nhà đang vui vẻ, hào hứng mời tôi dùng bữa cơm trưa, thì đột ngột lặng đi khi chị Vũ Thị C. bước vào phòng. Ngồi bệt dưới nền nhà, người chị run lên theo cơn nức nở, môi cố mím chặt để ngăn tiếng khóc. Các chị trong “nhà”, sau cái lặng người cũng tìm được vài lời an ủi. Một chị cứ đưa tay nắn nắn tay chị C., mặt ngước nhìn lên trần nhà, như cố tránh đi.

Kết hôn từ năm 2005, C. đã hai lần mang thai, nhưng cứ đến tháng thứ ba, chị lại phát hiện thai lưu. Đến năm 2007, trong một lần đau bụng dữ dội, chị được bác sĩ thông báo bị u xơ tử cung, phải phẫu thuật cắt bỏ khối u. Ba năm sau đó chị vẫn không mang thai, vợ chồng chị lại đến BV, mới hay trong lần phẫu thuật trước, chị bị cắt mất một vòi trứng, bên còn lại bị tắc. Từng qua nhiều lần phẫu thuật, sức khỏe giảm sút, không thể thực hiện thông vòi trứng, chị được tư vấn phương án cuối cùng để có thai là thụ tinh trong ống nghiệm. Nghe đến đó, C. rụng rời.

Ở một vùng đất của huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An nơi chị sinh sống, việc phải thụ tinh trong ống nghiệm để được sinh con là chuyện quá khác người. Thêm nữa, chi phí cho một lần thụ tinh quá cao so với thu nhập của cặp vợ chồng trẻ, làm công ăn lương. Chị C. quyết định tìm đến các phương pháp đông y, nhưng trải qua 5 năm mỏi mòn, tốn kém, vẫn không có kết quả. “Nghĩ lại giai đoạn đó, tôi cứ như đang nếm lại cái vị đắng nghét của hàng nghìn thang thuốc Nam, thuốc Bắc”, chị nói.

Hiém muọn và nõi dau nguòi trong cuọc

Bữa cơm trưa trước khu điều trị hiếm muộn, BV Từ Dũ

35 tuổi, hoảng sợ khi nhận thấy thời gian đang rút ngắn dần, chồng C. kiên quyết bỏ công việc, nhà cửa, đưa vợ vào Sài Gòn, cố chạy chữa để có thể sinh con. Lần thụ tinh đầu thất bại, một trăm triệu đồng hai vợ chồng dành dụm gần hết sạch. Còn vừa đủ số tiền mua vé xe về quê, vợ chồng chị lặng lẽ “ngó chừng” nhau khi Tết Nguyên đán đang đến gần. “Không ai dám đòi về quê, cũng không dám đề nghị ở lại, hai vợ chồng cứ nhìn nhau, chờ người kia lên tiếng”, chị C. kể. Cuối cùng, chồng chị quyết định ở lại, tìm việc làm để tiếp tục bám trụ, chạy chữa.

Còn lại ba phôi thai lưu trữ, ra Giêng, chồng chị C. vay mượn khắp nơi để thực hiện thụ tinh lần thứ hai. Suốt mấy ngày Tết nằm bên nhau trong căn phòng trọ ẩm thẩp, vợ chồng đã “lên tinh thần” cho nhau, để rồi… lần thất bại này đã vùi dập mọi hy vọng của họ. C. nấc nghẹn: “Người ta có con đơn giản quá, còn tôi sao khổ sở thế này! Khóc hết nước mắt mà trời chẳng chịu thương. Đêm nào tôi cũng mơ thấy mình sinh con, mơ rồi khóc, khóc rồi mơ”.

Nước mắt đàn ông

Tôi xin họ một tấm ảnh, C. lắc đầu: “Ở quê người ta nặng nề lắm. Nếu biết tôi sinh con từ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, người ta sẽ không tin đứa con đó là của anh ấy”. Ngay cả khi đứa con còn ở miền - hy - vọng, sự điều tiếng đã bủa vây lấy họ. Suốt 10 năm, mỗi lần đến giỗ chạp, tiệc tùng, chồng C. luôn để mắt đến vợ, phòng khi người quen vô ý hỏi han chuyện con cái, anh sẽ đỡ lời. Có lúc, gia đình anh sốt ruột chuyện nối dõi đã trót cay nghiệt với con dâu, anh đứng ra giành hết phần lỗi về mình.

“Việc này có là lỗi của riêng ai, anh nói, tôi chỉ buồn mấy lúc C. tuyệt vọng, khuyên tôi đi lấy vợ khác”. Là một cán bộ ở quê nhà, vào TP.HCM, anh phải đi phụ hồ kiếm sống. Học nghề, trở thành thợ phụ thuần thục trong mấy tháng gần đây, anh chưa bỏ việc một ngày nào. Chỉ có sáng nay, lúc C. vào BV, tần ngần mãi, anh mới máng lại bộ đồ lao động lên giá, quyết định ở nhà mà không cho vợ hay. Anh thành thật: “Gia đình ở quê tin là tôi được chuyển công tác vào TP.HCM thật, tôi cũng chấp nhận bỏ nghề, chừng nào sinh được con rồi tính tiếp”.

Hiém muọn và nõi dau nguòi trong cuọc

Tranh thủ ngày nghỉ anh Hữu Long lên thăm vợ, tự tay chuẩn bị bữa cơm

Đến bên vợ chồng chị C., anh Hữu Long (Bắc Bình, Bình Thuận) nhẹ nhàng an ủi người bạn cùng phòng, hơn ai hết anh hiểu cảm giác này. Chính anh cũng từng như người rơi xuống vực thẳm, đau đớn, buồn tủi đến không còn muốn nhìn mặt người thân. Vợ chồng anh Long sống dựa vào từng vụ mùa thanh long. Ngày anh cùng vợ, chị Nguyễn Thị Quyện vào khám ở BV Từ Dũ cũng là khi chuyện con cái không thể trì hoãn. Hơn một trăm triệu đồng vợ chồng anh tích góp trong 5 năm trời, cùng tiền của cha mẹ, anh chị em mỗi người một ít cho “lấy lộc” đều tan thành mây khói khi lần thụ tinh thứ nhất thất bại.

Từ ngày phát hiện nguyên nhân hiếm muộn là do mình, anh đâm sợ hãi từng tiếng thở dài của vợ. Sợ cả những tấm hình trẻ con được chị tỉ mỉ dán trên tường. Liên tục chứng kiến vợ đau đớn, lo âu trong hàng chục lần vào viện, kèm theo mặc cảm tội lỗi, vô dụng, anh Long đâm ra chán ghét bản thân. Với anh, may mắn, mà cũng là nỗi mặc cảm lớn nhất, là chị Quyện vẫn yêu thương, chung thủy với chồng.

Dù lắm lúc bật cười, rồi òa khóc vì một đứa trẻ dễ thương nào đó trên ti vi, ngoảnh lại, chị cũng không một lời oán than, trách móc. “Cô ấy đã chịu nhiều thiệt thòi, tôi không thể vì mặc cảm bản thân mà làm tắt hy vọng của vợ. Niềm vui duy nhất của vợ chồng là đứa con, không có con thì của cải làm ra còn có ý nghĩa gì. Nợ bao nhiêu thì nợ, mình có đôi tay thì lo gì không trả được”, anh Long chia sẻ.

Dù là cặp đôi trải qua nhiều vấp váp, đớn đau nhất trong “nhà”, nhưng bây giờ, vợ chồng anh Long, chị Quyện là nguồn vui duy nhất của các “em”. Khi hy vọng và tiền bạc đều cạn kiệt, sau khi thụ tinh nhân tạo lần hai, chị Quyện phát hiện mình có thai. Lúc cầm que thử thai có hai vạch, chị lao ra khỏi phòng tắm, ôm chầm lấy một chị khác trong nhà, vừa cười vừa khóc. Đang uống cà phê ở một quán cóc đầu hẻm, nghe tin, anh Long vội chạy nhanh về. Về đến phòng thấy mọi người xúm xít, ai cũng nước mắt ròng ròng, miệng cười cười, mếu mếu... “Hồi trai trẻ, đâu ngờ sẽ tới lúc mình cũng thèm khát một đứa con như thế”, anh nói.

Suốt mấy ngày sau đó, có ai quen ở Sài Gòn, anh đều thông báo để... được chúc mừng. Được gọi điện, thăm hỏi liên tục, anh Long hào hứng, miệng lúc nào cũng toe toét. Đến mức, chị Quyện phải can: “Anh bớt lại đi, em xúc động là không tốt cho con đâu!”. Anh Long giật mình, ôm vợ, bắt... “ngồi yên, nội bất xuất, ngoại bất nhập”.

Chị Quyện bồi hồi: “Mới có mấy ngày mà người thân, bạn bè, rồi cả chị em ở khu hiếm muộn này đều biết cả, ai cũng mừng lây”. Nói rồi, như sực nhớ ra, chị vội đính chính: “Ờ không, không phải vài ngày, mà cả... hai tháng rồi đó”. Chị cười xòa.

Cũng dễ hiểu thôi, so với những năm tháng đằng đẵng khổ đau, thì hai tháng hạnh phúc cũng có khác “vài ngày” là mấy...

Con đau, mẹ cũng quặn lòng

Nhưng “xóm hiếm muộn” không chỉ có các cặp đôi hiếm muộn. Lách vào các con hẻm, người ta dễ bắt gặp những người phụ nữ lớn tuổi, vội vã ra vào các tạp hóa, rồi vụt chạy về phòng. Đó là những người mẹ của các cặp vợ chồng hiếm muộn, cũng bỏ việc, bỏ quê để theo con trên hành trình kiếm tìm những đứa trẻ.

Bà Nguyễn Thị Ánh, mẹ của chị Võ Thị Mai (Cẩm Giàng, Hải Dương) vào TP.HCM mấy tháng nay để nấu ăn cho con, mà cũng là cho cả “gia đình” sáu cặp vợ chồng hiếm muộn. Mỗi ngày trôi qua trên chiếc giường nhỏ xíu trong căn phòng mười mấy mét vuông, bà Mai lại bần thần nhẩm tính, “không ăn uống gì cũng đã mất gần trăm ngàn tiền trọ rồi”. Cứ thế, mỗi chiếc giường là 2.500.000đ/tháng. Mỗi tháng, thấy các vợ chồng góp nhau tiền trọ, bà lại thừ người, xót xa.

Hiém muọn và nõi dau nguòi trong cuọc

'Mỗi năm, khoa Hiếm muộn bệnh viện Từ Dũ đón hơn 60.000 lượt khám hiếm muộn

Mai là con gái duy nhất của bà Ánh. Những ngày đầu phát hiện chồng mình vô sinh, chiều chiều, Mai lại chạy về nhà mẹ đẻ, nằm khóc. “Ở nhà chồng, nó không dám buồn, chừng nào buồn quá thì chạy về bên tôi. Thấy con đau buồn mà đứt ruột, nhưng tôi có dám nói chi”. Bà chỉ biết đến gần, bóp nhẹ vai con: “Cố lên con”.

Nhà chồng biết chuyện, cũng kiên nhẫn động viên để hai vợ chồng thoải mái tinh thần mà chờ đợi cơ may. Năm này tháng nọ vẫn chưa có tin vui, mẹ chồng khuyên Mai ly hôn, “nhà chồng sẽ không trách giận”. Sau lời “giải thoát” của mẹ chồng, chồng Mai bắt đầu hắt hủi, lạnh nhạt với vợ. Năm lần bảy lượt chị Mai bị chồng gạt đi mỗi lần muốn đến gần, chị chạy về nhà mẹ đẻ, nằm khóc. “Nó khóc như đứa trẻ, nhưng nằng nặc nói không bao giờ bỏ chồng, vẫn yêu chồng lắm. Tôi nghe mà mừng chảy nước mắt. Dù gì, còn tình cảm là còn mọi thứ”, bà Ánh nói.

Con gái quyết định “không bỏ chồng”, bà Ánh nhân cơ hội khuyên hai con đi thụ tinh nhân tạo. Không chịu nổi áp lực từ nhà chồng và chòm xóm, ba năm nay, vợ chồng Mai rời Hải Dương, vào Tây Nguyên lập nghiệp, rồi lên xuống thành phố với hành trình kiếm con. Chồng Mai đi làm ở Tây Nguyên, nên chỉ có mẹ là thường xuyên bên cạnh cô trong mỗi lần thụ tinh.

Bà Ánh còn nhớ cái lần kiệt cùng hi vọng nhất, là khi Mai bị ứ dịch, phải nằm cấp cứu. Nằm điều trị ứ dịch trong lúc ngày cấy phôi sắp đến, nếu không kịp bình phục thì lỡ mất một lần thụ tinh, xem như thất bại, Mai lo lắng đến lịm người. Bà Ánh kể: “Tôi đến quẫn trí, cứ lầm bầm trách ông trời sao mà trêu đùa nghiệt ngã quá!... Rồi tôi cũng thôi trách ông trời. Ở đây lâu ngày, chứng kiến bao nhiêu cặp vợ chồng mếu máo ra về vì không thể chữa khỏi, thì ai còn hy vọng, tức là còn may mắn”, bà Ánh nói.

Hình ảnh người mẹ sấp ngửa cùng con vẫn ám ảnh chúng tôi trong những ngày tìm hiểu về các cặp vợ chồng hiếm muộn. Ở phòng chờ khám, tư vấn của Khoa Hiếm muộn, BV Từ Dũ, xen lẫn giữa những cặp vợ chồng, là những người mẹ lặng lẽ ngồi cạnh con gái. Thấy tôi ngồi một mình, một người mẹ quay lại, cầm tay tôi, hỏi: “Con cấy lần nào chưa?”.

Không đợi tôi trả lời, bà lại đưa tay đặt lên vai cô con gái ngồi bên, lắc đầu, giọng mệt mỏi: “Nó chưa làm lần nào, mà sợ lắm!”. Nói đến đó, cô con gái của bà đến lượt khám, bà giật mình, đứng phắt dậy, đưa con vào tới ngưỡng cửa phòng khám rồi mới quay ra. Đến cuối buổi, khi đang lòng vòng ngoài cổng BV, tôi lại gặp hai mẹ con người phụ nữ ấy. Thấy tôi, bà dừng lại, hỏi: “Con sao rồi? Con cô nó hổng phải hiếm muộn con ơi! Mới tám tháng chưa có thai là vẫn bình thường đó!”. Nói rồi, bà đi vội cho kịp cô con gái, vừa với lại nói với tôi: “Con ráng lên nghen!”.

***

Chỉ vài bước thôi là ra khỏi BV, ra khỏi những dãy trọ lô xô của những cặp vợ chồng hiếm muộn. Cái ồn ã, tấp nập của một chiều tháng Năm ập vào tôi. Chỉ vài bước chân, là khoảng cách vời vợi của những mong ngóng, khổ đau mà nếu không để tâm, có khi cả đời, một người sống giữa thành phố như tôi cũng không hay - để biết rằng mình may mắn.

 LINH GIANG - MINH TÂM

* Nhân vật trong bài đã được đổi tên

Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á và đứng thứ 5 khu vực châu Á về số lần thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm, với 15.000 lượt trong năm 2014, tăng 3.000 ca so với năm 2012. Hầu hết các kỹ thuật tiên tiến và hiện đại đều đã được triển khai thành công; luật cũng đã cho phép các cặp vợ chồng vô sinh được xin nhận trứng, tinh trùng. Nhưng mọi chuyện đâu dễ dàng. Khao khát về một đứa con vẫn cứ xa vời vợi…

Chung một nỗi niềm

Hầu hết những chị em ở tỉnh đến TP.HCM điều trị hiếm muộn đều thuê nhà gần BV trong suốt quá trình từ khi chờ thụ tinh - mang thai cho đến ngày đứa trẻ chào đời. Bác sĩ không yêu cầu, nhưng vì sự an toàn của thai nhi, họ đành bấm bụng chịu tốn một khoản phí sinh hoạt không hề nhỏ để dưỡng con.

Trong các dãy phòng trọ, rất hiếm khi có hình bóng của các ông chồng, bởi hầu hết họ phải trở về nhà bươn chải kiếm tiền. Khát vọng có một đứa con khiến những người ở lại quên đi cảm giác cô đơn, buồn tủi giữa thành phố xô bồ.

Cùng chung một nỗi đau, nỗi khát khao nên những - người - đàn - bà - hiếm - muộn trở nên thân thiết như chị em tự lúc nào chẳng rõ. Hàng ngày họ quây quần bên nhau, san sẻ từng chén cơm, miếng thịt; cả nỗi đau và niềm hy vọng cũng là quặn thắt, khấp khởi chung, cho họ thêm động lực trên hành trình tìm kiếm đứa con.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI