Hiểm họa từ dị vật là pin nút áo đối với trẻ nhỏ

30/10/2023 - 17:13

PNO - Thời gian qua, các bác sĩ đã có không ít cảnh báo về việc người lớn cần cẩn trọng, không để trẻ nhét các loại dị vật nhỏ vào cơ thể trong đó có pin điện tử dạng nút áo. Tuy nhiên thực tế vẫn xảy ra nhiều trường hợp trẻ nhét pin vào tai, mũi, họng gây tổn thương, biến chứng nặng nề.

Thủng vách ngăn, cấu trúc mũi

Pin điện tử có hóa chất nên tính ăn mòn cao, khi vào cơ thể sẽ gây phản ứng hóa học, tạo nhiều tổn thương nguy hiểm. Sau khi lấy pin ra khỏi cơ thể, hóa chất còn tồn lại vẫn có thể tiếp tục khiến vết thương nghiêm trọng, biến chứng lâu dài. 

Viên pin điện tử dạng nút áo được các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1 lấy ra từ mũi của bé gái 3 tuổi - Ảnh do bệnh viện cung cấp
Viên pin điện tử dạng nút áo được các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1 lấy ra từ mũi của bé gái 3 tuổi - Ảnh do bệnh viện cung cấp

Một bé gái 3 tuổi (ở tỉnh Long An) vừa được gia đình đưa đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM) khám vì đau nhức mũi, lổ mũi bên phải chảy dịch vàng lẫn máu. Người nhà cho biết, trước đó bé đang chơi thì khóc thét, nói rằng đã nhét viên pin nút áo vào mũi phải của mình. Gia đình hoảng hốt, đưa bé đến phòng khám gần nhà nhưng bé quá sợ hãi, không hợp tác. Bác sĩ tư vấn cha mẹ đưa bé đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 cấp cứu.

Kết quả chẩn đoán hình ảnh cho thấy trong mũi bé có dị vật. Bác sĩ nhận định nhanh dị vật là pin nút áo, chỉ định nội soi gắp dị vật ra ngoài, tránh pin “ăn mòn” các cấu trúc quan trọng từ hốc mũi. Do bé còn nhỏ, không hợp tác, các bác sĩ đã thực hiện gây mê nội soi để lấy pin ra ngoài. Kiểm tra sau đó phát hiện pin đã ăn mòn, làm hoại tử một phần niêm mạc vách ngăn, cuốn mũi dưới và sàn mũi, nơi pin tiếp xúc. Các bác sĩ tiếp tục bơm rửa hốc mũi nhiều lần, lấy bớt phần niêm mạc bị hoại tử cho bé.

Nặng nề hơn, một bé trai 5 tuổi bị thủng vách ngăn, niêm mạc cuốn dưới mũi cũng vì pin nút áo. 3 ngày trước khi nhập viện, bé B.M.N. bị chảy máu mũi rỉ rả. Mỗi lần chảy máu, bé được cha mẹ dùng một mẩu giấy tròn, nhét vào mũi cầm máu vì không biết có dị vật bên trong. Đến khi mũi của bé có biểu hiện nhiễm trùng, có mùi hôi, chảy máu nhiều, gia đình mới đưa bé đến Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM thăm khám. Qua nội soi, bác sĩ phát hiện bên trong có dị vật hình tròn bằng kim loại, nghi ngờ là pin nút áo. 

Ngay sau đó, các bác sĩ liền xử lý gắp dị vật ra ngoài, làm sạch mô hoại tử, bơm rửa mũi. Dị vật đúng là pin nút áo. Viên pin đã làm thủng sụn vách ngăn, niêm mạc cuốn dưới mũi của bé N. 

Trẻ chịu di chứng suốt đời

Dù đã được cứu chữa nhưng bé N. vẫn phải chịu di chứng suốt đời như ảnh hưởng thông khí, dễ bị viêm mũi xoang sau này. Theo tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thanh Vinh - Phó giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng - trẻ nhỏ có tính tò mò, hiếu kỳ mọi thứ xung quanh. Đa số trẻ dưới 5 tuổi khi chơi lại thường có thói quen tháo rời đồ chơi, hoặc nhét các vật nhỏ vào mũi, tai rất nguy hiểm, đặc biệt là pin nút áo. Thống kê của bệnh viện cho thấy, mỗi năm có hơn 10 trường hợp dị vật ở tai, mũi được xác định là pin nút áo. Trong đó, có trẻ tự nhét pin vào mũi, tai mình, cũng có tình huống trẻ đi học bị bạn cùng lớp nhét vào.
 

Pin điện tử  dạng nút áo  có thể gây ăn mòn, phá hủy mô cơ  khi lọt vào cơ thể Ảnh minh họa
Pin điện tử dạng nút áo có thể gây ăn mòn, phá hủy mô cơ khi lọt vào cơ thể - Ảnh minh họa

“Pin điện tử vừa vào cơ thể đã gây phản ứng hóa học, dẫn đến nhiều tổn thương nguy hiểm tại nơi dị vật này khu trú. Khi lấy pin ra khỏi cơ thể, hóa chất vẫn có thể lưu lại, tiếp tục khiến vết thương nghiêm trọng, biến chứng lâu dài” - bác sĩ Vinh chia sẻ. Cụ thể, nếu trẻ nhét pin vào mũi sẽ làm tổn thương cấu trúc bên trong mũi, gây thủng vách ngăn, hủy cuống mũi. Trẻ nuốt pin vào thực quản sẽ thủng thực quản... Còn khi nhét vào tai, nguy cơ pin làm thủng màng nhĩ, thủng các xương con, giảm thính lực, phải mổ tai để vá lại màng nhĩ hoặc chỉnh xương con cải thiện thính lực… 

Sau khi điều trị, tùy vào vị trí, mức độ tổn thương, trẻ vẫn phải đối mặt với sẹo xấu, hay các biến chứng về sau này. Nếu để lâu, ngoài việc tốn nhiều chi phí điều trị, thời gian phục hồi thấp, còn gây ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh.

Điều đáng lo ngại là có rất nhiều loại đồ chơi, đồ dùng điện tử trong gia đình sử dụng pin nút áo. Người lớn sau khi thay pin có thể bất cẩn, không gói, bỏ pin đúng nơi cần thiết, để vương vãi trong nhà, trẻ dễ lấy để chơi. Các phụ huynh cũng cần lưu ý chọn loại đồ chơi phù hợp với độ tuổi của trẻ, thận trọng với những món đồ chơi có bộ phận điện tử, sử dụng pin nút áo, dễ tháo rời. Nếu cha mẹ phát hiện trẻ tự nhét hoặc bị dị vật lọt vào tai, mũi, họng cần phải thật bình tĩnh, không la mắng làm trẻ hốt hoảng, sợ hãi sẽ khó hợp tác. Cần đưa trẻ đến bệnh viện nhanh nhất. Người lớn không nên tự ý tìm cách lấy dị vật vì thực hiện không đúng cách sẽ vô tình làm cho dị vật đi sâu hơn vào vị trí nguy hiểm. 

Các triệu chứng cần lưu ý

Trong trường hợp trẻ bị lọt dị vật vào tai, mũi, họng, sau một thời gian các bộ phận này sẽ có các triệu chứng nghi ngờ. Ví dụ nếu trẻ có dị vật ở mũi, sẽ bị chảy nước mũi, dịch nhầy có mùi hôi, nặng hơn là sẽ chảy máu mũi. Khi ngủ trẻ thở mạnh hơn bình thường, có tiếng rít nhẹ… Với dị vật ở tai, trẻ có cảm giác đau, hay ngoáy tai, giảm thính lực, chảy mủ tai… Lúc này, cha mẹ, người lớn trong gia đình cần đưa trẻ đến cơ sở y tế có chuyên khoa ngay.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI