Vụ hỏa hoạn xảy ra rạng sáng 2/12 tại nhà trọ số 378 Hồ Học Lãm, P.An Lạc, Q.Bình Tân, TP.HCM đã cướp đi mạng sống của một nữ công nhân vừa tròn 18 tuổi. Lúc xảy ra vụ cháy, có 20 công nhân đang say giấc; khi họ tỉnh dậy, làn khói đen đã bao phủ khắp dãy nhà trọ. Lối thoát hiểm duy nhất đã bị ngọn lửa phủ kín, cảnh sát phải đập tường giải cứu mọi người.
|
Khi xảy ra cháy, hơn 20 công nhân trong nhà trọ ở số 378 Hồ Học Lãm không có lối thoát nạn |
Sống tạm cùng... tử thần
Hai ngày sau vụ cháy, căn nhà trọ số 378 Hồ Học Lãm vẫn tiếp tục là nơi cư ngụ của hàng chục công nhân, lao động nghèo. Căn nhà trọ này có tên “nhà trọ Lê Thanh”, nằm ở mặt tiền đường Hồ Học Lãm, sát chợ khu phố 2, P.An Lạc, được phủ kín bằng mái tôn. Ở phía trước, người ta làm một cửa hàng thời trang nên chỉ chừa một lối đi nhỏ để người dân trong khu trọ ra vào. Do phủ kín bằng mái tôn nên bên trong các phòng trọ bị thiếu ánh sáng, phải dùng đèn điện để thắp sáng dù ngày hay đêm.
Rạng sáng 2/12, cửa hàng thời trang bất ngờ phát hỏa, khói lửa bao trùm, chặn cả lối ra vào duy nhất của hơn 20 cư dân trong khu trọ. Rất may, lực lượng phòng cháy chữa cháy (PCCC) có mặt kịp thời, đập tường giải cứu các cư dân. Riêng chị L.T.N. (quê Bình Định) bị mắc kẹt bên trong do ngạt khói. Nếu lực lượng PCCC không kịp đập tường giải cứu, hậu quả sẽ rất khủng khiếp.
Dọc theo tuyến đường Hồ Học Lãm, có nhiều khu nhà trọ kiểu “không thấy ánh mặt trời” đang là nơi cư trú của công nhân và người lao động nghèo. Cá biệt, có rất nhiều nhà trọ được xây dựng kiểu tạm bợ nhưng được tận dụng phía trước cho thuê làm cửa hàng kinh doanh, bên trong cho thuê chỗ ở. Tại cửa hàng tạp hóa số 572 Hồ Học Lãm, hàng hóa ở đây được chất gần kín cả lối vào cửa chính căn nhà, trong khi đây là lối thoát hiểm duy nhất khi xảy ra sự cố cháy, nổ.
Trên vách tường ẩm dột của những căn phòng trọ tồi tàn trong khu nhà trọ gần ngã tư Bình Phước (P.Hiệp Bình Phước, Q.Thủ Đức, TP.HCM), hai số điện thoại quan trọng thường được công nhân ghi lên vách, đó là số điện thoại gọi đổi bình gas và kêu chở bia. “Đời công nhân mà, đâu có gì giải trí đâu. Rảnh rỗi thì anh em tụ tập lại nấu ăn, uống bia cho đỡ buồn” - một nam công nhân phân trần.
Theo ghi nhận của chúng tôi, hầu hết phòng trọ ở đây đều chật hẹp, lối đi chỉ vừa lọt một chiếc xe máy; bên trên, dây điện giăng như mạng nhện. Nhiều công-tơ điện cũ kỹ vừa chạy vừa phát ra tiếng kêu o o nghe như muốn chập đến nơi. Nhưng có lẽ do quá quen với cảnh tượng này nên những công nhân sống ở đây thấy bình thường, chẳng lo lắng gì.
Chị Hương - một công nhân may sống hơn 20 năm ở khu nhà trọ này - tâm sự: “Lúc chân ướt chân ráo vào Sài Gòn, tôi đã thuê trọ ở đây để đi làm cho gần. Lúc đó, tiền trọ mỗi tháng chỉ mấy trăm ngàn, giờ tăng lên triệu rưỡi. Phòng trọ thì vẫn vậy, chỉ có nền nhà được nâng lên cho khỏi ngập nước. Ở riết thành quen, thấy cũng bình thường. Chuyển chỗ khác thì đi làm xa, mà phòng trọ cỡ triệu rưỡi thì chỗ nào cũng giống y vậy à”.
|
Một khu nhà trọ tồi tàn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy, nổ ở gần ngã tư Bình Phước, Q.Thủ Đức, TP.HCM |
Cũng như chị Hương, nhiều công nhân thuê trọ ở đây từ những năm họ “mười tám đôi mươi”, nay đã qua tứ tuần. “Lúc mới thuê phòng trọ, tôi nghĩ mình chỉ sống tạm, khi nào dành dụm được tiền, sẽ thuê chỗ khác khang trang hơn, khá hơn thì mua miếng đất nhỏ ở ngoại thành rồi vay thêm tiền cất cái nhà cấp 4. Vậy mà gần cả đời người rồi, vẫn không thoát khỏi khu nhà trọ này” - chị Hoa ngậm ngùi tâm sự. Chị Hoa là công nhân may, ở trọ từ lúc còn độc thân, nay đã có con gái sắp thành thiếu nữ mà vẫn phải ở trọ.
Tại khu nhà trọ dựng tạm bợ bằng mái tôn ngay dưới chân cầu Bình Lợi, P.13, Q.Bình Thạnh, TP.HCM, các dãy phòng trọ nằm san sát nhau, hệ thống điện rất sơ sài, xung quanh nhà trọ ngổn ngang những vật liệu dễ bắt lửa. Vào đầu tháng Chín vừa qua, “bà hỏa” đã ghé ngang khu vực này, thiêu rụi một dãy nhà trọ khiến hàng chục người dân khốn đốn. Rất may, vụ cháy xảy ra vào đầu giờ chiều nên cư dân đã kịp thoát ra ngoài.
Ông Hồ Sơn - ngụ P.13, Q.Bình Thạnh - nói: “Cơ quan chức năng xác định nguyên nhân cháy là do chập điện. Ở các khu trọ hiện nay, hầu hết chủ trọ chỉ mắc nối 1-2 ổ cắm nhưng do nhu cầu sử dụng cao nên người thuê trọ thường câu, nối thêm dây khiến hệ thống điện quá tải, gây cháy nổ”.
|
Lối vào một khu nhà trọ trên đường An Dương Vương (Q.6, TP.HCM) có một tiệm hàn sắt nên rất dễ xảy ra cháy, nổ |
Tại các khu nhà trọ cho sinh viên ở hẻm số 2, đường Trần Nhân Tôn, P.2, Q.10, TP.HCM, chúng tôi ghi nhận, có những căn nhà siêu nhỏ, bề rộng chỉ khoảng 2m nhưng phía trước được tận dụng làm nơi kinh doanh, bên trong là chỗ ở. Đáng nói, trong con hẻm này, có nhiều nhà dân được cải tạo lại phần gác trên để làm phòng trọ, có nhiều phòng trọ được thiết kế theo kiểu “đục lỗ”, phải leo lên cầu thang gỗ, chui qua một lỗ nhỏ để vào phòng. Điểm chung của các phòng trọ này là rất ngột ngạt, không có ánh sáng nên phải mở đèn liên tục.
Nhiều năm nay, các cư dân sống ở nhà trọ gần số 358 An Dương Vương, Q.6, TP.HCM luôn nơm nớp lo sợ bởi một tiệm cơ khí nằm chình ình ngay đầu đường. Tiệm hàn này được dựng tạm bằng tôn đã cũ nát, mỗi khi hoạt động thì tia lửa bắn ra loạn xạ. Cách địa chỉ này không xa là một khu chợ buôn bán khá tấp nập.
Ở đây, dễ dàng chứng kiến những căn nhà bày hàng hóa, vật liệu dễ cháy từ trong nhà ra đến mặt đường, chắn cả lối đi. Người dân đến mua bán có cảm giác rùng mình khi chứng kiến những sợi dây điện nối đầy băng keo, cột vào một thanh sắt nằm ngay trên mái tôn của cửa hàng. Chỉ cần một sự cố điện nhỏ thì toàn bộ khu chợ sẽ bị thiêu rụi trong giây lát.
|
Hiện trường vụ chập điện gây cháy dãy nhà trọ dưới chân cầu Bình Lợi vào tháng 9/2018 |
Những mối nguy trong nhà trọ
Tiến sĩ Đặng Chí Hiền (Viện Công nghệ hóa học, thuộc Viện Khoa học công nghệ Việt Nam) cho biết, đa phần các trường hợp tử vong trong các vụ cháy là do ngạt khói. “Các vật liệu tổng hợp mà chúng ta vẫn sử dụng thường ngày, khi cháy, sẽ sản sinh khí độc. Hơn nữa, với thiết kế của nhiều nhà trọ và ngay cả nhà phố hiện nay, khói không thể giải phóng ra bên ngoài nên các nạn nhân ở bên trong thường bị ngộp khí nhanh hơn” - tiến sĩ Hiền lý giải.
Một cán bộ thuộc Phòng Cảnh sát PCCC và Tìm kiếm cứu nạn cứu hộ (Phòng Cảnh sát PCCC) Công an TP.HCM cho biết, phần lớn các khu nhà trọ công nhân ở TP.HCM có nguy cơ cháy nổ rất cao, hệ thống điện không đảm bảo, rất dễ chập cháy; tiếp đến là bếp gas, hầu hết người ở trọ nấu ăn trong phòng chật hẹp, xung quanh có nhiều vật dễ cháy như xe máy, tủ quần áo. Trong khi đó, lối đi ở các dãy nhà trọ thường quá hẹp, không đảm bảo thoát hiểm khi xảy ra sự cố cháy, nổ.
Bên cạnh đó, theo vị cán bộ PCCC này, còn có một mối nguy tiềm ẩn trong các khu nhà trọ, đó là nhiều người thuê trọ dùng tấm mốp (mút xốp) lót dưới mái nhà để chống nóng, nên khi xảy ra chập cháy, ngọn lửa bùng mạnh và lan nhanh, rất khó dập tắt kịp thời. “Có 3 yếu tố của một vụ cháy: nguồn sinh nhiệt (như điện, bếp gas), vật liệu bắt lửa (quần áo, sách vở, xăng trong xe máy…) và khí ô-xy. Nếu để 3 yếu tố này gặp nhau, sẽ xảy ra cháy. Muốn phòng cháy, phải ngăn 3 yếu tố này, không để gặp nhau cùng lúc” - vị cán bộ trên phân tích.
|
Đường vào một dãy nhà trọ ở Q.6, TP.HCM |
Theo kiến trúc sư Trần Hùng (công tác trong lĩnh vực xây dựng tại TP.HCM), khoảng 80% nguyên nhân các vụ cháy là do chập điện và đa phần xảy ra ở các nhà phố kiểu cũ hoặc các khu nhà trọ giá rẻ của công nhân. Đó là do lỗi thiết kế.
Ông Trần Hùng lý giải, ở nhà phố, người ta “đi” hệ thống điện nổi, tức là không âm tường. Khi xảy ra sự cố, đường dây điện cháy dẫn đến cháy các vật dụng khác. Nếu “đi” đường dây điện âm tường, khi xảy ra sự cố điện, cũng rất khó cháy vì không có khí ô-xy. Ngoài ra, do ở thành phố, nhà sát vách nhau nên thường chỉ có một cửa trước, rất khó thoát nạn khi xảy ra cháy.
“Ở các khu nhà trọ, người ta thường dùng tôn phủ kín. Tôi hỏi nhiều người thì họ nói để chống trộm. Bà con mình nghĩ đơn giản vậy, nhưng khi xảy ra cháy thì đường thoát thân không có, không có nơi tản khói và nước từ vòi chữa cháy cũng không tiếp cận được. Ánh sáng còn không vào được huống chi là nước” - ông Hùng chia sẻ.
Hoàng Lâm - Hoàng Nhiên