Hiểm họa rác thải đe dọa sức khỏe lao động nữ

28/06/2022 - 06:32

PNO - Các nữ nhân công hành nghề nhặt rác ở Đông Phi đang chịu đựng vô số tác hại về sức khỏe sinh sản gây nên bởi sự ô nhiễm.

Khi Winnie Wanjira lục lọi tìm chai nhựa giữa hàng đống rác thải tại bãi chứa rác khổng lồ Dandora (ngoại ô thủ đô Nairobi, Kenya), thứ cô lo sợ nhất không phải kim tiêm y tế hay mảnh vụn kim loại bị vứt ngổn ngang. Người phụ nữ làm công việc nhặt rác suốt nhiều năm cũng đã quen với ánh mặt trời oi bức. Có một nguyên nhân đáng ngại hơn khiến Wanjira, dù chỉ vừa bước qua tuổi 36, thấy mệt mỏi mỗi ngày.  

Gần đây, Wanjira rất lo lắng về chu kỳ kinh nguyệt. “Tôi bị mất rất nhiều máu. Máu còn có màu nâu đen bất thường”, cô tiết lộ. Wanjira yếu sức đến mức phải nằm nghỉ tại nhà 2 ngày liền, trong căn hộ nhỏ xập xệ. “Tôi không đủ sức đi làm, thậm chí bước ra khỏi nhà. Bãi rác ấy đang giết chết cơ thể tôi”.

Năm 2007, tổ chức Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) từng đưa ra cảnh báo: bãi chứa rác Dandora có nguy cơ đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe người lao động tại đây lẫn dân cư sinh sống lân cận. Việc tiếp xúc thường xuyên với hóa chất độc hại tìm thấy trong những bãi rác dễ dẫn tới ung thư cũng như một số bệnh lý nguy hiểm khác liên quan đến da và đường hô hấp. Dù đã xuất hiện nhiều quan ngại, các nhà hoạt động vì môi trường nhận thấy hiện trạng bãi rác hầu như chưa được cải thiện. Lực lượng nhân công nhặt rác, phần lớn là phụ nữ, đang chịu ảnh hưởng tiêu cực hàng đầu.

Mối lo toàn cầu

Suốt hàng năm liền, khói cay phát sinh từ hoạt động đốt rác đã bao trùm Dandora, bãi rác có diện tích bằng 22 sân bóng đá. Trong những ngày lộng gió, từng cuộn khói độc nhanh chóng lan sang khu dân cư liền kề. “Khi ấy, tôi thật sự không thở nổi”, một phụ nữ làm việc tại một hiệu thuốc gần bãi rác, cho biết.

Khắp thế giới ước tính có khoảng 20 triệu lao động hành nghề nhặt rác, tiêu biểu như tại Ghana và Ấn Độ - những đất nước hiện vẫn chật vật với “bài toán” đói nghèo. Nhiều khả năng, họ đang hứng chịu rủi ro sức khỏe tương tự các nhân công ở Dandora.  

“Tôi tin đây là một nỗi lo toàn cầu”, Griffins Ochieng, Giám đốc điều hành Trung tâm đấu tranh vì Quyền bình đẳng và Phát triển Môi trường (CEJAD) - tổ chức phi chính phủ hoạt động vì môi trường có trụ sở tại Nairobi, nhận định. “Ở bất cứ đâu xảy ra ô nhiễm, đặc biệt nơi những bãi rác, phụ nữ thường là nạn nhận trực tiếp”.

Trên toàn Kenya, đa dạng chủng loại rác thải độc hại sau khi thu gom vào hệ thống bãi chứa thường được tiêu hủy lộ thiên, vốn làm gia tăng mức độ ô nhiễm.
Trên toàn Kenya, đa dạng chủng loại rác thải độc hại sau khi thu gom vào hệ thống bãi chứa thường được tiêu hủy lộ thiên, vốn càng làm gia tăng mức độ ô nhiễm

Rác thải phổ biến tại bãi rác như nhựa và phế liệu điện tử tiềm ẩn lượng lớn hóa chất có thể làm rối loạn hệ nội tiết nữ. Hàng loạt nghiên cứu hiện đại đã chỉ ra mối liên hệ giữa hóa chất gây ô nhiễm với các vấn đề như kinh nguyệt thất thường, giảm khả năng sinh sản, thậm chí sảy thai. Đốt rác khiến độc tố càng dễ phát tán, lan truyền trong không khí, ngấm vào cả mặt đất lẫn nguồn nước. Khi rác vẫn không ngừng tích tụ về bãi chứa Dandora, nhiều nhân công nữ tiếp tục đối diện một mối lo ngại nay đã ở mức báo động.

“Trong khi đa số nhân công nam phụ trách việc giám sát, phụ nữ thường dành cả ngày lục lọi tìm phế liệu giữa bãi rác”, Ochieng nói. “Về nguy cơ tổn hại sức khỏe, họ là đối tượng dễ bị tấn công hơn cả”.

Những tiếng nói bị gạt bỏ

Mỗi năm, toàn thế giới tạo ra hơn 2 tỉ tấn rác thải sinh hoạt. Ở những quốc gia thu nhập nhất thuộc châu Mỹ Latinh, châu Á và khắp châu Phi, 90% lượng rác được đốt hoặc đổ vào bãi chứa. Trước sức ép ô nhiễm ngày một lớn, đội ngũ nhân công nhặt rác như Wanjira đang cho thấy vai trò thiết yếu hơn bao giờ hết. Họ góp phần phân loại rác, vật liệu tái chế hiệu quả hơn cả các hệ thống quản lý rác thải quy mô. Thế nhưng tới nay, nghề này vẫn được xem là loại hình lao động tự do, không được hỗ trợ quyền lợi và gần như bị đặt ngoài rìa xã hội.

Ở Dandora, Kenya, có khoảng 5.000 nhân công nhặt rác làm việc mỗi ngày. Trên toàn quốc gia Đông Phi, số lượng này ước tính lên đến 50.000 người.
Ở Dandora, Kenya, có khoảng 5.000 người nhặt rác mỗi ngày. Trên toàn quốc gia Đông Phi, số lượng này ước tính lên đến 50.000 người

Chu kỳ kinh nguyệt đau đớn, kéo dài của Wanjira đã tái diễn liên tục 20 năm qua. Vì gia đình nghèo, cô đành bỏ học ở tuổi thiếu niên, theo mẹ hành nghề nhặt rác. Ít lâu sau đó, Wajira bắt đầu trải qua các triệu chứng rối loạn nội tiết. Mặt khác, cô từng sảy thai hai lần. Ba người con hiện thời, dù được sinh ra an toàn, đều mắc chứng hen suyễn và động kinh từ nhỏ.

Đồng cảnh ngộ với Wanjira là nhiều lao động nữ tại Dandora và Gioto – một bãi chứa rác lớn ở thành phố Nakuru, không xa Nairobi. Số đông nữ nhân công chia sẻ họ trải qua giai đoạn kinh nguyệt đầy khó chịu, thất thường. Một vài người đối mặt vấn đề nghiêm trọng lúc mang thai, như sinh non, sảy thai hoặc thai chết lưu.  

Nhà khoa học Sara Brosché, cố vấn viên của Mạng lưới Tiêu hủy Hóa chất gây ô nhiễm Toàn cầu (IPEN) - mạng lưới quốc tế quy tụ hơn 550 tổ chức bảo vệ môi trường, cho biết: “Chúng tôi có bằng chứng tin rằng, mức độ ô nhiễm cao chính là yếu tố nền tảng dẫn đến tình trạng này. Tuy nhiên các tác động cụ thể của hóa chất lên sức khỏe phụ nữ vẫn chưa được đào sâu nghiên cứu”.

Tổ chức công đoàn tại Dandora do Wanjira (phải) sáng lập, ra đời cùng lúc với một hiệp ước toàn cầu vừa được thảo luận 2 tháng trước đây bởi nhiều nhà lãnh đạo quốc tế tại Nairobi, nhằm mục đích ngăn chặn sự ô nhiễm rác thải nhựa.
Tổ chức công đoàn tại Dandora do Wanjira (phải) sáng lập, ra đời cùng lúc với một hiệp ước toàn cầu vừa được thảo luận 2 tháng trước đây bởi nhiều nhà lãnh đạo quốc tế tại Nairobi, nhằm mục đích ngăn chặn sự ô nhiễm rác thải nhựa

Đấu tranh vì tương lai

Những ai làm việc thường xuyên trong môi trường độc hại như bãi rác dễ bị nhiễm hóa chất và lượng lớn hạt vi nhựa (hình thành từ rác thải nhựa) vào cơ thể, kéo theo nhiều bệnh lý khác nhau. “Tôi tin nguy cơ nhiễm độc giờ đây đặc biệt cao hơn ở thế hệ trẻ hoặc người trong độ tuổi của Wanjira”, Pauliina Damdimopoulou, chuyên gia nghiên cứu tại học viện y khoa Karolinska (Thụy Điển), nhận định. “Nhiều bà mẹ cũng có thể vô tình lây truyền một lượng hóa chất nhất định sang con nhỏ thông qua nhau thai hoặc tuyến sữa, dẫn đến nguy cơ dị tật hoặc bệnh mãn tính ở trẻ”.

Dẫu phần lớn người lao động hiểu rõ về mức độ ô nhiễm tại bãi rác, đây vẫn là nơi giúp họ kiếm sống hằng ngày. Thế nhưng riêng với Wanjira, vẫn còn hy vọng để đấu tranh. Mới đây, cô cùng một số đồng nghiệp đã lập nên Hiệp hội xử lý Rác thải tái chế của Nairobi - tổ chức công đoàn chuyên đại diện và bảo trợ quyền lợi cho nhân công nhặt rác. Họ đang mở rộng hoạt động, thu hút thêm thành viên tham gia với mục tiêu kêu gọi chính quyền thành phố sớm cải thiện thực trạng môi trường.

“Tôi không phải người duy nhất bị suy kiệt sức khỏe. Các lao động nữ khác cũng đang khổ sở làm việc. Họ cần được giúp đỡ và lắng nghe”, Wanjira bày tỏ.

Như Ý (theo VICE)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI