|
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cảnh báo nhiều trường hợp ngộ độc vì ma túy trộn lẫn trong thuốc lá điện tử |
Loạn thần do dùng thuốc lá điện tử trộn ma túy tổng hợp
Liên tục thay đổi về hình thức, chủng loại… đó là những gì mà tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, cảnh báo về các loại ma túy mới đang ẩn nấp, đe dọa cộng đồng.
Mới đây, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận một nam sinh bậc trung học phổ thông bị ngộ độc cấp tính sau khi sử dụng thuốc lá điện tử. Theo đó, nam sinh N.H.M. lần đầu tiên được bạn bè mời sử dụng thuốc lá điện tử mua tại Hà Nội. Sau khi sử dụng, M. xuất hiện các triệu chứng rất nhanh như mất kiểm soát, kích thích vật vã, loạn thần.
Khi gia đình phát hiện, M. quằn quại trên giường, gào thét và xuất hiện ảo giác. Ngay lập tức, M. được đưa tới bệnh viện cấp cứu với các biểu hiện điển hình của ngộ độc ma túy. “Tuy nhiên, khi chúng tôi đem mẫu sản phẩm mà bệnh nhân sử dụng đi kiểm tra, xét nghiệm thì không thể xác định được đây là loại ma túy cụ thể nào”, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cho hay.
Trước đó, bệnh viện cũng tiếp nhận nam thanh niên 22 tuổi nhập viện trong tình trạng rối loạn tâm thần, rối loạn nhịp tim và tăng huyết áp. Xét nghiệm tinh chất mà bệnh nhân này sử dụng trong thuốc lá điện tử, các bác sĩ phát hiện thành phần có chứa 5 - Fluoro ADBICA - một dạng ma túy tổng hợp thế hệ mới. Sau khi được cấp cứu ổn định, bệnh nhân phải chuyển sang điều trị tại Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cho biết, ngộ độc chất ma túy trong thuốc lá điện tử là hiện tượng mới xuất hiện trong thời gian gần đây, bệnh viện bắt đầu ghi nhận từ năm 2019. Tất cả trường hợp này đều sử dụng ma túy làm vật liệu thay vì các loại tinh chất đốt thông thường trong thuốc lá điện tử.
Đối tượng sử dụng hầu hết là những người trẻ, độ tuổi 20 và lác đác cũng có những trường hợp như N.H.M. - đang là học sinh trung học phổ thông. Mang biểu hiện điển hình của ngộ độc ma túy, các bệnh nhân này khi nhập viện đều có đặc điểm chung là bị sốc, co giật, từ đó ảnh hưởng nặng nề tới hệ thần kinh, tâm thần, tim mạch.
|
Một sản phẩm thuốc lá điện tử có chứa ma túy tổng hợp của bệnh nhân cấp cứu tại Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai |
Hiểm họa mới thách thức xã hội
Việt Nam vẫn “trống” chính sách quản lý thuốc lá điện tử
Tại tọa đàm về khung pháp lý cho thuốc lá thế hệ mới tổ chức mới đây, các chuyên gia chỉ ra, Việt Nam vẫn đang “trống” chính sách quản lý thuốc lá điện tử, trong khi sản phẩm này vẫn vào ồ ạt.
Thống kê từ Tổng cục Quản lý thị trường Bộ Công thương, năm 2020, dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, song riêng chín tháng đầu năm 2020, quản lý thị trường Hà Nội cũng đã xử phạt sáu vụ, thu giữ hàng ngàn sản phẩm thuốc lá điện tử.
Tại TP.HCM, lực lượng hải quan cũng đã thu giữ số hàng hóa thuốc lá thế hệ mới trị giá 1 tỷ đồng. Trong khi đó, theo ông Lê Thành Hưng, Viện Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam, hiện đang có những vấn đề liên quan đến thuốc lá điện tử cần được làm rõ, như yêu cầu về nguyên liệu, chất lượng và an toàn với sản phẩm, an toàn điện, điện tử đối với thiết bị điện tử…
Hiện có ba xu hướng đề nghị liên quan đến thuốc lá kiểu mới. Trong đó, có đề nghị cấm hoàn toàn. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị nên đánh thuế để quản lý. Một nhóm ý kiến khác là đề nghị cho phép thí điểm trước khi ban hành chính sách chính thức. Thời gian thí điểm có thể là 12 tháng hoặc dài hơn, sau đó sẽ nghiên cứu kỹ để có chính sách phù hợp.
|
Thuốc lá điện tử thế hệ mới có mẫu mã đa dạng, cuốn hút nên đang trở thành một sản phẩm “hút” giới trẻ. Những loại này có sạc pin và bộ phận chứa chất lỏng, dung dịch làm nguyên liệu đốt có thể thay thế, đưa vào tùy thích.
Đây chính là nguyên nhân khiến các đối tượng “biến tướng”, trộn ma túy vào sử dụng. Người dùng còn có thể tự điều chỉnh, tăng nhiệt độ vượt quá thiết kế của bộ hút để làm tăng độ “phê” khi hít ma túy.
Do đó, bên cạnh nguy cơ cháy nổ, việc thay đổi cơ cấu đốt, vật liệu đốt sẽ làm gia tăng nguy cơ ngộ độc, sốc cùng những ảnh hưởng lâu dài đối với sức khỏe người sử dụng.
“Bản thân “chất mẹ” - dung dịch hút của thuốc lá điện tử đã chứa nicotin và nhiều chất gây hại cho cơ thể, nên khi phối trộn thêm các loại chất lạ, chất kích thích, ma túy thì không thể lường trước được hậu quả và có thể mang lại những hệ lụy đau lòng”, bác sĩ Nguyên phân tích.
Điển hình như năm 2019, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) của Mỹ đã lựa chọn ngẫu nhiên 29 bệnh nhân bị viêm phổi có sử dụng thuốc lá điện tử để nghiên cứu. Kết quả, xét nghiệm dung dịch hút và dịch đường hô hấp của các bệnh nhân đã phát hiện vitamin E acetate.
Đây là loại chất lỏng quánh, được pha trộn để tăng lợi nhuận của người bán. Trong đó, ngoài vitamin E còn có tetrahydrocannabinol (THC) - một thành phần có trong cần sa. Với việc phát hiện chất vitamin E acetate ở 29 bệnh nhân, CDC càng có cơ sở khẳng định, đây là thủ phạm khiến hàng chục người hút thuốc lá điện tử mắc bệnh phổi.
Tính tới tháng 2/2020, tại Mỹ đã có hơn 2.800 ca được xác định hoặc nghi mắc các tổn thương ở phổi liên quan tới thuốc lá điện tử, trong đó có 68 trường hợp tử vong.
Điều đáng nói, theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, có hàng trăm chất cần sa, ma túy tổng hợp được tạo mới hằng ngày nhưng năng lực xét nghiệm lại… luôn đi sau. Tại các phòng xét nghiệm lớn của TP.Hà Nội, năng lực xét nghiệm cũng chỉ xác định được khoảng 180 chất. Đó là nguyên nhân khiến nhiều trường hợp sau khi nhập viện, dù có những triệu chứng điển hình của ngộ độc ma túy nhưng kết quả xét nghiệm không thể xác định được đó là loại chất gì.
Không chỉ gây khó khăn cho công tác điều trị, giám đốc Trung tâm Chống độc khẳng định đây là thách thức trong việc quản lý và kiểm soát thuốc lá điện tử: “Ngay tại những phòng xét nghiệm chuyên nghiệp cũng không thể phân tích và phát hiện các chất ma túy trộn vào trong thuốc lá điện tử thì việc “qua mắt” các cơ quan hải quan, cửa khẩu để nhập về nước là hoàn toàn có thể xảy ra”.
Chính vì vậy, nếu không kiểm soát thuốc lá điện tử một cách chặt chẽ sẽ trở thành mối nguy hại khôn lường. Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên đánh giá, thuốc lá điện tử với sự “biến tấu”, mẫu mã đặc sắc… sẽ có mức độ “lây nhiễm” cao trong cộng đồng, đặc biệt là khi người dân chưa lường được hết những tác hại cũng như nguy cơ từ việc trộn chất ma túy.
Tràn lan tinh dầu “phê” trong thuốc lá điện tử
Được quảng cáo không phải mặt hàng cấm và có thể “mang theo bất cứ nơi đâu” tại Việt Nam, tinh dầu thuốc lá điện tử được bày bán tràn lan trên mạng xã hội cũng như các trang thương mại điện tử.
Đáng lưu ý, tại nhiều shop “online”, sản phẩm này còn được gọi là tinh dầu “phê” với đặc tính không khác gì một chất ma túy, kích thích. Mặt hàng này được quảng cáo “chỉ hít ba hơi sẽ du dương theo điệu nhạc không thiếu một nhịp” và có tới năm cấp độ, từ vừa tới mạnh. Trong đó, cấp độ cao nhất “không dành cho người mới chơi”. Các loại tinh dầu này có rất nhiều hương vị như xoài, nho, dưa hấu… với mức giá từ 600.000 - 650.000 đồng.
Mới đây, Trung tâm Giám định ma túy Viện Khoa học hình sự Bộ Công an, cho biết, đã phát hiện tinh dầu dùng trong thuốc lá điện tử chứa chất 5F-MDMB-PICA. Các đối tượng đã hòa tan chất hướng thần này vào dung dịch thuốc lá điện tử với mục đích mang lại tác dụng của cần sa tổng hợp cho người sử dụng.
Bên cạnh đó, với những người sử dụng thuốc lá điện tử thì tinh dầu CBD là một sản phẩm quen thuộc và có thể mua dễ dàng qua mạng xã hội hay các trang bán hàng trực tuyến. Sản phẩm này cũng có mức giá rất khác nhau, từ vài trăm ngàn cho tới 3, 4 triệu đồng/lọ.
Theo các chuyên gia, CBD là một phân tử xuất hiện tự nhiên, tìm thấy trong cây cần sa và cây gai dầu. Tuy nhiên, tại Việt Nam, Nghị định số 73/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định cần sa và các chế phẩm từ cần sa thuộc các chất ma túy tuyệt đối cấm sử dụng trong y học và đời sống xã hội. Việc sử dụng các chất này trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm theo quy định đặc biệt của cơ quan có thẩm quyền.
M.Quang
|
Huyền Anh