Bão slime!
Slime được đặt tên gọi “chất nhờn ma thuật” bởi trò chơi này “muôn hình vạn trạng", đủ thể loại, đặc điểm, màu sắc, cách làm... khác nhau. Từ slime tuyết, slime sữa, slime mây, slime galaxy đến soda đá Nhật, pudding chuối, cream cookies... do người bán, người làm tự đặt.
Chỉ cần gõ từ khóa slime, lập tức có hơn 100 triệu kết quả hiện ra. Rất nhiều trang youtube hướng dẫn cách pha trộn hỗn hợp dung dịch để làm slime theo ý muốn. Xem hướng dẫn, các bạn nhỏ từ 5 tuổi trở lên đều có thể làm.
|
Chơi slime đã trở thành cơn sốt đối với trẻ em |
Bé Hải Anh (10 tuổi, ngụ Q.Phú Nhuận, TP.HCM) cho biết đã bắt đầu biết, tự làm và chơi slime từ năm 6 tuổi. “Con và hai em của con xem hướng dẫn trên youtube và làm theo. Chỉ cần có hồ, dung dịch rơ miệng pha với nước theo công thức là chỉ sau 2 phút đã có một cục slime để chơi thỏa thích. Muốn màu gì thì cho vào màu đó, con thường lấy mực tím cho vào để tạo màu tím, dùng màu của bút dạ quang hoặc pha màu vẽ xanh, đỏ, vàng, cam... vào để slime đẹp hơn. Chị em con rất thích, chơi cả ngày không chán”, Hải Anh hào hứng kể.
|
Muôn hình vạn trạng slime |
Slime – trò chơi an toàn?
Theo tìm hiểu của chúng tôi, phần lớn các nơi chào bán slime, nguyên liệu làm slime giá rẻ, chỉ từ 10.000 đồng/món, đều là hàng Trung Quốc. Số ít nơi giới thiệu là hàng Nhật, nhưng người mua khó thẩm định bởi nhìn hai loại y chang nhau. Nhiều quán cà phê kết hợp làm slime các loại, bán 45.000 – 90.000 đồng/hũ thu hút nhiều bạn trẻ mua.
|
Các bé từ lớn tới nhỏ đều mê mẩn trước slime đủ sắc màu, hình thể |
Tại một nhà sách lớn trên đường Nguyễn Oanh, Q.Gò Vấp, TP.HCM còn có bán “slime trứng gà”, “slime trứng ói”, trẻ dùng tay bóp mạnh, chất nhờn trong miệng gà phọt ra rồi hút vào. Nhiều trẻ nhỏ bị hấp dẫn đòi ba mẹ mua. Chị Nga (37 tuổi, ngụ Lê Thị Hồng, Q.Gò Vấp) băn khoăn: “Thấy trò chơi cũng vui, con thích nên mua cho con chơi. Nhưng tôi cũng lo ngại không biết chất nhờn đó làm từ gì, an toàn không. Lỡ con vấy vào mắt, mũi, miệng hay bé nhỏ chơi dại nuốt thì quá nguy hiểm”.
Lo ngại của chị Nga là có cơ sở, bởi thực tế đã có trường hợp bé nhỏ (dưới 3 tuổi) con của bạn chị Nga, tưởng bánh kẹo, cho vào miệng, may mẹ bé phát hiện kịp thời. Nhất là khi slime có hình dáng, mùi thơm như... bánh, kẹo thì càng nguy hiểm hơn vì dễ gây nhầm lẫn cho bé nhỏ.
Nhập viện vì chơi... slime
Bệnh viện Da Liễu TP.HCM từng tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhi đến khám trong tình trạng tay bị sưng tấy, phỏng rộp, ngứa rát... do chơi slime.
Cụ thể, mới đây, một bệnh nhi 8 tuổi ở Tây Ninh được mẹ đưa đến khám sau khi phát hiện hai bàn tay của con bị sưng tấy. Mẹ bé cho biết, sau khi mua "chất nhờn ma quái" về nặn các con vật thì 10 đầu ngón tay của bé bị sưng tấy và lở loét. Các hộp màu bé mua về để trong hũ nhựa không nhãn mác, thành phần. Bên trong hũ có rất nhiều hạt nhựa dẻo, mềm, đủ màu sắc.
|
Slime mua sẵn và slime các bé tự chế, để lâu bị chảy nhão, mốc đen nhưng nhiều bé vẫn tiếc để chơi tiếp |
Qua thăm khám, bác sĩ chẩn đoán bé bị viêm da mủ, phải uống thuốc điều trị từ 1-2 tháng và cảnh báo “nếu chậm trễ, nhiễm trùng lan rộng, có nguy cơ phải tháo khớp ngón tay”!.
Ở Anh, Pháp cũng từng khuyến cáo sự độc hại của slime đối với trẻ. Như trường hợp mới đây, Layla Fisher, cô nữ sinh 10 tuổi người Anh, đã bị bỏng hóa chất cả 2 bàn tay khi thực hiện quay video tự làm chất nhờn ma quái (Slime) để đăng lên youtube.
Trong đoạn phim được chia sẻ với youtube, Fisher đã trộn lẫn keo PVA, chất làm mát không khí Air Wick, kem cạo râu và kim tuyến tạo ra chất nhờn màu trắng lấp lánh, hỗn hợp cũng chứa borax hóa học dẫn đến bỏng.
Fisher nói rằng sau khi chơi với chất nhờn cô tự làm, đêm hôm đó các ngón tay đã rất ngứa ngáy và trở nên tồi tệ vào ngày hôm sau. Cô bé đã cảm thấy rất đau đớn và không thể rửa tay, các bác sĩ nói rằng vết bỏng của Fisher gây ra bởi chất borax thường có trong kính áp tròng.
Hiện tại, cơ quan an ninh y tế quốc gia Pháp đang tiếp tục phân tích mối liên hệ giữa các loại chất dẻo, chất nhờn này với nhiều bệnh lý khác.
Theo giáo sư Lasfargue, hiện còn quá sớm để khẳng định tác động lâu dài của các loại đồ chơi này đối với sức khỏe con người nhưng cơ quan an ninh y tế quốc gia Pháp khuyến cáo không nên tiếp xúc với các chất dẻo này thường xuyên.
|
Bàn tay của Fisher đã bình phục sau khi được chữa trị và uống thuốc kháng sinh. Mẹ của cô bé cũng khuyến cáo mọi người không nên để trẻ nhỏ học và làm theo những video trên mạng, có thể gây nguy hiểm và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Trước đó, Cơ quan An ninh Y tế quốc gia Pháp (ANSES) khuyến cáo, slime chứa nhiều chất độc hại, có khả năng gây ra nhiều dạng dị ứng, gây bỏng, gây bệnh chàm, hay còn gọi là eczema, thậm chí ảnh hưởng tới thần kinh và khả năng sinh sản.
Theo giáo sư Gérard Lasfargues, Giám đốc bộ phận khoa học giám định của Cơ quan An ninh Y tế quốc gia Pháp, từ năm 2017 đến nay, cơ quan này ghi nhận hàng chục trường hợp trẻ em bị tác dụng phụ khi tiếp xúc với các loại đồ chơi từ chất dẻo và chất nhờn.
Một vài chất bảo quản có trong các loại đồ chơi này là chất độc hại, có thể gây dị ứng và bỏng cho da. Trong các đồ chơi này còn chứa các loại dung môi có khả năng gây ra các vấn đề cho đường hô hấp, thậm chí ảnh hưởng tới hệ thần kinh trung ương.
Bên cạnh đó, giáo sư Lasfargues cũng cho biết, chất tạo cho hỗn hợp này tính dẻo và nhờn là axit boric, loại dung dịch thường được dùng để rửa kính áp tròng. Liên minh châu Âu (EU) đã xếp loại chất này vào nhóm các chất có thể ảnh hưởng tới khả năng sinh sản của con người, đặc biệt nguy hiểm nếu tiếp xúc thường xuyên.
Tại Việt Nam, các chuyên gia thực phẩm, bác sĩ da liễu cũng cảnh báo, có thể bệnh nhi chơi "chất nhờn ma quái" bị dị ứng, dẫn đến nhiễm trùng. Nhiễm trùng da hay gặp ở trẻ nhỏ do vi trùng gây ra. Bệnh hay gặp khi da ẩm, thời tiết nóng nực. Trẻ nặn đồ chơi bằng chất liệu ẩm trong thời gian dài cũng có nguy cơ.
Cần để slime xa tầm tay trẻ nhỏ (dưới 3 tuổi), tránh cho trẻ nhầm lẫn với bánh kẹo gây nghẹn, và tránh cho trẻ vấy slime vào mắt, mũi, miệng; nên rửa sạch tay sau khi chơi để đảm bảo chất nhờn không còn lưu lại trên tay trẻ.
|
Nguyễn Cẩm