Chở khách bằng ghe cũ nát
Theo ghi nhận của chúng tôi, trên sông Phú Xuân, ngay cạnh cầu Phú Xuân 2, H.Nhà Bè có đến hai bến đò chở khách không phép với quy mô lớn, hoạt động rầm rộ từ nhiều năm nay.
|
Bến tàu khách không phép ở H.Nhà Bè với hàng chục phương tiện cũ nát - Ảnh: P.T. |
Trong đó, bến đò phía thị trấn Nhà Bè có gần 20 tàu, ghe, ca nô neo đậu chờ khách. Hầu hết tàu, ghe ở đây đều cũ kỹ, xuống cấp, không đảm bảo an toàn để lưu thông. Nhiều ghe được đóng tạm bợ, chắp vá từ đủ loại ván gỗ to nhỏ, miếng này đắp chồng lên miếng kia, nhiều chỗ đã cũ mục, trên ghe cũng không có phao cứu sinh hay áo phao.
Anh Tr. - lái tàu, ghe ở đây - hồn nhiên khoe, vẫn thường xuyên chở khách ra tàu để đi biển. Thỉnh thoảng, anh cũng chở khách đi du lịch Cần Giờ, thậm chí đi tận Vũng Tàu với “giá cả phải chăng”. Bến đò có nhiều chủ, ai có tàu ghe gì thì đưa vào; khách của ai, người đó chạy; tàu ghe ở đây tuy cũ nhưng “vẫn chạy ngon”, giá rẻ.
“Muốn mát mẻ thì em đi ca nô. Ca nô nhìn nhỏ vậy chứ chở được nhóm 12 người, chia ra đầu người thì giá rẻ bằng một nửa nơi khác. Mấy ca nô khác nhìn đẹp chứ không chạy nhanh bằng tụi anh đâu” - chỉ vào chiếc ca nô cũ, anh Tr. thuyết phục.
Khi được hỏi có được đào tạo, có chứng chỉ lái tàu ghe không, anh cho biết, được người quen chỉ nên biết chạy, chạy nhiều thì quen tay, có nhiều kinh nghiệm nên “đảm bảo an toàn”. Ở bến tàu này, nhiều chủ tàu, nhân viên chạy tàu ăn ở, sinh hoạt ngay trên tàu, ghe nên nước sông ở đây đục ngầu, rác rến sinh hoạt nổi lềnh bềnh.
Ở bờ đối diện thuộc P.Phú Mỹ, Q.7 cũng có một bến tàu với gần chục tàu, ghe chở khách, đa phần đều cũ nát, xuống cấp, thậm chí có cả những chiếc ghe nhỏ xíu, cũ mục, vá chằng vá đụp. Khách đi bằng tàu, ghe càng nát thì giá càng rẻ. Phần cầu tàu dẫn từ bờ ra ghe là một dải bê tông bắc chông chênh trên mấy thanh sắt được cắm tạm bợ xuống sông, không ngừng rung lên khi có người đi qua, chực chờ sập xuống bất cứ lúc nào.
Đáng nói là, dù không phép nhưng cả hai bến tàu với hàng chục phương tiện vẫn đậu ngang nhiên, choán ra tận giữa sông, gây nguy cơ mất an toàn cho các phương tiện lưu thông qua đây. Chưa kể, cả hai bến đều nằm ngay sát cầu Phú Xuân 2, thuộc hành lang bảo vệ an toàn giao thông của cầu.
Các bến này không đảm bảo các quy định về an toàn đối với phương tiện thủy chở khách: không đăng ký, đăng kiểm phương tiện; không có chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; không có áo phao, dụng cụ cứu sinh, hệ thống chữa cháy; thuyền trưởng, thuyền viên không có bằng cấp, chứng chỉ hành nghề; không có cầu bến, bảng nội quy, biển báo hiệu, cọc bích neo, đèn chiếu sáng…
Hoạt động ì xèo suốt ngày đêm
Ở TPHCM, ngoài các bến tàu khách, còn có hàng loạt bến không phép kinh doanh vật liệu xây dựng. Nằm ngay gần cầu Chợ Đệm thuộc xã Tân Kiên, H.Bình Chánh, ba bãi vật liệu xây dựng nằm sát nhau chiếm hàng trăm mét bờ sông Chợ Đệm. Chốc chốc, lại có xe tải hoặc tàu, ghe đến đây chở vật liệu, nhiều chiếc xe cẩu, xe máy xúc hoạt động rầm rầm đinh tai nhức óc.
|
Bến tập kết vật liệu xây dựng không phép hoạt động ầm ầm suốt ngày đêm trên sông Chợ Đệm, xã Tân Kiên, H.Bình Chánh - Ảnh: P.T. |
Ông Thiều Văn Lới - 57 tuổi, ở bờ đối diện, thuộc khu phố 1, thị trấn Tân Túc, H.Bình Chánh - cho biết, mấy bến tập kết vật liệu này hoạt động cả ngày lẫn đêm, ảnh hưởng rất nhiều đến người dân: “Tôi lớn lên ở đây. Xưa, khu vực này yên tĩnh lắm. Mấy năm nay, các bến tập kết vật liệu xây dựng này hoạt động ầm ĩ suốt ngày, có khi thâu đêm suốt sáng, không ai ngủ được. Bến không có bờ kè, vật liệu đổ tràn ra mép sông, cát đá thường xuyên rơi vãi xuống lòng sông. Đợt nghỉ tết, mấy bến này không hoạt động thì nước sông trong hẳn ra; sau tết, họ bắt đầu làm thì nước đục trở lại”.
Khi nghe chúng tôi nói đây là các bến không phép, ông Lới tỏ ra không tin: “Tôi nghĩ phải có giấy phép, họ mới dám làm rầm rộ, công khai như vậy chứ. Người dân chúng tôi đổ một bãi cát trước nhà cũng bị cán bộ khu phố tới nhắc rồi, nếu không phép sao chúng tồn tại nhiều năm như vậy được?”.
Trên sông Cần Giuộc thuộc xã Đa Phước, H.Bình Chánh cũng có một bến không phép tập kết vật liệu xây dựng quy mô lớn tồn tại nhiều năm qua. Theo ghi nhận của chúng tôi, bến này rộng gần 1ha với hàng chục máy xúc, máy đào, xe tải loại lớn, thường xuyên có tàu, ghe chở vật liệu cập bến. Bến này nằm cách cầu Ông Thìn khoảng 100m, thuộc hành lang bảo vệ an toàn của cầu.
Chính quyền địa phương cần vào cuộc
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Giám đốc Cảng vụ Đường thủy nội địa TPHCM - cho biết, các bến không phép này nằm trên các tuyến sông, kênh, rạch thuộc phạm vi quản lý của cảng vụ, nhưng đơn vị này không có thẩm quyền cấp phép cho các bến tàu và cũng không có thẩm quyền xử phạt các bến không phép.
Theo Thanh tra Sở Giao thông Vận tải TPHCM, các bến tàu không phép đã tồn tại nhiều năm nay và hằng quý, thanh tra sở đều có thống kê số lượng, báo cáo với sở. Thanh tra giao thông cũng thường xuyên phối hợp với cảnh sát đường thủy, các cảng vụ để kiểm tra, xử phạt. Tuy không xử lý dứt điểm được nhưng số bến không phép có giảm dần qua các năm, từ 63 bến không phép vào giữa năm 2020 giảm còn 57 bến vào cuối năm 2020 và còn 36 bến vào cuối năm 2021.
Đến nay, toàn thành phố còn 34 cảng, bến thủy không phép. Trong đó, có hai bến hoạt động không phép trên các tuyến sông, kênh do Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực III (thuộc Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải) quản lý, 32 bến hoạt động không phép trên các tuyến sông, kênh, rạch do Cảng vụ Đường thủy nội địa TPHCM (thuộc Sở Giao thông Vận tải TPHCM) quản lý.
Các bến tàu không phép này tập trung ở các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè, Củ Chi, các quận 7, 8 và TP.Thủ Đức. Trong đó, các bến hành khách chủ yếu nằm ở Q.7, H.Nhà Bè, các bến vật liệu xây dựng tập trung nhiều nhất ở H.Bình Chánh. Một số bến nằm ở gần các cầu bắc qua sông, rạch nên gây mất an toàn giao thông hoặc làm rơi vật liệu xuống sông, rạch gây cản trở dòng chảy.
Ông Bùi Hòa An - Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM - cho rằng, để xử lý triệt để các bến không phép này, ngoài việc xử phạt của các lực lượng thanh tra thì vai trò xử lý của chính quyền địa phương là rất quan trọng. Sở đã nhiều lần có công văn đề nghị Công an TPHCM chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện tăng cường công tác kiểm tra, có biện pháp xử lý triệt để các bến thủy không phép, đề nghị Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử phạt các bến không phép theo thẩm quyền đã được giao tại Nghị định 139 năm 2021 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa. Đồng thời, sở cũng giao thanh tra giao thông phối hợp chặt chẽ với Công an TPHCM, UBND các quận, huyện kiểm tra, xử lý các bến này.
Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Minh Tuấn Anh - Chủ tịch UBND Q.7 - và ông Võ Phan Lê Nguyễn - Phó Chủ tịch UBND H.Nhà Bè - cho biết, sẽ nắm lại thông tin và có kế hoạch xử lý tình trạng bến tàu không phép.
Không phép nhưng vẫn quảng cáo rầm rộ Theo ghi nhận của chúng tôi, tuy không có giấy phép nhưng bến tàu đưa đón khách của Công ty TNHH N.M.D. nằm trên rạch Đỉa, số 88 Nguyễn Đức Cảnh, P.Tân Phong, Q.7 vẫn được xây dựng kiên cố, hoạt động công khai, thậm chí quảng cáo rầm rộ trên các trang mạng. Bến tàu này thường đối phó với cơ quan chức năng bằng cách treo biển “bến thuyền tạm ngưng” nhưng vẫn có các chuyến ca nô chở khách từ đây ra nhà hàng Dìn Ký - Cù Lao Xanh phía H.Nhà Bè và chở khách trở về. Theo Phòng Quản lý giao thông đường thủy, Sở Giao thông Vận tải TPHCM, bến tàu này nằm trong phần đất công của Q.7 nên không được cấp phép. |
Phương Thanh