Hi hữu chấn thương sau 1 năm mới ộc ra máu

20/02/2017 - 12:04

PNO - Một bệnh nhân 27 tuổi vừa được Bệnh viện Chợ Rẫy cứu sống khi bỗng dưng ộc ra vài lít máu sau hơn 1 năm bị bệnh.

Một bệnh nhân 27 tuổi vừa được Bệnh viện Chợ Rẫy cứu sống khi bỗng dưng ộc ra vài lít máu sau hơn 1 năm bị bệnh.

Bệnh nhân tên T. B. L., (nhà ở Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) làm nghề thợ hồ. Bệnh nhân được Bệnh viện đa khoa Biên Hòa chuyển gấp vào cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy vào ngày 8/2 vì không xử lý được tình trạng máu ộc ra từ mũi miệng.

Trước nhập viện khoảng 1 tháng, bỗng dưng máu từ mũi miệng anh L. ộc ra đến vài lít. Trong khi anh không hề sốt, đau đầu hay mắc một căn bệnh nào.

Bệnh nhân được đưa vào cấp cứu ở một bệnh viện địa phương và được truyền đến 3 đơn vị máu. Sau khi xuất viện về nhà thì máu vẫn rỉ rả ra mũi và miệng nên bệnh nhân tiếp tục nhập viện cấp cứu và được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy.

Việc xác định đúng bệnh càng trở nên phức tạp khi trong thời gian nhập viện, mũi hết chảy máu. Các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy nhận thấy tình trạng bệnh bất thường nên đã tiến hành hàng loạt các xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh.

Ban đầu, kết quả chụp CT thấy có vùng mờ ở xoang bướm nên giả thiết đưa ra là bệnh nhân bị một khối u ở vùng mặt. Tuy nhiên, sau khi nội soi và chụp CT cản quang kết hợp với khai thác tiền sử bệnh thì kết luận đưa ra là bệnh nhân bị rò động mạch chủ xoang hang (xoang nằm sâu bên trong đầu).

Hi huu chan thuong sau 1 nam moi oc ra mau
BS Hoàng Bá Dũng, Trưởng khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Chợ Rẫy thăm khám cho bệnh nhân T. B. L. Ảnh: Hiếu Nguyễn.

Người nhà cho biết vào mùng 8 Tết năm 2016, bệnh nhân bị chấn thương ở vùng mặt bên phải, có vào bệnh viện để điều trị. Sau đó về nhà sinh hoạt bình thường.

Bác sĩ Hoàng Bá Dũng, Trưởng khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết rò động mạch chủ xoang hang là tình trạng cực kỳ nguy hiểm, phải được cấp cứu khẩn cấp. Lúc này, bệnh nhân có thể tử vong bất cứ lúc nào.

Theo các bác sĩ, chấn thương vùng mặt 1 năm về trước đã khiến động mạch chủ đưa máu lên nuôi đầu, mặt đã bị vỡ ở vị trí xoang hang. Khi thoát ra khỏi động mạch chủ thì máu đông cứng lại nên không thoát ra ngoài nữa và tích tụ dần ở đó. Vì thế, bệnh nhân và cả nhân viên y tế không phát hiện ra tình trạng này.

Chỉ đến khi vì một lí do nào đó khiến áp lực máu tăng đã đẩy những cục máu đông này xuyên qua vách ngăn với xoang bướm để tràn xuống mũi và miệng. Áp lực khi vỡ mạch máu là rất lớn, nếu bên ngoài cơ thể thì tia máu có thể bắn vọt lên cao vài mét.

 Bệnh nhân T. B. Linh đã được điều trị bằng phương pháp can thiệp nội mạch: đặt bóng vào nơi vỡ thành động mạch chủ để vá lại chỗ rò rỉ. Hiện tại, bệnh nhân phục hồi tốt.

Bác sĩ Nguyễn Huỳnh Nhật Tuấn, Phó khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết trung bình 1 tháng bệnh viện tiếp nhận điều trị khoảng 7 - 8 bệnh nhân bị tình trạng rò động mạch chủ xoang hang. Đa phần là xuất hiện sau khi bị chấn thương một thời gian ngắn. Trường hợp sau 1 năm mới xuất hiện xuất huyết như bệnh nhân T. B. Linh là trường hợp đầu tiên. 

Bác sĩ Hoàng Bá Dũng lưu ý: Đây là ca chấn thương hi hữu vì phải sau hơn 1 năm mới bộc lộ ra ngoài. Trong khi đó, đa phần các trường hợp rò động mạch cảnh xoang hang được bộc lộ chỉ sau chấn thương từ 2 - 3 tháng. Những dấu hiệu tiêu biểu là tụ huyết ở mắt, lồi mắt, đau đầu, choáng váng, nghe tiếng ù ù trong đầu…

Khi bệnh nhân bị rò động mạch chủ xoang hang dẫn đến xuất huyết ồ ạt ở mũi miệng thì cách xử lý tốt nhất là đặt bệnh nhân nằm nghiêng để lượng máu được thoát hết ra bên ngoài. Lượng máu này có thể lên đến vài lít máu. Nếu nằm ngửa thì lượng máu này tràn vào phổi dẫn đến tử vong. Sau khi lượng máu đông này thoát ra ngoài thì huyết áp bệnh nhân tụt xuống, thành động mạch co lại, hiện tượng xuất huyết sẽ dừng lại. 

Hiếu Nguyễn 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI