Hi-End: “Cuộc chơi” lắm công phu

11/05/2021 - 17:58

PNO - Để bản thu âm có chất lượng cao, đòi hỏi thiết bị, phòng thu phải được đầu tư vốn lớn, có khi đến hàng chục tỷ đồng.

Nghe nhạc Hi-End như nghe ca sĩ hát live

Trong căn phòng 10m2 với một chiếc ghế, cặp loa và những bức tường trống, người nghe như lạc vào một khu phố nhỏ với những tiếng rao, tiếng xe cộ trong phần mở đầu của Tiếng rao. Tiếng hát của Phương Thanh, tiếng từng nhạc cụ hiện lên sống động đến mức người nghe có thể phỏng đoán được vị trí của chúng. Khả năng tái hiện không gian là điểm thú vị của công nghệ này, bên cạnh việc ghi nhận âm thanh trung thực đến từng chi tiết.

Để tạo nên sự ăn khớp với ban nhạc, đòi hỏi ca sĩ phải có chất giọng, kỹ thuật tốt. Việc chỉnh, phối âm được thực hiện bằng thiết bị cứng, yêu cầu người sản xuất phải hiểu biết về âm thanh, thiết bị cũng như khả năng thẩm định tốt. Việc chơi, sản xuất nhạc theo chuẩn Hi-End cũng khẳng định đẳng cấp của ca sĩ và nhà sản xuất (NSX).

Băng thu âm, mỗi cuộn thu được ba bài, giá mỗi cuộn khoảng 10 triệu đồng
Băng thu âm, mỗi cuộn thu được ba bài, giá mỗi cuộn khoảng 10 triệu đồng

Một phòng thu theo chuẩn có mức đầu tư cỡ một triệu USD (khoảng 23 tỷ đồng) cho hệ thống thiết bị, trong đó có micro giá 25.000 USD, dây dẫn được tính từ vài ngàn đến chục ngàn USD/mét… Mỗi nhạc cụ được đặt ở một không gian có thiết kế khác nhau đảm bảo âm thanh tốt nhất.

NSX âm nhạc Nguyễn Đức (Giám đốc Nguyễn Đức Studio) cho biết chi phí đầu tư, sản xuất nhạc theo công nghệ số có thể chỉ bằng 1% so với công nghệ analog chuẩn Hi-End. Anh Lầu Nhật Duy (Giám đốc Class A Recording Studio) nói: “Việc sản xuất nhạc Hi-End tương tự như việc nấu ăn. Nguyên liệu tốt, cộng với người nấu giỏi, sẽ cho ra món ngon, chất lượng cao”.

Người chơi nhạc Hi-End: Tiền quan trọng nhưng không phải tất cả

Sau khi hoàn tất quá trình sản xuất, nhạc sẽ được “đóng gói” trong đĩa CD, đĩa than, băng cối… để phát hành ra thị trường. Album của Phương Thanh với định dạng băng cối được bán với giá 7 triệu đồng, khá cao. Trong khi thị trường băng đĩa đã không còn sôi động như trước nên việc tiêu thụ sản phẩm có thể gặp khó khăn. Tuy nhiên, anh Duy cho biết sản phẩm bán tương đối tốt, nhờ đánh trúng đối tượng khách hàng.

Thực tế, với người chơi nhạc Hi-End, từ một đến vài triệu đồng cho một đĩa/băng là chuyện không quá to tát. Bởi họ có thể đã sở hữu những thiết bị nghe nhạc có giá từ vài trăm triệu đến hàng tỷ, hoặc chục tỷ đồng. Nhóm này có độ tuổi từ 35 trở lên, kinh tế ổn định nên có thể đầu tư cho thú vui này. Họ cũng khó tính trong việc thưởng thức âm nhạc.

Phương Thanh trong phòng thu album Phương Thanh Hi-End acoustic rock
Phương Thanh trong phòng thu album Phương Thanh Hi-End acoustic rock

Các hội chơi nhạc Hi-End có mặt từ Bắc chí Nam. Ông Nguyễn Viết Văn, Chủ tịch Hội Audio Phú Yên cho biết, hiện tại địa phương có khoảng 10 người chơi Hi-End, trong đó dàn âm thanh đắt tiền nhất rơi vào khoảng 5-6 tỷ đồng. Cơ bản nhất, người chơi cần có một thiết bị phát âm thanh (streaming online, đầu băng cối, đầu đĩa than, đầu đĩa CD…), amply và cặp loa. Người có điều kiện hơn sẽ có phòng riêng chỉ để phục vụ nhu cầu chơi này. Ngoài ra, họ sẽ có thêm một số thiết bị hỗ trợ giúp âm thanh tốt hơn, thật hơn, nhưng giá có thể lên đến vài ngàn USD. “Khi có một sản phẩm âm thanh cao cấp ở đầu vào thì thiết bị đầu ra buộc cũng phải cùng đẳng cấp mới có thể phô diễn hết vẻ đẹp của âm thanh”, NSX Nguyễn Đức chia sẻ.

Hi-End là các thiết bị âm thanh đỉnh cao nhằm tái tạo lại âm nhạc một cách trung thực nhất. Phương thức sản xuất nhạc phổ biến hiện tại là thông qua công nghệ số. Chỉ cần một số thiết bị cơ bản như: micro, máy tính, ứng dụng chỉnh âm, NSX có thể cho ra đời một sản phẩm âm nhạc hoàn chỉnh. Ưu điểm của hình thức này là rẻ, nhanh chóng, tiện lợi. NSX dễ dàng chỉnh giai điệu, thậm chí là nâng giọng ca sĩ. Vì thế, những năm qua luôn xuất hiện tình trạng ca sĩ hát live tệ hơn nhiều so với bản thu âm. 

Thiết bị mới thường được đặt hàng từ nước ngoài về, còn thiết bị đã qua sử dụng có thể tìm mua tại Việt Nam, nhưng cần được kiểm tra, lựa chọn kỹ. Trang web và fanpage VNAV (mạng nghe nhìn Việt Nam) là nơi người chơi có thể tham khảo, tư vấn miễn phí từ cộng đồng để mua được thiết bị tốt. Nhưng tiền không hẳn là tất cả trong cuộc chơi này. Các thiết bị thường được mua từ nhiều hãng khác nhau nhằm phục vụ sở thích nghe nhạc khác nhau nên tính chất, sự vận hành sẽ không đồng bộ. Người chơi cần hiểu và có sự thiết kế, kết nối, sắp đặt cho phù hợp để hiệu quả nghe được tốt nhất. 

Thực tế, có những người sở hữu thiết bị tốt trị giá tiền tỷ, nhưng lại không biết cách sử dụng tối ưu nên hiệu quả âm thanh không cao. Trong khi dàn máy chỉ ngót trăm triệu đồng nhưng vẫn khiến người thưởng thức thích thú vì âm thanh tạo ra nghe rất đã tai. “Chúng tôi mong muốn việc chơi, thưởng thức nhạc Hi-End sẽ được biết đến rộng rãi hơn. Chơi nhạc Hi-End cũng như chơi cây cảnh, chơi chim, đồ cổ… Thực chất, niềm đam mê khám phá, tìm kiếm, chia sẻ với người có cùng sở thích mới quan trọng”, anh Duy cho biết. 

Thành Lâm

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI