Trong những ngày cuối tháng 3/2022 liên tục xảy ra những vụ cháy nghiêm trọng mà nguyên nhân đều xuất phát từ mâu thuẫn tình cảm. Đặc biệt vụ cháy tối 31/3 ở phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) khiến 6 người thương vong, nhiều tài sản bị hủy hoại.
Dư luận bàng hoàng hơn khi biết lý do gây án, đối tượng gây án Trần Thị Thanh Hải có quan hệ tình cảm với anh C.V.H. Thanh Hải giả mang thai, không được gia đình bạn trai ủng hộ, dẫn đến mâu thuẫn chia tay và đã trả thù bằng cách đốt xe máy của người nhà gia đình bạn trai.
Trước đó, ngày 20/3, Lê Ngọc Bảo (26 tuổi, trú phường Rạch Dừa, TP Vũng Tàu) đã đổ xăng đối nhà bạn gái vì bị gia đình ngăn cấm tình cảm gây thiệt hại về tài sản. Trưa ngày 26/3, thanh niên tên H. (SN 1996, ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) đã mua 18 lít dầu đốt nhà bạn gái trên đường Bùi Hữu Nghĩa, phường 2, quận Bình Thạnh cháy rụi.
|
Hiện trường vụ cháy tối 31/3 ở phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) khiến 6 người thương vong, nhiều tài sản bị hủy hoại. |
Trong các vụ việc trên, đối tượng gây án đều thuộc thế hệ 9X, còn trẻ và phóng hỏa đốt nhà nhằm mục đích trả thù sau khi chia tay vì bị ngăn cấm. Nhiều người giật mình trước sự manh động, liều lĩnh của những người trẻ khi chuyện tình cảm trục trặc. Hầu như họ không ý thức hết hậu quả của việc mình làm mà chỉ nghĩ đến cách giải tỏa nỗi tức giận của bản thân.
Người bị tổn thương tâm lý, nếu thiếu bản lĩnh, không kiềm chế được cảm xúc, dễ dẫn đến hành động dại dột. Khi yêu, người ta luôn tìm cách tỏ tình thật lãng mạn để đối phương đồng ý, còn khi hết yêu, không mấy người quan tâm đến chuyện nói lời chia tay thế nào cho êm đẹp, tránh làm tổn thương, gây đau khổ cho người khác.
Nhiều cuộc tình, sau phút chia tay là hậu quả đau lòng khi người trong cuộc bị sốc. Có người ngậm ngùi chịu đựng một mình nhưng nhiều trường hợp tìm cách tấn công trả thù cho vơi tổn thương, cho hả giận.
Quả không sai khi ai đó nói “Lời tỏ tình khó nói một, thì lời chia tay khó nói mười”. Chia tay thế nào cũng cần phải cân nhắc để mọi chuyện chấm dứt êm đẹp. Vậy nên, những người trẻ còn thiếu kỹ năng sống rất cần sự đồng hành của cha mẹ, người lớn khi giải quyết khúc mắc trong chuyện tình cảm.
Nhiều bạn trẻ đưa ra lý do chia tay người yêu là khuyết điểm của đối phương thậm tệ hoặc lấy hoàn cảnh gia đình để làm cái cớ… Điều đó dễ gây kích động khiến người bị tổn thương dễ làm liều hoặc có những hành vi mất kiểm soát.
Tôi vẫn khuyên các cháu trong nhà: Tùy vào tính cách đối phương mà cách ứng xử phù hợp trong trường hợp muốn chia tay. Bởi rất hiếm người cao thượng, vượt qua mọi ích kỷ và ghen tuông để cầu chúc người mình yêu hạnh phúc như lời thơ Puskin: “Cầu em được người tình như tôi đã yêu em”.
Nếu chia tay một người điềm đạm, chín chắn, chỉ cần chủ động nói chuyện thẳng thắn, chân thành, trên cơ sở tôn trọng đối phương. Còn người nóng nảy, hiếu thắng, luôn có tư tưởng “không ăn được thì đạp đổ”, “phá cho hôi”, lời chia tay đột ngột có thể khiến họ nảy sinh tâm lý hận thù hay tìm cách níu kéo rất đáng sợ. Cần dùng những phương cách nhẹ nhàng, từ từ, khéo léo.
Nhiều bậc cha mẹ mắc sai lầm khi cấm đoán chuyện tình cảm của con cái, can thiệp thô bạo, xúc phạm, khinh thường, so sánh người yêu của con, ép buộc chia tay...
Anh rể tôi từng có gần một năm trò chuyện nhắn tin với người yêu cũ của con gái để giúp con chấm dứt tình cảm. Con gái anh quen bạn trai khi mới học năm thứ nhất đại học, sau một năm thì chia tay vì không hợp. Lúc còn yêu, mỗi lần hai đứa cãi nhau, cậu bạn kia thường nhắn tin, gọi điện về cho ba mẹ bạn gái để tâm sự.
Sau khi con chia tay, việc liên lạc không còn bình thường mà trở thành “khủng bố” tinh thần. Cậu ta gọi điện, nhắn tin vào giữa đêm khuya, khóc lóc, dọa dẫm khiến anh chị vô cùng lo lắng.
|
Dạy con kỹ năng xử lý chuyện tình cảm là rất cần thiết (Ảnh minh họa) |
Lúc đó, thay vì bực bội, anh rể vẫn trả lời tin nhắn, khuyên bảo, trò chuyện với tâm thế của một người đàn ông nói chuyện với một người đàn ông. Sau gần một năm, mọi chuyện mới yên ổn khi cậu trai lấy lại được thăng bằng về tâm lý, trở lại cuộc sống bình thường. Anh bảo, nếu anh không đứng ra giải quyết thì sợ con gái gặp chuyện không hay, vì hai đứa đang học xa nhà.
Tôi nghĩ, trong nhiều kỹ năng sống mà cha mẹ trang bị cho con cái, việc rèn kỹ năng yêu đương, đặc biệt là "kỹ năng chia tay" rất cần thiết. Tuổi trẻ bồng bột sẽ dễ dẫn đến những cách ứng xử không phù hợp. Bằng vốn sống và kinh nghiệm, và sự tỉnh táo của mình, cha mẹ sẽ đồng hành, cùng bàn bạc với con, lường trước các tình huống, để chọn ra cách ứng xử thích hợp nhất.
Minh Tâm