Giá hàng hóa tăng
Chủ sạp Thiện (chợ An Đông, quận 5) cho biết, trừ mặt hàng dầu ăn chưa có thông báo tăng giá, còn lại đa số các mặt hàng đều đã được các đại lý thông báo điều chỉnh tăng giá thêm 2%. Cụ thể giá đường cát Biên Hòa tăng 1.500 đồng, lên 28.000 đồng/kg; bột ngọt Ajinomoto tăng 2.000 đồng, lên 35.000 đồng/bịch loại 454g; giá các loại đậu nành, đậu phộng, tăng thêm 3.000-4.000 đồng/kg… Các sản phẩm Chinsu tăng giá 5.000 đồng/sản phẩm, Maggi tăng 4.000 đồng/sản phẩm. Giá vốn nhập nước mắm Nam Ngư của tiểu thương từ 19.500 đồng tăng lên 23.500 đồng/chai. Giá nấm đông cô tăng thêm 40.000 đồng, lên 320.000 đồng/kg nhưng lại không có hàng do nhà phân phối không dám nhập. “Sức mua hàng hóa đang trầm lắng, nay hàng hóa đột ngột tăng giá nên dù cận tết mà sức mua không khác so với ngày thường” - chủ sạp Thiện chia sẻ với chúng tôi.
Chị Kim An - chủ sạp vải ở chợ Tân Định - nói, giá tất cả các loại vải nhập vào trước đó đã tăng ít nhất 10% và hiện còn tăng thêm; loại vải giá 60.000 đồng/m lúc bình thường giờ lên 70.000 đồng/m. “Thông thường, cận tết mỗi khách sẽ mua một lượng vải tương ứng có thể may 5-6 bộ đồ nhưng năm nay khách chỉ mua vải cho 1 bộ. Sức bán giảm hơn 50% so với những năm trước. Thậm chí, có ngày, cả 2 sạp vải chỉ bán thu được có 200.000 đồng, có ngày không có khách mua hàng…” - chị Kim An nói.
|
Thuế VAT từ 8% về lại mức 10%, giá cả hàng hóa lập tức tăng (ảnh chụp tại chợ An Đông) - Ảnh: Thanh Hoa |
Anh Khoa - chủ đại lý 805 Mart (Phạm Huy Thông, quận Gò Vấp, TPHCM) - thông tin thêm, hiện các mặt hàng bia, nước ngọt đã tăng 30.000-50.000 đồng/thùng; sắp tới tăng thêm ít nhất 30.000-40.000 đồng/thùng nữa. Đặc biệt, nhiều sản phẩm mì gói đã tăng hơn 30.000 đồng/thùng, như mì Hảo Hảo năm ngoái hơn 90.000 đồng/thùng, hiện đã hơn 120.000 đồng/thùng… “Nhà phân phối giải thích giá hàng hóa tăng do VAT trở lại 10%” - anh Khoa nói.
Theo các tiểu thương, giá hàng hóa luôn tăng nhanh, xuống chậm. Chị Kim Duyên - chủ sạp bách hóa tại chợ Tân Định - dẫn chứng: trong năm 2022, giá xăng điều chỉnh tăng bao nhiêu lần là giá hàng hóa tăng theo bấy nhiêu, tổng mức tăng một số mặt hàng lên tới 30 - 50%, cá biệt có mặt hàng dầu ăn tăng gần 100%. Nhưng kể từ khi xăng giảm giá, giá cả hàng hóa chỉ đứng yên chứ không được điều chỉnh giảm tương ứng. Tương tự lúc thuế VAT được Nhà nước giảm 2% còn 8%, có rất ít đại lý thông báo giảm giá hàng hóa. Thế nhưng ngay khi thuế VAT trở lại mức 10% thì giá hàng hóa của các công ty, đại lý lập tức tăng khiến ngay cả người bán cũng trở tay không kịp.
Trước tình hình giá hàng hóa tăng, nhiều người tiêu dùng chọn cách tính toán, thắt chặt chi tiêu hơn nữa. Chị Kim Thoa (quận 12, TPHCM) cho biết, những sản phẩm chị hay mua ở siêu thị như dầu ăn, nước mắm, bột ngọt, nước giặt… có thuế VAT 8% trước đây giờ đều đã trở lại 10%. “Mỗi món thêm 2%, tính ra số tiền chi thêm cho giỏ hàng mỗi lần đi siêu thị tăng thêm mấy chục ngàn đồng. Mới đây, khi may quần áo tại cửa hàng quen, giá bỗng dưng tăng thêm ít nhất từ 100.000-200.000 đồng/sản phẩm với lý do giá vải nhập tăng do thuế VAT tăng trở lại. Trước tình hình này, gia đình tôi phải tính toán giảm bớt chi tiêu” - chị Thoa nói.
Cần tiếp tục giảm VAT
Theo ông Phạm Hải Long - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm nông sản xuất khẩu Sài Gòn (Agrex Sài Gòn) - hiện nay các doanh nghiệp (DN) đang đối mặt nhiều khó khăn chưa từng có do đơn hàng xuất khẩu sụt giảm, sức mua của thị trường nội địa không tăng, lãi suất ngân hàng tăng cao. “Chính phủ hỗ trợ DN rất nhiều, từ nới hạn mức tín dụng, giữ tỉ giá ổn định. Nếu tiếp tục thực hiện gia hạn tiền thuê đất, tiền nộp các quỹ, giảm thuế VAT sẽ kích thích tiêu dùng, DN tăng sản xuất, vừa hỗ trợ kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người lao động” - ông Phạm Hải Long nói.
Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM (FFA) - cũng cho biết: các DN hiện vẫn còn rất khó khăn, không thể tiếp tục đà phục hồi nếu không có sự hỗ trợ của Chính phủ. Nhà nước có nhiều chính sách để hỗ trợ DN nhưng DN cần những chính sách mang tính thực tế cao, chẳng hạn chính sách giảm thuế VAT 2% trong năm 2022 đã hỗ trợ cho DN rất nhiều. Do đó, trong năm 2023, các DN mong muốn Nhà nước tiếp tục giảm VAT 2%, vừa hỗ trợ DN vừa giữ giá cả hàng hóa không tăng thêm. “Đa số DN đều cảm nhận và đánh giá cao tính thiết thực của chính sách giảm thuế VAT 2% và mong muốn được gia hạn chính sách này” - bà Lý Kim Chi nhấn mạnh.
Đại diện Hiệp hội DN TPHCM (HUBA) cũng kiến nghị Chính phủ thực hiện song song chính sách miễn giảm thuế thu nhập cá nhân và áp dụng thuế suất thuế VAT 8% cho tất cả các ngành, không phải chỉ giới hạn ở một số ngành như hiện nay đến hết năm 2024…
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh đánh giá, trước đây các chính sách miễn, giảm thuế phí chỉ tập trung vào thuế trực thu như thuế thu nhập DN. Việc giảm thuế suất VAT 2% là một trong những chính sách tài khóa tích cực chưa từng có và ấn tượng nhất trong năm 2022, giúp giá hàng hóa dịch vụ giảm, kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ DN đẩy nhanh phục hồi. Năm 2023, áp lực lạm phát còn cao hơn năm 2022, Nhà nước nên tiếp tục duy trì chính sách hỗ trợ giảm thuế.
Trong năm 2022, các gói hỗ trợ về an sinh còn nhiều bất cập, gói hỗ trợ lãi suất có phổ biến nhưng DN không tiếp cận được hoặc không có nhu cầu vay mới do sản xuất kinh doanh đang trì trệ. Do đó cần tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế này. Tiến sĩ Vũ Đình Ánh |
Chuyên gia thuế, luật sư Trần Xoa - Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang - cho biết, ông đồng tình đề nghị tiếp tục hỗ trợ giảm thuế VAT 2%. Song thời gian qua vẫn còn thực trạng DN đã giảm thuế VAT 2% nhưng khi xuống đến các đại lý, nhà phân phối giá lại không giảm, do đó người tiêu dùng không được hưởng. Để chính sách này phát huy hiệu quả tích cực, các cơ quan quản lý phải có biện pháp kiểm tra, nhắc nhở, yêu cầu các điểm kinh doanh treo bảng thông báo giảm thuế VAT từ 10% xuống còn 8% để người tiêu dùng biết và đòi quyền lợi của mình.
Khuyến khích đơn vị kinh doanh áp dụng hóa đơn điện tử, người dùng lấy hóa đơn, từ đó giúp việc thu thuế sẽ hiệu quả hơn. “Khi thuế suất từ 8% quay trở lại 10% thì đồng nghĩa các DN sẽ gia tăng áp lực tài chính để nộp cho cơ quan thuế thêm 2%. Dù mức thuế nộp thay này sẽ được hoàn lại nhưng do thủ tục hoàn thuế còn chậm, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến dòng tiền của DN, nhất là với những DN phải vay tiền ngân hàng” - luật sư Trần Xoa nói.
Nguyễn Cẩm - Thanh Hoa