Những giọt nước mắt của thanh niên trẻ tuổi Lê Thanh Hoàng (22 tuổi, quê Bình Định) khiến buổi chiều của Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM thêm phần nặng trĩu. Anh đang lo về hậu quả của vụ tai nạn giao thông gần nửa năm trước.
Bao hoài bão, khát vọng của tuổi trẻ bỗng chốc hóa thành nỗi đau
Hoàng nhớ lại, ngày 12/11/2016, anh chạy xe máy về Bình Dương thăm anh chị ruột; khi gần đến nhà thì bị một ô tô đi chiều ngược lại, lấn tuyến và tông mạnh vào xe anh, ngã xuống đường Hoàng vẫn còn tỉnh táo, chỉ thấy chân trái đau nhói.
“Bị tông xe xong đau lắm, tôi không đứng dậy nổi, bà con ở gần đó ra xem, biết tôi bị gãy chân nên họ dùng cây cố định chỗ gãy lại dùm rồi đưa đi bệnh viện gần đó. Từ lúc bị tai nạn đến khi vào viện, tôi chỉ nghĩ mình bị gãy chân nhẹ, không ngờ sau đó lại gặp biến chứng.”, Hoàng rơi nước mắt.
Sau khi bị tai nạn, Hoàng được một bệnh viện sơ cứu vết thương, xử lý nẹp cố định phần xương gãy. Nghĩ rằng chỉ cần như thế, vài tháng chân mình sẽ lành nhưng sau vài tuần chân trái của anh bắt đầu sưng vù, mưng mủ, chỗ xương gãy bị nhiễm trùng nặng nề. 7 tuần nằm viện chân ngày càng đau, gia đình đưa Hoàng đến các bệnh viện trong thành phố để tiếp tục điều trị.
Ngày 24/12/2016, Hoàng lại tiếp tục được chuyển đến Khoa Chấn thương chỉnh hình của Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM trong tình trạng chân bị phù nề, đau nhức, nhiễm trùng vết thương, nhiễm trùng xương nơi gãy, phần mô xung quanh chỗ gãy tổn thương nghiêm trọng. Tuy anh còn tỉnh táo nhưng biến chứng nơi cẳng chân khá nặng nề.
Theo ThS.BS Nguyễn Ngọc Thôi, bác sĩ trực tiếp điều trị cho Hoàng, kể: khi thăm khám thì phát hiện chân gãy của Hoàng có một lỗ nhỏ và nhận định từ lỗ nhỏ này, vi trùng đã xâm nhập vào vết thương từ đó chân bị nhiễm trùng nặng, mủ gần như bao phủ từ cổ chân lên đến gối. Các bác sĩ phải hội chẩn ngay và tiến hành mổ để làm sạch ổ nhiễm trùng.
ThS.BS Thôi cho biết: “Khi phẫu thuật, chúng tôi lại thấy nơi bị gãy có một mảnh xương bị viêm nhiễm, gãy lìa phải bỏ đi. Sau đó, vì người bệnh đã bị viêm xương mãn tính nên ngoài vệ sinh ổ viêm, chúng tôi phải nhiều lần cắt lọc xương chân để tránh nhiễm trùng lây lan, đặt khung cố định ngoài. Trường hợp này cũng phải cấy vi khuẩn làm kháng sinh đồ nhưng chỉ tiên lượng người bệnh tạm ổn.”
Sau đó, PGS.TS.BS. Bùi Hồng Thiên Khanh, Trưởng Khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM nhận định, vì Hoàng còn quá trẻ nên nếu như loại chi sẽ ảnh hưởng rất nhiều về cuộc sống sau này. PGS. Khanh đưa ra phương pháp cắt bỏ 7cm đoạn xương gãy và tiến hành nẹp cố định, mỗi ngày kéo 1mm để “nuôi xương”. Đến nay, khoảng trống ở đoạn xương bị cắt bỏ đang được thu hẹp chỉ còn khoảng 3cm, Hoàng đang rất hy vọng mình sẽ khỏi bệnh.
PGS Khanh cho biết: “Hiện tại người bệnh đã trải qua 3 ca phẫu thuật lớn, vết thương cũng đang tiến triển thuận lợi. Tuy nhiên, vi khuẩn được cấy vào cứ bị kháng thuốc và loại bỏ, người bệnh đa được cấy vi khuẩn lần thứ 9 nhưng vẫn chưa có dấu hiệu khả quan. Vì vậy, nguy cơ tái phát nhiễm trùng và biến chứng có thể quay trở lại bất kỳ lúc nào. Chúng tôi đang rất cố gắng để giữ chân cho người bệnh, nhưng nếu tình huống xấu xảy ra, buộc chúng tôi phải tiến hành cắt chi tránh nguy hiểm đến tính mạng người bệnh”.
“Xin hãy cứu lấy con tôi”
Được biết, gia đình Hoàng hiện tại rất khó khăn, cách đây 8 năm, ông Lê Văn Hồng (63 tuổi, cha ruột Hoàng) đang là trụ cột gia đình thì bị tai biến, phải phẫu thuật và mất sức lao động. Mọi chi tiêu trong của cả nhà phải phụ thuộc vào đàn gà của mẹ Hoàng. Anh chị thấy Hoàng ham học thì cố gắng lo lắng cho em. Từ khi Hoàng bị tai nạn, chi phí chữa trị đã lên đến gần 400 triệu, gia đình phải chạy đi vay khắp nơi để trang trải. Hoàng bật khóc: “Tôi sợ cưa chân, nhưng tôi muốn ngưng điều trị. Cả nhà phải khổ sở vì tôi quá nhiều rồi.”
Ngồi cạnh bên, nghe cậu con trai út của mình nói vậy, ông Hồng cũng không khỏi xúc động. Theo ông, Hoàng từ bé đã yêu võ thuật, cấp hai đã đi thi võ cổ truyền Bình Định và đạt được nhiều giải thưởng. Ông nói về con trai say sưa và đầy tự hào: “Nó học giỏi lắm, là thanh niên tráng kiện. Học năm cuối của Đại học Thể dục thể thao Trung ương tại Thủ Đức với đai hàm võ sư rồi, đi tìm việc để phụ giúp gia đình rồi. Có năm nó đi thi võ toàn quốc, được hẳn huy chương về khoe như đứa trẻ, rồi từ đó đến nay, năm nào đi thi cũng có huy chương khoe với cha. Tôi thật sự lo sợ, với một võ sư mà chân cứ ngày càng nặng, nếu phải cắt đi thì…”.
Hiện tại, không tính các chi phí khác, chỉ riêng việc sử dụng kháng sinh theo phác đồ đã lên đến 5 triệu/ngày, gia đình đã gần như kiệt quệ. Tuy nhiên, ông Hồng cho biết, tất cả chi phí dự trữ đã hết, ông gom góp và tính toán cẩn thận thì trong túi còn không đến 5 triệu đồng. Lấy khăn lau nước mắt, ông cho biết: “Dù khó khăn đến mấy, tôi cũng không thể bỏ cuộc trong lúc này được, nhưng nơi nào cần vay mượn tôi đã mượn hết rồi, tôi mong các mạnh thường quân thương tình giúp đỡ con tôi vượt qua khó khăn này”.
Nếu trò chuyện với Hoàng, ai cũng có thể cảm nhận được niềm đam mê võ thuật, sự khát khao trở thành một huấn luyện viên võ cổ truyền chuyên nghiệp trong Hoàng là rất lớn. Một võ sư trẻ với biết bao hoài bão, dân thể thao thì mất đi một chân đối với Hoàng có nghĩa là cánh cửa tương lai đang dần khép lại.
Bớt một bữa ăn để cứu lấy một đời người, cậu võ sư trẻ đang ngày ngày chờ đợi sự đồng hành, hỗ trợ từ bạn đọc. Cho đi có nghĩa là nhận lại, mọi sự hỗ trợ xin liên lạc qua số tài khoản Báo Phụ Nữ TP.HCM: 0071001049165 tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), chi nhánh TP.HCM. Với nội dung "giúp anh võ sư Lê Thanh Hoàng".
Hoặc có thể đến trực tiếp phòng Bạn đọc của Báo Phụ Nữ TP.HCM số 311 Điện Biên Phủ, phường 4, Quận 3.
|
Phạm An