Hết thuốc không phải vì thuốc hết

17/01/2018 - 10:17

PNO - Chẳng biết bằng đường nào, thuốc vẫn có mặt trên thị trường với giá cắt cổ, mà người bệnh đã lâm đường cùng vẫn phải chấp nhận mua. Có né tránh đường nào đi nữa, vẫn phải nhận ra một điều: hết thuốc không phải vì...

Xin mượn cái chân chất của một câu thơ trận mạc “Không có kính không phải vì xe không có kính” để nói về câu chuyện hàng ngàn bệnh nhân ung thư đang phải đương đầu với việc hết thuốc điều trị ung thư hôm nay: “Hết thuốc không phải vì thuốc hết”. 

Lý do thực sự của việc hết thuốc này là vì vướng quy định, các quy định rất chi tiết về hồ sơ thuốc, nhưng các vướng mắc này đã không được tháo gỡ kịp thời trước khi các văn bản quy định này có hiệu lực. Bây giờ thì đã muộn. Bảy bệnh viện trên cả nước nằm trong chương trình hỗ trợ một số loại thuốc đặc trị cho người bệnh ung thư đã hết sạch thuốc.

Het thuoc khong phai vi thuoc het
Các quảng cáo bán thuốc Glivec trên mạng trong khi từ đầu năm 2018 đến nay, BV thông báo thuốc viện trợ đã hết, bệnh nhân chỉ còn được nhận thuốc thương mại Ảnh: Quốc Ngọc

Hàng ngàn bệnh nhân ung thư đứng trước nguy cơ bỏ điều trị vì thuốc theo chương trình dành cho bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế đã cạn, mà giá thuốc trên thị trường lại quá cao. Có bệnh nhân nếu mua thuốc trên thị trường để điều trị, phải tốn cả trăm triệu đồng mỗi tháng. 

Một bạn đọc quan tâm đến câu chuyện này đã chỉ ra một mẩu tin cách đây chưa lâu: theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, khi kiểm tra việc “thực hành tiết kiệm chống lãng phí” tại một bệnh viện ở TP.HCM, sở đã phát hiện có đến gần 20.000 viên Tasigna 200mg, loại thuốc đặc trị ung thư, đã hết hạn sử dụng từ tháng 5/2015 với tổng trị giá  gần 14 tỷ đồng. Báo cáo này đã dấy lên một cơn bão trong dư luận, các cơ quan từ cấp phép đến chịu trách nhiệm phê duyệt nhập khẩu thuốc đều đã lên tiếng trong việc để xảy ra sự cố hết hạn thuốc này.

Và bây giờ, chỉ mấy tháng sau khi lô thuốc tiền tỷ đó hết hạn, cơn đói thuốc - chính loại thuốc trong dự án phối hợp tài trợ này, Tasigna 200mg - loại thuốc đặc trị ung thư máu, đang diễn ra trầm trọng, quyết liệt. Bạn đọc đó hỏi: “Số thuốc hết hạn ấy giờ đâu rồi, có ai biết không? Đối với những bệnh nhân đã tuyệt vọng vì ung thư, có thuốc đồng nghĩa với sống còn, đồng nghĩa với hy vọng, dù lay lắt. Xin cho chúng tôi thuốc hết hạn dùng cũng được, có còn hơn không”.

Câu hỏi không có câu trả lời. Chẳng ai dám làm điều đó, cũng chẳng ai có thể trả lời câu hỏi đó. Vị đắng ngắt đọng lại trong câu hỏi là: tại sao thuốc đắt đỏ như thế, quan trọng với sinh mạng của người bệnh như thế, đặc trị cho những dòng bệnh hiểm nghèo như thế, mà lúc thì đổ đi vì quá đát, lúc thì hết sạch không có để điều trị cho bệnh nhân?

Lỗ hổng quản lý rành rành ra đó. Thuốc đâu có hết vì những lý do sản xuất hay nghiên cứu gì. Chẳng biết vào ra bằng đường nào, thuốc vẫn đang có mặt trên thị trường với giá cắt cổ, mà người bệnh đã lâm bước đường cùng, tuyệt vọng, vẫn phải chấp nhận mua với giá ấy. Có né tránh đường nào đi nữa, thì vẫn phải nhận ra một điều: hết thuốc không phải vì thuốc hết.

Đành phải chờ thôi. Bệnh tật không biết chờ, cứ nặng dần lên trong khi các cơ quan chức năng chờ tháo gỡ, chờ xem xét, chờ cấp phép nhập khẩu, chờ đưa vào cấp phát điều trị. Một bệnh viện đầu ngành trong lĩnh vực truyền máu huyết học đã xử lý bằng cách cấp cho bệnh nhân một phiếu hẹn kèm số điện thoại với thông báo là có thuốc thì bệnh viện sẽ gọi, còn không có thuốc thì chờ. 

Lại nghĩ về triết lý công bằng xã hội, sự công bằng trong tiếp cận, sử dụng dịch vụ y tế; chất lượng dịch vụ y tế và đóng góp hoặc chi trả dịch vụ y tế. Từ năm 2013, Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2030”, trong đó xác định rõ: tăng tỷ lệ chi ngân sách nhà nước hằng năm cho y tế, bảo đảm tốc độ tăng chi cho y tế cao hơn tốc độ tăng chi bình quân chung của ngân sách nhà nước.

Nhưng với cách làm như hiện nay, tăng chi ngân sách chưa hẳn đã tạo ra sự công bằng, hay tối thiểu là không lãng phí. Đường nhập khẩu thuốc lòng vòng, tốn thời gian, để đến khi thuốc về bệnh viện nhiều quá nên dư, hết hạn, phải đổ bỏ là lỗi thuộc về phía mình chứ không phải từ phía nhà sản xuất, nhà cung cấp.

Nay, một “dị bản” khác của câu chuyện lại đang diễn ra: nhiều thủ tục nhiêu khê quá, mâu thuẫn quá, khiến thuốc không về được bệnh viện, khiến người bệnh hết thuốc điều trị. Hết thuốc, cũng gần nghĩa như là chấm hết.    

Giới chuyên gia vẫn thường khuyến cáo cơ chế phối hợp hiệu quả giữa ba bên gồm Chính phủ, cộng đồng y tế và ngành công nghiệp dược là điều kiện phải được duy trì lâu dài, thường xuyên để bệnh nhân có thể tiếp cận một cách công bằng và nhanh chóng những loại thuốc đặc trị ung thư nói riêng và các thành quả nghiên cứu y học nói chung.

Qua những lần hết thuốc này, mới thấy hình như cơ chế của mình vẫn còn nhiều điều phải xem xét lại. 

Lập Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI