Hết thuốc giải độc Botulinum, sao không nhập?

01/04/2021 - 06:46

PNO - 10 lọ thuốc giải độc tố Botulinum được Tổ chức Y tế thế giới hỗ trợ cho Việt Nam đã hết. Bệnh nhân ngộ độc Botulinum sẽ được điều trị thế nào?

 

Thuốc giải độc tố Botulinum đã hết
Thuốc giải độc tố Botulinum đã hết

Bệnh viện lên phác đồ điều trị riêng cho bệnh nhân

Mới đây, ở Bình Dương xuất hiện nhiều người ăn bún riêu chay phải vào bệnh viện cấp cứu nghi ngộ độc Botulinum. Đa số bệnh nhân đều có triệu chứng yếu liệt tay chân, sụp mi mắt... phải thở máy, điều trị tích cực. Trong đó, Bệnh viện Nhân dân 115 đang điều trị cho 4 bệnh nhân, tuổi từ 22 đến 53; Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM tiếp nhận bệnh nhi 16 tuổi cùng triệu chứng, riêng một bệnh nhân đã tử vong ở Bệnh viện Chợ Rẫy.

Để hỗ trợ các bệnh viện điều trị cho bệnh nhân ngộ độc Botulinum, tối 25/3, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đã mang vào TPHCM 2 lọ thuốc giải độc Botulinum cuối cùng là Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT). 10 lọ thuốc này được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tài trợ khẩn cấp cho Việt Nam vào tháng 9 năm 2020 để cứu người bị ngộ độc botulinum do ăn pate Minh Chay.

Ngay lập tức, các bác sĩ đã truyền 1 lọ cho bà C.N.H. (53 tuổi) vì bệnh nhân này nhập viện đầu tiên. Sau đó, có thêm 5 người cùng ăn bún riêu với bệnh nhân H. cũng nhập viện. Chỉ còn lại 1 lọ thuốc nên các bác sĩ đã truyền 2/3 cho em P.N.T.T. (16 tuổi, đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2) và 1/3 thuốc còn lại được ưu tiên truyền cho chị Đ.Đ.L.U. (42 tuổi) bệnh nặng nhất so với hai bệnh nhân còn lại.

Sau khi được truyền thuốc, sức khỏe các bệnh nhân đã dần cải thiện. Còn với 2 bệnh nhân không có thuốc giải, tiến sĩ- bác sĩ Vũ Đình Thắng, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Nhân dân 115, cho biết bệnh viện lên phác đồ điều trị riêng, trong đó quan trọng là thay huyết tương giải độc, kèm với điều trị triệu chứng, hồi sức tích cực. Thời gian hồi phục của bệnh nhân kéo dài khoảng 8-12 tuần, nhưng vẫn khả thi.

Hiện sau 3 lần thay huyết tương, bệnh nhân T.T.N.Đ. (43 tuổi) và T.N.K.N. (22 tuổi) đang có tiến triển khả quan. Tuy nhiên, nếu như bệnh nhân không có bảo hiểm y tế, chi phí điều trị sẽ rất tốn kém, chỉ tính riêng việc thay huyết tương đã vào khoảng 25 triệu đồng/lần chưa kể các chi phí khác.

Sau khi được điều trị bằng thuốc giải độc tố Botulinum, sức khỏe của chị U. đang tiến triển khá tốt
Sau khi được điều trị bằng thuốc giải độc tố Botulinum, sức khỏe của chị U. đang tiến triển khá tốt

Hết thuốc sao không nhập? 

Bác sĩ Vũ Đình Thắng cho rằng, trước đây Việt Nam có thể đã có người nhiễm độc Botulinum nhưng trường hợp nhỏ lẻ và không ai nghĩ mình yếu liệt tứ chi từ chuyện ăn uống nên bệnh không được phát giác. Còn lần này, vụ việc được phát hiện là do người bệnh nhập viện cùng thời điểm, có triệu chứng giống nhau và cùng ăn một loại thực phẩm. 

Mặt khác, trên thế giới độc tố Botulinum đã hiếm gặp, ở Việt Nam càng hiếm thấy hơn. Khoảng 30 năm nay, ngộ độc Botulinum mới được phát hiện thông qua việc nhiều người ăn pate chay.

Một dược sĩ cho hay, ngộ độc Botulinum hiếm gặp nên số thuốc sản xuất ít, người bệnh sử dụng không nhiều, nên giá thành cao. "Hiện thuốc giải độc giá thành quá cao khoảng 8.000 USD, thời hạn sử dụng chỉ trong 2 năm nên các công ty dược tại Việt Nam không nhập thuốc. Vừa rồi, 10 lọ thuốc dùng giải độc là Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT) mà các bệnh viện chia nhau sử dụng điều trị cho bệnh nhân là do Tổ chức Y tế thế giới hỗ trợ", vị dược sĩ này nhận định.

Trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM, một chuyên gia chống độc tại Hà Nội chia sẻ, có cảm giác “kiệt sức” khi đối mặt với tình trạng khan hiếm thuốc giải độc Botulinum. Theo đó, hiện nay, nguồn thuốc này không chỉ khan hiếm ở Việt Nam mà ngay cả trên thế giới. Tuy nhiên, giá của thuốc vẫn không phải là vấn đề chính, nguyên nhân do thuốc này quá hiếm trên thế giới nên dù Bộ Y tế, các đơn vị cùng vào cuộc tích cực nhưng tới nay vẫn chưa thể có nguồn thuốc”, vị chuyên gia này nói.

Trước trào lưu nhiều gia đình “hút chân không” thực phẩm có thể dẫn tới các vụ ngộ độc Botulinum; bà Trần Việt Nga – Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) phân tích: vi khuẩn Clostridium Botulinum sinh ra trong môi trường yếm khí. Vì thế, bất cứ sản phẩm nào đóng hộp, bảo quản trong môi trường yếm khí đều có thể sinh ra vi khuẩn này.

Không chỉ tại Việt Nam, Tổ chức Y tế thế giới cũng đã cảnh báo trên thế giới về nguy cơ ngộ độc từ trào lưu sử dụng túi "hút chân không" do không đủ điều kiện công nghệ tiệt trùng. Bà Trần Việt Nga khuyến cáo, các hộ gia đình, cơ sở sản xuất thủ công không tự đóng gói, hút chân không mà nên sử dụng đồ ăn tươi mới, bảo quan tủ lạnh trong thời gian quy định để đảm bảo an toàn.


Phạm An - Huyền Anh

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI