Bán nhà xong... “lật kèo”
Để thu hút khách, khi mở bán, dự án nào cũng vẽ lung linh hàng loạt tiện ích. Nhưng khi đã đạt được mục đích của mình, các chủ đầu tư bỏ mặc cư dân với những tiện ích chỉ có trên giấy.
Đến dự án đô thị thương mại dịch vụ Nam Long (Q.7) do Tập đoàn Nam Long làm chủ đầu tư mới thấy hết nỗi bức xúc của cư dân khi dự án đưa vào sử dụng hơn chục năm nhưng công viên vẫn còn trên giấy. Theo Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM, trước đây dự án quy hoạch đầy đủ các tiện ích: siêu thị, công viên, sân chơi cho trẻ em, khu thể dục thể thao... Tuy nhiên, khi bàn giao nhà cho cư dân, chỉ có vài hạng mục được thực hiện. Trong đó, công viên của dự án không những không thực hiện mà còn bị “xẻ thịt” làm điểm bán cà phê.
“Không biết bao nhiêu lần chúng tôi phản ánh đến chủ đầu tư. Lần nào họ cũng nói sắp làm. Nhưng chúng tôi chờ đến nay đã hơn 10 năm vẫn vậy” - Anh L. (một cư dân sống ở đây) ngán ngẩm.
|
Sau hơn 10 năm đưa vào sử dụng, công viên dự án khu đô thị thương mại dịch vụ Nam Long (Q.7) vẫn là điểm... bán cà phê |
Tương tự, tại khu dân cư Nam Long (Q.9) với hơn 1.000 hộ dân cũng do Tập đoàn Nam Long làm chủ đầu tư. Tình trạng bỏ bê tiện ích tại đây còn nghiêm trọng hơn. Các khu vực được quy hoạch công viên, khu tập thể thao, sân chơi trẻ em, hiện chủ yếu là... cỏ và rác. Theo cư dân ở đây, khu vực làm nhà trẻ hiện vẫn là khu đất trống. Sân thể dục thể thao và công viên, một phần chứa vật liệu xây dựng và một phần bỏ trống cho... bò gặm cỏ. “Trước đây tôi được biết khu dân cư quy hoạch đồng bộ mới bỏ tiền mua. Không ngờ đến nay gần sáu năm họ vẫn chưa làm gì” - ông Hữu Trí (một cư dân ở đây) phản ánh.
|
Một phần công viên dự án khu đô thị Nam Long (Q.9) là một bãi đất hoang dùng để chứa vật liệu xây dựng |
Trong khi đó, do trường học không được xây, hàng ngày cư dân ở đây phải đưa con đến nơi khác học rất vất vả. Điều đáng nói, trên nhiều trang mạng quảng cáo dự án chung cư Flora Fuji (nằm trong khu đô thị Nam Long) gần đầy, chủ đầu tư dự án này tiếp tục giở “bài cũ” khi đưa các tiện ích nội khu của khu dân cư này vào quảng cáo bán hàng.
|
Phần còn lại của công viên và khu thể thao khu đô thị Nam Long (Q.9) là nơi để... bò ăn cỏ |
Tại dự án chung cư Khang Gia Gò Vấp (số 9 đường Phan Huy Ích, P.1, Q.Gò Vấp, TP.HCM) do Công ty cổ phần đầu tư và phát triển địa ốc Khang Gia làm chủ đầu tư cũng không khác. Theo cư dân, lúc mở bán dự án được chủ đầu tư giới thiệu mật độ xây dựng có 36,7%, còn lại hệ thống công viên cây xanh, sân tập thể dục thể thao, hồ bơi, đường nội khu... Thế nhưng, đến nay đã gần hai năm đưa vào sử dụng, những khu đất để xây dựng các tiện ích trên chỉ là những bãi đất trống hoang tàn cỏ dại, ao tù nước đọng.
|
Công viên của chung cư Khang Gia Gò Vấp là một bãi đất nhếch nhác
|
|
Còn đây được xem là... hồ bơi của chung cư Khang Gia Gò Vấp |
Tại dự án The Easter City (H.Bình Chánh) do Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai làm chủ đầu tư cũng đang dính kiện tụng liên quan đến việc chủ đầu tư “lật kèo” tiện ích hồ bơi. “Khi bán hàng, nhân viên tư vấn nói rõ chung cư có hồ bơi nhưng từ khi nhận nhà vào ở đến nay gần hai năm hồ bơi chỉ là khu đất trống” - chị H. (một cư dân ở đây) phàn nàn.
Các cư dân khiếu nại, chủ đầu tư lấp liếm: “Trước đây chung cư phê duyệt nhà ở thương mại có hồ bơi, nhưng nay chuyển sang nhà ở xã hội, nên công ty có thể không cần xây dựng hồ bơi”. Tuy nhiên, đưa hợp đồng mua bán căn hộ cho chúng tôi xem, anh T. bức xúc: “Hợp đồng nêu rõ: công viên, sân tập thể thao, hồ bơi... là sở hữu chung của cư dân. Rõ ràng dự án có hồ bơi nhưng họ vẫn tráo trở”. Theo các cư dân, chủ đầu tư nhiều lần hứa xem xét lại nhưng không biết đến bao giờ xem xét xong.
Thậm chí, tại khu dân cư An Lạc - Bình Trị Đông do Công ty cổ phần xây dựng Bình Chánh làm chủ đầu tư phần diện tích công viên - thể dục thể thao còn bị chủ đầu tư mang cho thuê làm sân tennis, bãi giữ xe ô tô và quán bán cà phê...
|
Công viên, khu thể dục thể thao dự án khu dân cư Bình Trị Đông (Q.Bình Tân) thì bị "xẻ thịt" cho thuê làm quán cà phê |
Luật chưa nghiêm nhưng không phải hết “thuốc” trị
Theo Luật sư Nguyễn Văn Trương - Trưởng văn phòng luật sư Nguyễn Văn Trương, quy định hiện nay chỉ yêu cầu chủ đầu tư phải hoàn thiện hạ tầng dự án trước khi bàn giao cho cơ quan quản lý Nhà nước, không yêu cầu thời hạn hoàn thành dự án. Vì vậy, đây được xem là kẻ hở pháp luật. Việc đầu tư tiện ích phụ thuộc vào ý thức của chủ đầu tư. Đối với chủ đầu tư làm ăn đàng hoàng họ luôn đầu tư tiện ích đầy đủ để tăng uy tín trong mắt khách hàng. Nhưng với những chủ đầu tư làm ăn “chụp giựt”, khách hàng lãnh đủ.
Theo Tiến sĩ Phạm Sanh - chuyên gia giao thông đô thị, khách hàng mua nhà là mua cả phần tiện ích đã được cơ quan quản lý Nhà nước phê duyệt. Để xảy ra tình trạng trên là lỗi của đơn vị cấp phép, quy hoạch và quản lý, kiểm tra. “Các đơn vị này không chỉ biết cấp phép đầu tư, quy hoạch mà không kiểm tra việc thực hiện. Còn nếu pháp luật có kẻ hở thì phải kiến nghị khắc phục ngay, không thể xảy ra tràn lan như hiện nay” - ông Sanh nói.
Theo ông Nguyễn Văn Đực - Ủy viên Ban chấp hành Tổng hội xây dựng Việt Nam, trường hợp chủ đầu tư bán hàng xong, cố tình chây ì không thực hiện các hạng mục tiện ích theo quy hoạch, cơ quan chức năng nên kiên quyết xử lý. Dù quy định pháp luật chưa chặt chẽ nhưng cơ quan quản lý Nhà nước vẫn có biện pháp chế tài như: không tiếp tục hỗ trợ các chính sách trong đầu tư, không giao dự án mới...
Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hoàng - chuyên gia kinh tế, cảnh báo: “Các tiện ích trong dự án thường được phê duyệt căn cứ trên quy mô dự án và dân số, đảm bảo đáp ứng cơ bản cho cư dân trong dự án. Vì vậy, khi các hạng mục này không được xây dựng đầy đủ, cư dân buộc phải đến các khu vực khác để học hành, sinh hoạt, vui chơi... Nếu tình trạng này không được ngăn chặn, trong tương lai có thể tạo ra chỗ thừa, chỗ thiếu, gây mất cân bằng trong quy hoạch phát triển đô thị”.
Phan Trí - Xuân Hồng