Hết sợ... Tết!

05/02/2014 - 06:47

PNO - PNO - Không chỉ trẻ con mà ai cũng mong đến Tết. Vậy mà tôi từng có cảm giác... sợ Tết khi còn nhỏ, nỗi sợ ngày thơ ấu ấy vẫn ám ảnh cho đến giờ khi tôi đã là mẹ của hai đứa trẻ.

edf40wrjww2tblPage:Content

Ba tôi là một người cầu toàn và rất gia trưởng. Dù cuộc sống khó khăn nhưng ông luôn muốn nhà cửa sung túc đủ đầy trong mấy ngày Tết, mẹ tôi phải nhận hàng làm gia công cả ngày lẫn đêm để tăng thu nhập. Ba rất kén ăn nên không thích ăn đồ người khác nấu. Thế là dù chỉ cần hơn chục cái bánh chưng (kể cả để biếu người thân), mẹ tôi vẫn phải hì hục đãi đậu, gói bánh rồi ngồi nấu suốt đêm. Từ các món “chủ đạo” trong mấy ngày Tết như thịt kho tàu, giò thủ, khổ qua dồn thịt hay các món đồ chua như kiệu, dưa giá, dưa món... ba đều muốn mẹ làm. Thế là mẹ lại lụi cụi làm hết món này đến món khác để ba vui. Bọn tôi chỉ phụ mẹ được mấy việc lặt vặt. Phải thừa nhận mẹ nấu món nào cũng ngon nhưng thấy mẹ vất vả quá, mặt mũi mẹ bơ phờ, hốc hác, tôi cũng chẳng thấy vui và luôn thầm mong mình mau lớn để đỡ đần mẹ.

Het so... Tet!


Đến phần dọn dẹp nhà mới ngán. Nền nhà tôi thuở ấy lởm chởm, xù xì chứ đâu được lót gạch láng bóng như bây giờ. Mỗi lần rửa nhà là một cực hình với mấy mẹ con. Rồi đến giặt giũ chăn, màn, giường, chiếu… toàn giặt tay chứ đâu đã có máy giặt. Dẫu mấy thứ này vẫn được giặt giũ thường xuyên nhưng mẹ vẫn muốn tất cả phải tinh tươm trước thềm năm mới. Đi học về chị em tôi xúm vào phụ mẹ giặt giũ, phơi phóng rồi xếp cho gọn gàng. Khi ba tôi về, mọi thứ đã sạch sẽ, thơm tho đâu vào đấy. Vậy mà chẳng bao giờ ba cám ơn mẹ hay nói một câu cho mẹ mát lòng. Tôi đã từng ước mình là con trai để sau này lớn lên “sướng” như ba vậy.

Bận bịu vậy nhưng mẹ không bao giờ quên may cho chị em tôi mỗi đứa một bộ đồ mới y nhau (để chúng tôi khỏi so bì, mẹ bảo thế). Dù đồ mẹ tự may bằng những loại vải rẻ tiền nhưng chúng tôi vẫn sướng mê tơi. Vất vả vậy nên Tết năm nào cũng thế, cúng giao thừa, ông bà tổ tiên xong là mẹ tôi bệnh luôn vì... đuối! Chỉ có ba hài lòng vì nhà cửa tươm tất, đủ đầy món ngon để đãi khách, chị em tôi thì vui vì có đồ mới. Còn mẹ chẳng biết "thưởng Tết" là gì, có chăng chỉ là vui lây với niềm hạnh phúc của chồng, con.

Nghĩ lại, tôi thấy thương mẹ quá, thương cả những người vợ, người mẹ cùng thế hệ mẹ tôi, những người luôn hy sinh bản thân để lo cho gia đình mà chẳng mong nhận lại, dù chỉ là ánh mắt trìu mến của chồng hay đơn giản là hai tiếng "cảm ơn" của những đứa con.

Có người sợ Tết vì tốn kém, vì các lễ nghi, khách khứa, đãi đằng, người thì sợ... già thêm, nhưng nỗi sợ Tết như mẹ con tôi ngày xưa cũng không phải hiếm khi mà bổn phận chăm lo gia đình oằn nặng trên vai những người phụ nữ. Nay nhờ các dịch vụ hỗ trợ cũng như được các ông chồng chia sẻ bớt việc nhà, chị em tôi không còn sợ Tết nhưng kỷ niệm về những mùa Tết thời thơ ấu vẫn in đậm trong tâm trí tôi. Tuy ở riêng nhưng chị em tôi luôn tập trung về nhà mẹ ăn Tết, mọi thứ được tối giản hết mức để dành thời gian nghỉ ngơi, vui chơi, chúng tôi không phải tất bật chuẩn bị, nấu nướng rồi dọn dẹp, còn có thời gian để cả nhà du lịch đó đây. Việc du lịch trong mấy ngày Tết khiến bọn trẻ thích mê còn người lớn cũng thấy như được "sạc" lại năng lượng để có sức "cày" trong năm mới.

Het so... Tet!
Cả đại gia đình tôi đi chơi Tết

Tuy vậy, mỗi khi nghĩ về những mùa Tết trong ký ức, tôi vẫn thầm cám ơn quá khứ đã để lại trong tôi kỷ niệm êm đềm về những cái Tết truyền thống với những bài học về cách chăm lo cho mái ấm của một người vợ, người mẹ, để cuộc sống dẫu có khó khăn thì với tài vén khéo giỏi giang như những người bà, người mẹ của chúng tôi, những người thân của họ vẫn có cảm giác sống trong sự đủ đầy, sung túc, trên hết thảy là được sống giữa ngập tràn tình yêu thương của gia đình!


VI LÊ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI