Không vì lợi ích cục bộ
Quyết định tăng giá xăng dầu của Liên bộ Công thương-Tài chính với mức tăng rất cao đã dẫn đến sự lo lắng của người dân trong ngày 29/3, trong đó rất nhiều ý kiến bức xúc. Trả lời câu hỏi phải chăng vì các cơ quan chức năng không kiểm soát được buôn lậu xăng dầu nên đẩy lên vai người dân, ông Vũ Đức Đam, Bộ trưởng-Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho rằng Chính phủ đã có Nghị định về điều hành giá xăng dầu. Lần tăng giá xăng dầu này có lý do giá xăng dầu thấp hơn các nước lân cận, khiến nạn buôn lậu tăng. Hiện nay giá xăng dầu đang thấp hơn giá cơ sở và chúng ta không thể sử dụng quỹ bình ổn mãi, không thể bao cấp mãi giá xăng dầu, phải dần tiến đến giá thị trường.
Người dân phải chi tiêu nhiều hơn khi giá xăng dầu tăng cao. Ảnh chụp chiều 29/3. Ảnh: PHẠM KIM NGÂN
Cũng theo ông Vũ Đức Đam, cách đây 1 tháng, Thủ tướng đã phải triệu tập cuộc họp khẳng định chưa tăng giá xăng dầu để bảo đảm kiềm chế lạm phát, không để ảnh hưởng doanh nghiệp. Tuy nhiên, tại thời điểm này, quỹ bình ổn giá đã gần hết, giá xăng trong nước bán thấp hơn nhiều nước lân cận, vì thế bắt buộc phải tăng giá xăng dầu. Khi tăng giá xăng dầu có rất nhiều tác động. Các chuyên gia đã cảnh báo về việc cho tăng giá xăng dầu khi giá xăng dầu thế giới giảm sẽ bị người dân và công luận nghi ngờ. Điều quan trọng phải công khai, minh bạch các thông tin, kể cả về giá nhập khẩu, giá thế giới, quỹ bình ổn, doanh nghiệp đã sử dụng bao nhiêu từ quỹ bình ổn… Đề nghị Bộ Tài chính, Công thương công khai thông tin. Chính phủ bảo đảm điều hành xăng dầu theo đúng quy định, vì lợi ích chung, vì an ninh năng lượng quốc gia, không vì lợi ích cục bộ của bất cứ ai.
Với câu hỏi điều hành giá xăng dầu có giật cục không, ông Vũ Đức Đam khẳng định, việc điều hành giá xăng dầu theo Nghị định 84, do Bộ Tài chính, Công thương quản lý, theo những quy định nghiêm ngặt chứ không tự ý. “Tôi xin nhắc lại lẽ ra phải tăng từ tháng trước nhưng vì Thủ tướng yêu cầu nên chưa tăng. Quan điểm xuyên suốt, giá xăng dầu sẽ phải tiệm cận giá thị trường, vì hiện nay vẫn chưa hoàn toàn theo thị trường được nên Chính phủ phải có những giải pháp để tiến tới giá xăng dầu theo thị trường hoàn toàn”, ông Đam nói.
Cũng liên quan đến vấn đề này, dư luận đang băn khoăn là tăng giá xăng dầu có tính đến quyền lợi người dân hay không. Theo bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính, liên bộ luôn cân nhắc, hài hòa lợi ích của người dân, nhà nước, doanh nghiệp. Khi đề xuất bất cứ phương thức tăng giá nào cũng tính toán rất kỹ. Lần này, theo tính toán, liên bộ dừng sử dụng quỹ bình ổn vì đã hết. Khi tính toán đủ chi phí của xăng dầu thì thấy giá cơ sở cao hơn giá bán hiện hành.
Cụ thể, giá xăng cao hơn tới 1.430 đồng/lít, giá dầu diesel cao 362 đồng/lít, dầu lửa cao hơn 480 đồng/lít và dầu mazut cao hơn tăng 807 đồng/kg. Vì thế liên bộ quyết định điều chỉnh giá bán đúng bằng mức chênh lệch giữa giá cơ sở và giá bán xăng dầu tại thời điểm trước 20 giờ ngày 28/3, đồng thời giữ nguyên mức thuế nhập khẩu xăng dầu.
Thời gian tới, liên bộ sẽ công khai minh bạch về quỹ sử dụng bình ổn xăng dầu để nhân dân đóng góp, giám sát công tác điều hành giá xăng dầu.
Chưa phạt xe không chính chủ
Vấn đề xử phạt xe không chính chủ tiếp tục được đặt ra tại phiên họp báo lần này, đặc biệt khi người dân đang lo ngại thời điểm xử phạt của Bộ Công an đối với vi phạm này sẽ là 15/4.
Ông Vũ Đức Đam cho biết sau khi có lùm xùm về việc công an xử phạt người điều khiển phương tiện không chính chủ, Chính phủ đã chấn chỉnh, yêu cầu tạm dừng việc xử phạt xe không chính chủ. Tuy nhiên, quan điểm của Chính phủ việc xử phạt hành vi không đăng ký phương tiện là cần thiết vì đó vừa là tài sản vừa là phương tiện tham gia giao thông vừa có thể là phương tiện phạm tội.
Đến lúc này, các cơ quan chức năng đều cho rằng cần phải đăng ký chính chủ các phương tiện và xử phạt nếu vi phạm. Chính phủ đã chỉ đạo các bộ phải có giải pháp để chấn chỉnh tình trạng buông lỏng quản lý đăng ký chủ phương tiện lâu nay (hiện ước tính có trên 10 triệu phương tiện xe máy không chính chủ). Hiện đã thay đổi về thủ tục đăng ký chính chủ, giảm mức phí trước bạ. Để thực hiện chuyển đổi hết trên 10 triệu phương tiện phải có thời gian. Trong quá trình đó vẫn phải thực hiện chế tài để ngăn chặn các chủ phương tiện đăng ký mới vi phạm, nhưng mục tiêu không gây khó khăn cho người dân.
Trước quan điểm khác nhau của Bộ Công an, Bộ GTVT về xử phạt xe không chính chủ, ông Vũ Đức Đam cho hay, hiện nay 2 bộ đang phối hợp để trình Chính phủ dự thảo Nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông. Khi 2 bộ trình, Chính phủ sẽ xem xét quyết định. “Hiện nay dự thảo đang trong quá trình lấy ý kiến, Chính phủ luôn xem xét ý kiến của nhân dân. Văn phòng Chính phủ đã chuyển ý kiến của công luận đến Bộ Công an. Bộ Công an khẳng định không phải xử phạt để nhân dân lo lắng mà là hướng đến ngăn chặn các vi phạm mới phát sinh”, ông Vũ Đức Đam khẳng định.
Trả lời về việc Chính phủ bảo vệ ngư dân bị xâm hại như thế nào, ông Vũ Đức Đam cho biết khi xảy ra vụ việc tàu ngư dân bị bắn cháy, Bộ Ngoại giao đã có ý kiến chính thức. Việt Nam phản đối các hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm quy ước ứng xử trên biển Đông. Chính phủ có nhiều chủ trương để hỗ trợ nông dân nói chung, trong đó có ngư dân. Những rủi ro khi bà con đánh bắt trên biển rất nhiều, kể cả do thiên tai hoặc do các hành vi khác. Chính phủ chủ trương hỗ trợ bà con khi gặp những rủi ro đó...
Giá cước vận tải nhấp nhỏm tăng Chiều 29/3, ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội taxi TPHCM, Phó Tổng GĐ Công ty Vinasun cho biết xăng dầu bất ngờ tăng, doanh nghiệp vận tải sẽ gặp khó khăn nếu không tăng giá cước. Tuy nhiên, hãng Vinasun taxi quyết định không tăng giá cước taxi trong thời điểm hiện nay, dù giá xăng tăng đến 1.430 đồng/lít. “Trước mắt, doanh nghiệp sử dụng các nguồn quỹ để bù đắp vào khoản chênh lệch do giá nhiên liệu tăng. Tuy nhiên, nếu tình hình giá xăng vẫn tiếp tục ở mức cao kéo dài hoặc biến động tăng giá tiếp doanh nghiệp phải xem xét điều chỉnh giá cước taxi - ông Tạ Long Hỷ nói. Đối với các hãng taxi khác như Mai Linh, Hoàng Long, Vina… hiện tại vẫn chưa tăng giá cước, nhưng nếu giá xăng ở mức như hiện nay kéo dài thì các đơn vị này sẽ xem xét tính toán lại chi phí. Tuy nhiên, nhiều DN vận tải tại TPHCM đang tính toán phương án tăng giá cước vận tải. Các DN vận tải cho rằng, lần tăng giá xăng dầu này đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động vận tải khách liên tỉnh. Song do giá dầu vẫn còn thấp hơn giá xăng 1.000 đồng/lít nên để cạnh tranh các DN vận tải khách tại các bến xe đang thăm dò lẫn nhau trong việc tăng giá vé. |
Theo SGGP