Hết nhiều loại vắc xin cho trẻ, phụ huynh lo lắng

03/10/2022 - 06:30

PNO - Tình trạng tạm thời hết cả vắc xin COVID-19 lẫn nhiều loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em khiến phụ huynh lo lắng.

Hết vắc xin COVID-19 cho trẻ em

Ông Nguyễn Hồng Tâm - Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) - cho biết tuần qua, tỷ lệ tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ ở TPHCM không tăng nhiều do vắc xin COVID-19 đã hết khoảng 10 ngày nay. Thông tin này đã được TPHCM báo cáo Bộ Y tế và đang chờ giải quyết.

Trong thời gian này, TPHCM có xin điều chuyển từ Đồng Nai 13.700 liều để tiếp tục tiêm cho trẻ. Hiện, tỷ lệ tiêm vắc xin COVID-19 mũi 1 ở trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi ở TPHCM là 62,4%, trung bình cả nước là 88,6%. Mũi 2 của trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đạt 34,9%, trung bình cả nước là 69%. Mũi 3 ở trẻ từ 12-17 tuổi đạt 34,6%, trung bình cả nước là 57,4%. TPHCM đã làm mọi biện pháp để đảm bảo nhiều trẻ em nhất có thể được tiêm. Trong đó có việc tổ chức cả những xe tiêm lưu động để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho trẻ đi tiêm vắc xin. 

Học sinh Trường THCS Hồng Bàng (Q.5, TP.HCM) (từ 5-12 tuổi) tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 - ẢNH: PHẠM AN
Học sinh Trường THCS Hồng Bàng (quận 5, TPHCM) (từ 5-12 tuổi) tiêm vắc xin ngừa COVID-19 - Ảnh: Phạm An

Không riêng TPHCM, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế) thừa nhận hiện nay đang có tình trạng thiếu vắc xin cục bộ tại một số địa phương. Nguyên nhân là do một số địa phương trước đó đã đăng ký số lượng vắc xin thấp hơn nhiều so với nhu cầu. Vì vậy, khi thực tế phát sinh nhu cầu lớn hơn đã dẫn đến việc một số nơi thiếu vắc xin.

Ngoài ra, với vắc xin Moderna (liều 0,25ml) tiêm cho trẻ 6-11 tuổi, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương khẳng định đã phân bổ đủ cho các địa phương như kế hoạch triển khai, ưu tiên tiêm mũi 2 cho trẻ từ 6-11 tuổi đã tiêm mũi 1 cùng loại. Tuy nhiên, trong thực tế triển khai, nhiều gia đình có trẻ đã tiêm mũi 1 là vắc xin Moderna không đưa trẻ đi tiêm tiếp mũi 2 hoặc trẻ bị ốm, mắc COVID-19 nên phải hoãn tiêm. Trong khi đó, vắc xin Moderna chỉ được sử dụng tối đa trong 30 ngày kể từ khi rã đông nên nhiều địa phương đã sử dụng để tiêm nhắc cho người lớn. 

Để khắc phục tình trạng trên, tính đến cuối tháng 8/2022, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho hay hiện cần 7,8 triệu liều vắc xin cho người từ 12 tuổi trở lên. Việt Nam đã có kế hoạch vận động 1,2 triệu liều Pfizer từ cơ chế COVAX, 4,2 triệu liều Pfizer từ Chính phủ Úc thông qua UNICEF và 2,36 triệu liều vắc xin AstraZeneca từ VNVC. Nhu cầu vắc xin cho trẻ 5-11 tuổi cần bổ sung 0,6 triệu liều, trong đó gồm 0,3 triệu liều vắc xin Moderna; đã có kế hoạch vận động 130.000 liều từ ASEAN, 600.000 liều từ COVAX.

Tính từ 12/9 đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận 4,2 triệu liều vắc xin COVID-19 Pfizer. Tại hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố về tăng cường công tác tiêm phòng vắc xin COVID-19 cuối tuần qua, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết sẽ sớm chuyển vắc xin Pfizer sẵn có cho các địa phương và đề nghị các đơn vị thúc đẩy công tác tiêm chủng trong tháng 10, tháng 11. Viện cũng đề nghị các địa phương tăng cường công tác quản lý vắc xin, lập kế hoạch sử dụng và đề xuất điều chuyển vắc xin sớm nhằm kịp thời điều phối hiệu quả cho các đơn vị khác có nhu cầu. 

Nhiều loại vắc xin tiêm chủng mở rộng cũng hết

Không chỉ riêng vắc xin COVID-19, hiện nay nhiều loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ cũng hết. 

Trước đó, ngày 31/8, Viện Pasteur TPHCM cho biết kho vắc xin của viện này đã hết vắc xin sởi liều đơn và vắc xin DPT (bạch hầu, ho gà, uốn ván). Còn theo Sở Y tế thì từ tháng 5/2022, HCDC chưa nhận được vắc xin sởi và vắc xin DPT. Sau đó HCDC được Viện Pasteur TPHCM chuyển cho 6.000 liều vắc xin DPT nhưng tới nay số vắc xin này cũng đã được sử dụng hết. Sở Y tế TPHCM sau khi nhận được thông tin về tình trạng hết vắc xin sởi và vắc xin DPT từ các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn đã gửi văn bản báo cáo Bộ Y tế để sớm được phân bổ số lượng vắc xin cần thiết. 

Tại Đồng Nai, thạc sĩ Trần Ngọc Quang - Phó giám đốc CDC - cho biết, tính đến hết tháng 9/2022, Đồng Nai đang hết các loại vắc xin sởi, DPT, viêm não Nhật Bản, BCG (ngừa lao). Ngoài ra các loại vắc xin khác như OPV (bại liệt), MR (sởi - rubella) cũng đã hết ngay tại kho của khu vực phía Nam (đặt tại Viện Pasteur TPHCM, đơn vị này phụ trách phân phối vắc-xin cho 20 tỉnh thành phía Nam). “Chúng tôi liên hệ với Viện Pasteur TPHCM về thời gian có lại các loại vắc xin này thì vẫn chưa nhận được câu trả lời cụ thể. Khi nào vắc xin về kho, họ sẽ cấp ngay cho các tỉnh, thành” - ông Trần Ngọc Quang chia sẻ.

Trong các loại vắc xin đang hết hàng thì việc hết vắc xin sởi là lo ngại nhất. Suốt bốn tháng nay, loại vắc xin này đã không còn và vẫn chưa biết khi nào có lại. 

Bác sĩ Nguyễn Thi Văn Văn - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Long Thành (Đồng Nai) - phân tích: Không có loại vắc xin nào có thể thay thế vắc xin sởi để tiêm cho trẻ từ 9-12 tháng. Ngặt nỗi, loại vắc xin đơn này lại chỉ có trong chương trình tiêm chủng quốc gia, vắc xin dịch vụ không có. “Thiếu vắc xin DPT có thể thay thế bằng tiêm vắc xin 5 trong 1, còn thiếu vắc xin sởi là chịu thua. Nhiều phụ huynh đã bế con đi khắp nơi để hỏi tiêm nhưng không có. Chúng tôi không dám hẹn thời gian cụ thể để người dân quay lại tiêm vì không biết khi nào có vắc xin trở lại” - bác sĩ Văn nói.

Hết vắc xin sởi, đồng nghĩa với khoảng gần 2.500-2.600 trẻ từ 9-12 tháng của huyện Long Thành đang phải chờ đợi trong sự lo lắng của phụ huynh. Trong tình hình này, các bác sĩ đành phải khuyến cáo những trẻ được 12 tháng tuổi cần đi tiêm vắc xin sởi - quai bị - rubella dịch vụ hoặc tiêm sởi - rubella trong chương trình tiêm chủng mở rộng sớm. Nếu trước đây, trẻ từ 16-18 tháng tuổi mới tiêm sởi - rubella thì nay rút xuống chỉ cần đủ 12 tháng tuổi là tiêm để bảo vệ trẻ khỏi bệnh sởi. 

Tình trạng hết nhiều loại vắc xin cùng lúc khiến kết quả tiêm ngừa trong chương trình tiêm chủng mở rộng của Đồng Nai không đạt mục tiêu. Trong số 11 huyện, thành phố, chỉ có ba địa phương là Định Quán, Vĩnh Cửu và TP.Long Khánh đạt từ 1-3 trong tổng số 13 chỉ tiêu về kết quả tiêm chủng các loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Tám địa phương còn lại không đạt bất kỳ chỉ tiêu nào về tỷ lệ tiêm chủng. 

Vắc xin sởi và DPT có sẵn nhưng vướng thủ tục

Tình trạng thiếu vắc xin sởi và DPT bắt đầu từ tháng 8. Đây là hai vắc xin trong nước, cung ứng theo đặt hàng để sản xuất. Cụ thể, vắc xin sởi do Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vắc xin và sinh phẩm y tế (POLYVAC) sản xuất; vắc xin DPT do Viện Vắc xin và sinh phẩm y tế (IVAC) đảm trách. Hiện, các nhà cung cấp này đều có sẵn vắc xin trong kho song không thể mua bán, cung ứng.

Lý giải về điều này, Bộ Y tế cho biết có vướng mắc theo quy định của pháp luật về giá và đặt hàng. Cụ thể, các đơn vị sản xuất phải xây dựng phương án giá vắc xin năm 2022 để Bộ Y tế thẩm định, gửi Bộ Tài chính xem xét, phê duyệt, làm cơ sở thanh, quyết toán theo quy định. Sau khi báo chí phản ánh, Bộ Y tế đã có thông tin yêu cầu các đơn vị thúc đẩy khẩn trương thủ tục để sớm có đủ vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

Ngày 2/10, trả lời Báo Phụ Nữ TPHCM, đại diện của một doanh nghiệp (DN) sản xuất vắc xin tham gia vào chương trình tiêm chủng mở rộng cho biết, trong tuần qua, các đơn vị đã trình phương án giá lên Bộ Y tế để xét duyệt hồ sơ. “Sau khi các DN gửi phương án giá, Bộ Y tế tiến hành xét duyệt rồi chuyển lên Bộ Tài chính. Với quyết tâm, nỗ lực giải quyết của Bộ Y tế hiện nay, chúng tôi hy vọng có thể hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để cấp vắc xin cho chương trình tiêm chủng mở rộng trong tháng 10 và 11 này” - đại diện DN nói.

Trước đó, trao đổi với báo chí, đại diện của Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế) cho biết, bộ này còn tính tới phương án mượn tạm vắc xin của các DN để dùng trước, sau đó Bộ Tài chính phê duyệt giá nào, các đơn vị liên quan sẽ thực hiện. 

Hiện TPHCM đang điều trị cho 147 bệnh nhân COVID-19. Trong đó, 11 trường hợp là trẻ dưới 16 tuổi. Tính đến ngày 28/9, TPHCM đã tổ chức tiêm mũi 1 là 8.684.922 liều, mũi 2 là 7.730.804 liều, mũi bổ sung là 689.509 liều, mũi nhắc lại lần 1 là 4.787.673 liều, mũi nhắc lại lần 2 là 1.506.028 liều. 


Huyền Anh - Thanh Huyền - Gia Huy

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI