Hết mình cho công việc nhưng đừng để bản thân kiệt sức

18/05/2024 - 06:33

PNO - Chọn công việc mà bản thân thấy có ý nghĩa, quan trọng với xã hội và đem lại giá trị tích cực có thể là một trong những mục tiêu nghề nghiệp quan trọng nhất của nhiều người.

Chọn công việc mà bản thân thấy có ý nghĩa, quan trọng với xã hội và đem lại giá trị tích cực có thể là một trong những mục tiêu nghề nghiệp quan trọng nhất của nhiều người.

Tuy nhiên, theo tiến sĩ Andreana Drencheva - giảng viên cao cấp về khởi nghiệp tại Trường King's College London (Anh) - chọn công việc mà bạn đam mê có thể dẫn đến bạn sẽ đặt quá nhiều ý thức về bản thân vào đó. Điều này có thể dẫn đến căng thẳng cho sức khỏe tinh thần cũng như các mối quan hệ cá nhân.

Một giáo viên nhiệt huyết có thể tự nguyện đảm nhận thêm những công việc không được trả lương và hy sinh cuộc sống cá nhân của mình -  Ảnh: iStock/Edwin Tan
Một giáo viên nhiệt huyết có thể tự nguyện đảm nhận thêm những công việc không được trả lương và hy sinh cuộc sống cá nhân của mình - Ảnh: iStock/Edwin Tan

Cô Drencheva giải thích: những người sở hữu ý thức mạnh mẽ về ý nghĩa từ công việc có khả năng tự nhận thức quá mức về vai trò nghề nghiệp của mình. Điều này nghĩa là họ chỉ coi danh tính của mình là người làm công việc đó và giá trị của họ chỉ đến từ công việc.

Lối suy nghĩ này thường dẫn đến sự cam kết và cống hiến cao của người lao động cho tổ chức nhưng đồng thời tạo ra những ranh giới lỏng lẻo giữa cuộc sống cá nhân và công việc. Kết quả, cá nhân có thể phải hy sinh giấc ngủ, sở thích, các mối quan hệ và việc cơ thể không có thời gian phục hồi dần dẫn đến kiệt sức, căng thẳng mãn tính.

Bên cạnh đó, bản thân nhân viên cũng có xu hướng sẵn sàng hy sinh nếu họ cho rằng công việc của mình mang ý nghĩa sâu sắc. Từ đó họ sẽ chịu đựng những điều kiện làm việc tồi tệ hoặc những yêu cầu vô lý như làm thêm không lương.

Kết quả được đăng trên Tạp chí Tâm thần học châu Âu vào năm 2018 của một nhóm nghiên cứu từ Ireland chỉ ra nguy cơ đặc biệt dẫn đến kiệt sức ở những người làm công việc chăm sóc sức khỏe, nhân viên xã hội, giáo viên, huấn luyện viên và người chăm sóc trực tiếp.

Họ có xu hướng ưu tiên nhu cầu của người khác hơn nhu cầu của bản thân. Nhiều người trong số này cũng dễ bị tổn thương trước một hiện tượng gọi là “đau khổ đồng cảm” - vốn phát sinh khi bạn dành nhiều thời gian chăm sóc những người đang gặp khó khăn.

Làm công việc có ý nghĩa là cơ hội để một người xác thực những giá trị và niềm tin của mình. Tuy nhiên, theo thời gian, nó có thể dẫn đến sự xói mòn ý thức về bản thân đích thực.

Ví dụ, việc theo đuổi công việc ý nghĩa có thể dẫn đến những tình huống khó xử khi kỳ vọng hoặc thực tiễn tại nơi làm việc xung đột với các nguyên tắc đạo đức cá nhân, đặc biệt là trong môi trường thương mại.

Việc kìm nén các giá trị của chính mình có thể dẫn đến cảm giác tội lỗi, xấu hổ và thất vọng. Mặt khác, những trở ngại và thất bại trong công việc có thể gây ra sự nghi ngờ về khả năng chuyên môn, mục đích và giá trị bản thân.

Trên thực tế, các tổ chức có thể vô tình hoặc cố ý khai thác sự cống hiến của những người coi trọng công việc. Người chủ có thể mong đợi nhân viên làm việc nhiều giờ, đảm nhận thêm trách nhiệm hoặc chấp nhận mức lương thấp hơn so với tiêu chuẩn thị trường. Công việc ý nghĩa có thể được dùng làm cái cớ cho các quyết định đầu tư không thỏa đáng vào con người và điều kiện làm việc.

Cô Andreana Drencheva kết luận: "Các tổ chức cần phát triển nền tảng về điều kiện làm việc, lấy sự tôn trọng, quan tâm và công bằng làm trung tâm để tránh bóc lột con người và làm tổn hại đến phúc lợi của họ".

Linh La

(theo The Conversation, CNA, Bored Teacher, Healio, TIME)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI