Hết 'giải cứu' người nuôi heo lại phải 'giải cứu' người tiêu dùng

01/10/2018 - 06:00

PNO - Khoảng một tháng trở lại đây, những bà nội trợ “méo mặt” vì giá thịt heo tăng gần gấp đôi. Một khi NTD phải chi tiêu tốn kém gấp đôi thì không thể cho rằng đó là tin vui đối với người chăn nuôi được...

Đã “giải cứu” cho người nuôi…

Câu chuyện về việc “giải cứu” thịt heo chúng ta từng biết là cuộc làm việc của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường với Samsung Việt Nam cuối tháng 4/2017, đề nghị doanh nghiệp này tăng cường sử dụng thịt heo cho các bữa ăn công nhân.

Lần đó, Bộ trưởng kêu gọi “giải cứu” nhằm giúp cho người nuôi heo khi giá thịt heo trên thị trường giảm kỉ lục, hay còn gọi là “đại khủng hoảng” về nguồn cung. Nhiều “trung tâm” chăn nuôi như Bình Định, Bắc Ninh… heo bị quá lứa và dồn ứ không thể xuất chuồng.

Het 'giai cuu' nguoi nuoi heo lai phai 'giai cuu' nguoi tieu dung
Năm 2017, Việt Nam trải qua một cuộc khủng hoảng thừa thịt heo khiến người chăn nuôi lao đao vì giá giảm kỷ lục

Cuộc khủng hoảng thừa này kéo dài mãi đến cuối quí III/2017. Và cuối năm đó, người dân Việt Nam có một năm ăn Tết Nguyên đán được hưởng giá thịt heo rẻ.

Tất nhiên, được lợi về giá cho người tiêu dùng thì lại thiệt cho người chăn nuôi. Thị trường hàng hóa nông sản và chăn nuôi của Việt Nam hàng chục năm qua vẫn hay xảy ra tình trạng không hài hòa được lợi ích như vậy.

Khoảng một năm rưỡi đến một năm về trước là thế. Còn bây giờ, tình thế đảo ngược hoàn toàn, người tiêu dùng đang phải trả với mức giá cao gấp đôi một năm về trước cho mỗi kg thịt heo.

Giá thịt heo hiện nay tăng vì nhiều nguyên nhân: Thứ nhất là đàn heo bị thu hẹp sau đợt khủng hoảng thừa kéo dài trong năm 2017 và hệ lụy của nó lan sang cả đầu năm 2018.

Thứ hai, thịt heo ngoại nhập từ các nguồn như Ba Lan, Hungary, Mỹ… có mức giá rẻ hơn thịt heo nội địa khá nhiều đang bị đứt nguồn nhập, vì thế càng khiến cho tình trạng cung không đủ cầu thêm căng, đẩy giá thịt heo tăng cao.

Vậy liệu có cuộc “giải cứu” cho người tiêu dùng?

Với thị trường thịt heo, giá cả cao thấp hẳn nhiên là quan trọng nhất. Song đối với một ngành, lĩnh vực, quan trọng nhất là sự quy hoạch, quản lý ngành đó, và giá cả chỉ là hệ quả. Bài toán cung-cầu thuộc về quy hoạch ngành, sự điều tiết và thậm chí là điều phối từ cơ quan quản lý ngành từ trung ương đến địa phương.

Và cũng hẳn nhiên là, nguồn cung thịt heo hiện không đáp ứng nhu cầu, cũng có sự liên quan tới cuộc “giải cứu” người nuôi heo từ năm 2017. Đó là cuộc “giải cứu” trên diện rộng, kêu gọi rất nhiều không chỉ đối với các tổ chức, doanh nghiệp và cả người dân.

Het 'giai cuu' nguoi nuoi heo lai phai 'giai cuu' nguoi tieu dung
Khoảng một tháng trở lại đây, những bà nội trợ “méo mặt” vì giá thịt heo tăng gần gấp đôi

Chỉ “giải cứu” một chiều mà thiếu sự tính toán điều tiết nhằm duy trì đàn heo đáp ứng cho nhu cầu của năm sau. Chạy theo “giải cứu” xong, các đàn heo ở nhiều trung tâm chăn nuôi bị thu hẹp, nhưng cơ quan quản lý ngành lại không lường được mặt trái này của cuộc “giải cứu”, vì thế hệ lụy của nó là gây ra tình trạng cung không đủ cầu khiến giá thịt heo tăng cao như hiện nay.

Để bây giờ, lại phải tính đến một cuộc “giải cứu” thứ hai khi trong khoảng một tháng trở lại đây, những bà nội trợ đang “méo mặt” vì giá thịt heo tăng gấp đôi. Trách nhiệm liên quan ở đây không phải là túi tiền hay đồng lương của họ nữa, mà chính là công tác quy hoạch, điều tiết về số lượng đàn heo trước nhu cầu hàng ngày của người tiêu dùng.

Khi người tiêu dùng đang phải chi tiêu tốn kém gấp đôi cho nhu cầu tiêu dùng thịt heo hàng ngày thì không thể cho rằng đó là tin vui đối với người chăn nuôi được. Một thị trường phát triển, tăng trưởng lành mạnh và bền vững luôn cần sự hài hòa lợi ích giữa bên sản xuất/cung cấp/cung ứng với bên tiêu dùng/tiêu thụ. Khi cán cân này bị lệch quá mức, thì một trong hai bên chắc chắn bị thiệt hại, tổn thương.

Thụy Lâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI