Hết dịch, về quê thôi, nhớ cha mẹ lắm rồi!

10/10/2021 - 05:59

PNO - Nhờ dịch, tôi biết được ý nghĩa của cụm từ “cho đi và nhận lại”. Đây chính là một phần quan trọng giúp tôi có thể vượt qua khó khăn.

Nguyễn Thị Bích Phương - sinh viên Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) - ở trọ tại Đồng Nai:

“Gần 128 ngày tôi ở Đồng Nai, đã từng thiếu thông tin, thiếu đồ ăn, thiếu tiền bạc… nhưng chưa từng thiếu tình thương”, Phương vui vẻ chia sẻ.

Rồi cô hào hứng khoe: “Tôi được nhiều người hỏi thăm, từ gia đình, thầy cô, tới bạn bè, qua tin nhắn, điện thoại hay video call. Tôi còn nhận được khẩu trang, thuốc, đồ ăn từ những người không quen biết. Nhờ mùa dịch, tôi mới biết rất nhiều người đã và đang quan tâm mình, lo lắng cho mình.

Tôi làm tình nguyện viên online, tham gia một dự án hỗ trợ cộng đồng, kết nối với những người đang gặp khó khăn trong dịch bệnh với các nhà chuyên môn. Và nhờ dịch, tôi biết được ý nghĩa của cụm từ “cho đi và nhận lại”. Đây chính là một phần quan trọng giúp tôi có thể vượt qua khó khăn”.

Phương cho biết, cô chọn cách giải tỏa căng thẳng bằng hát hò, ăn uống hợp lý, lắng nghe bản thân mình nhiều hơn.

Nguyễn Thành Đạt - nhân viên đăng kiểm một công ty sản xuất bồn tại Bình Dương

Đạt kể về việc anh kẹt lại Bình Dương: “Tôi nhận một công việc tại Bình Dương thông qua thầy hướng dẫn luận văn tốt nghiệp để bắt đầu học việc và thực tập. Trước đây tôi ở trọ tại TP.HCM, nhưng việc di chuyển mất nhiều thời gian nên tôi quyết định chuyển tới Bình Dương để tiện đi làm.

May mắn, công ty tôi vẫn hoạt động bình thường với mô hình “ba tại chỗ”. Tôi được lo ăn uống và có công việc trong thời gian này đồng thời thân thiết hơn với đồng nghiệp”. 

Đạt tâm sự: “Khi dịch bệnh bùng phát tại quê nhà, tôi rất lo cho sức khỏe của ba mẹ. Điều tôi mong muốn nhất là dịch bệnh qua, mọi người quay về với cuộc sống ổn định bình thường và tôi sẽ về quê ngay để thăm gia đình”. 

Nguyễn Thị Xuân Hồng - nhân viên công ty truyền thông, ở trọ tại Q.7, TP.HCM

Hồng chia sẻ: “Ngày thành phố chuẩn bị giãn cách, tôi đã chần chừ việc có về quê không. Cuối cùng, tôi quyết định ở lại làm việc chăm chỉ để đỡ đần cho cha mẹ. Tôi sống cùng người bạn thân.

Mỗi ngày, chúng tôi đều nghĩ là hôm nay ăn gì, “sáng tạo” món ăn từ các nguyên liệu đơn giản. Thành viên thứ ba trong nhà là một bé mèo tên Mon, luôn tạo ra tiếng cười cho căn phòng trọ nhỏ”.

Hồng cho biết: “Thật ra, tôi cũng có lúc thấy chán, vì tôi thuộc típ người thích đi, nhưng nghĩ lại thì đây là khoảng thời gian tuyệt vời để sống chậm lại, biết trân trọng người bên cạnh, và có thời gian để hiểu bản thân mình hơn”.

Hồng nói về dự định sau khi hết dịch: “Sau dịch thì việc đầu tiên là tôi chạy về quê thăm gia đình. Chưa bao giờ tôi xa mẹ lâu đến thế”.

Hà Tâm Nhâm - kế toán doanh nghiệp mua bán và xuất khẩu mật ong tại TP.HCM.

Nhâm cho biết: “Ở nhà, quanh quẩn trong bốn bức tường, tôi cũng thấy khó chịu, nhưng cứ nằm lì ra giường cũng rất mệt và nhàm chán, nên tôi phải tự tạo niềm vui.

Mạng xã hội bây giờ phong phú, nhiều cách để liên lạc với người thân. Tôi hay gọi cho cha mẹ, một phần để biết tình hình gia đình ở quê, phần nữa để nghe thấy tiếng con, cha mẹ tôi bớt lo lắng. Tuy nhiên, nguồn thu nhập không ổn định cộng thêm tiền trọ, tiền điện nước và nhiều chi phí phát sinh… đó là điều khiến tôi phải suy nghĩ nhiều”.

Khi được hỏi sẽ làm gì sau khi hết dịch, Nhâm trả lời ngay rằng cô sẽ đến công ty để ổn định lại công việc. Cô mong được gặp bạn bè, cùng đi ăn, đi chơi rồi xem phim, và về thăm nhà ngay khi có thể, vì cũng đã bảy, tám tháng, Nhâm không gặp được cha mẹ. 

Châu Ngọc Trâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI