Bộ phim Thương ngày nắng về phần 2 phát sóng tối qua tiếp tục đem đến những uất ức mới dành cho nhân vật Khánh (Lan Phương đóng): bị chị chồng mượn đồ không xin phép, bị mẹ chồng tiếp tục chì chiết, bị chồng để lại món nợ 240 triệu.
Trước đó, kể từ tập 11 khi Khánh phát hiện chị chồng là Thương ngoại tình, khán giả đã bắt đầu ngán ngẩm với hàng loạt những bi kịch mà biên kịch đổ với nhân vật Khánh. Từ việc bị mẹ chồng là bà Hiền đòi lại 500 triệu đồng từng cho mượn mua nhà, ép bán nhà trả nợ thay chị chồng cho đến bị mẹ chồng và chị chồng ngang nhiên kéo đến nhà ở ké lại còn hoạnh họe.
|
Việc Khánh nhẫn nhịn chịu đựng hết mẹ chồng đến chị chồng làm khán giả ức chế |
Những hành động, suy nghĩ vô lý của bà Hiền, của Thương và sự chịu đựng của Khánh kéo dài suốt 7-8 tập phim làm người xem bức xúc. Trong trích đoạn giới thiệu tập 20 phát sóng tối nay, 17/5, còn cho thấy Khánh hứng chịu bi kịch khủng khiếp hơn khiến hôn nhân Khánh-Đức có nguy cơ tan vỡ. Đó là việc Khánh bị Mạnh, nhân tình của Thương sàm sỡ trong khách sạn.
Xâu chuỗi nhiều tình tiết trước đó, khán giả đều chắc chắn đây là bẫy của Thương bày ra nhằm đuổi Khánh ra khỏi nhà. Tình tiết mới nhất này cho thấy biên kịch đã đẩy cuộc đời Khánh đến tận cùng bi kịch.
|
Hình ảnh bị rò rỉ cho thấy Khánh sắp bị nhân tình của Thương làm nhục thật sự gây sốc |
Phim Chồng cũ vợ cũ người yêu cũ mới lên sóng cũng có công thức tạo kịch tính bằng mâu thuẫn gia đình y như Thương ngày nắng về 2. Chỉ khác thay vì xung đột mẹ chồng-con dâu, chị chồng-em dâu thì đây là cuộc chiến giữa mẹ kế (Giang), con riêng (Mai Anh), mẹ vợ (bà Thanh), con riêng. 6 tập phim trôi qua, nội dung chỉ xoay quanh những tình huống con riêng xúc phạm mẹ kế nhưng việc xây dựng cách hành xử hỗn láo, trẻ con của Mai Anh không phù hợp với một nhân vật đã là sinh viên nên càng xem càng khó chịu. 2 tập gần nhất đưa mâu thuẫn này lên cao bằng việc xuất hiện thêm nhân vật bà Thanh, mẹ Giang, ở quê lên có hàng loạt những lời nói, hành động thiếu ý nhị khiến cô bé thêm ghét mẹ kế.
|
Phim Chồng cũ vợ cũ người yêu cũ 6 tập đã phát chỉ quẩn quanh mâu thuẫn mẹ kế con riêng của chồng |
Phim truyền hình Việt thuộc thể loại tình cảm, đặc biệt những phim có phần 1 phần 2 thường rơi vào cảnh dài dòng, khai thác bi kịch gia đình quá đà. Phần 1 của Thương ngày nắng về đem đến câu chuyện tình cảm mẹ con trong gia đình, có lúc hài hước, có lúc xúc động nhưng mang tính giải trí nhẹ nhàng, nhân văn. Sang đến phần 2, những đoạn về nhân vật bà mẹ chồng, bà Hiền được nhắc đến quá nhiều làm thay đổi hẳn không khí bộ phim theo hướng tiêu cực.
Tên phim Chồng cũ vợ cũ người yêu cũ phần nào hứa hẹn phim dồn dập nhiều "drama" nhưng những tình huống đã diễn ra không hấp dẫn, lộ rõ sự tham cao trào.
|
Có vẻ biên kịch thấy kịch tính chưa đủ nên hai tập gần đầy thêm vào mâu thuẫn mới giữa mẹ của Giang với Mai Anh |
Không chỉ phim đề tài gia đình mới sa đà vào chuỗi bi kịch tình cảm mà kể cả phim chủ đề hình sự như Bão ngầm cũng bắt đầu lạm dụng mâu thuẫn tình cảm để tạo cao trào. Kể từ tập 43, khi công an cài Hạ Lam tiếp cận bác sĩ Hùng, em trai của đại gia Quách Đại Đức hòng điều tra Quách Đại Đức có phải đứng sau vụ buôn bán 2.000 bánh ma túy thì đến nay, phim làm người xem hết kiên nhẫn theo dõi vì chỉ lan man khai thác chuyện tình tay ba, tay tư của Hải Triều - Hạ Lam - Hùng - Hải Yến nhưng kéo đến mười mấy tập, mà những tình huống đưa ra đều thiếu thuyết phục.
|
Việc công an "chìm" Hạ Lam âu yếm đối tượng đang tiếp cận khiến khán giả ngỡ ngàng |
Nhân vật chính Hải Triều được xây dựng là trinh sát bản lĩnh, tài giỏi nhưng chỉ vì ghen tuông lãng xẹt với Hạ Lam khi cô đang làm nhiệm vụ mà tự đẩy bản thân vào hoàn cảnh “lên giường” với đồng nghiệp Hải Yến. Sau đó, anh cũng không tỏ thái độ dứt khoát với Hải Yến nên càng khiến Hạ Lam hiểu lầm dẫn đến chia tay.
Về phần Hạ Lam, cô cũng được miêu tả là nữ cảnh sát giỏi nghề nhưng lại sai nghiệp vụ khi để nảy sinh tình cảm với đối tượng mình đang tiếp cận điều tra. Hải Yến cũng phá tan hình ảnh công an khi ăn vận hở hang, tìm mọi cách quyến rũ người yêu của bạn thân.
Thực tế vẫn có những công an tha hóa trong tư tưởng, hành động nhưng cách xây dựng tình huống để nhân vật Hạ Lam, Hải Yến bộc lộ điều đó vô lý, gượng ép, thiếu thực tế. Nhất là phân đoạn Lam chứng kiến Hải Triều gần gũi Hải Yến hay đoạn Hạ Lam vào thăm người bệnh nhưng nằm lên giường bệnh nhân, mở nút áo khoe vai trần và âu yếm bác sĩ Hùng.
|
Suy nghĩ, việc làm trơ trẽn của nhân vật Hải Yến trong Bão ngầm gây mất thiện cảm về người nữ công an |
Với đặc trưng phim dài tập nên phim truyền hình cần tạo cao trào để giữ chân khán giả, nhưng cách tạo cao trào trong những phim Việt đang phát gây hiệu ứng ngược. Xem phim để có những phút giây giải trí cho nhẹ đầu nhưng các phim hiện nay chỉ khiến người xem cảm thấy áp lực thêm vì nhân vật cư xử với nhau cay nghiệt, bi kịch chồng chất.
Trong thực tế cuộc sống, không có gì không thể xảy ra, phim cũng đi từ cuộc sống nhưng một tác phẩm truyền hình lên sóng quốc gia, vào giờ vàng, sự cân nhắc điều chỉnh liều lượng “drama” là rất cần thiết. Đừng để người xem đi làm cả ngày mệt mỏi về bật tivi lên lại phải chứng kiến nhiều cảnh tiêu cực, đầy nước mắt, các nhân vật trong phim đối xử nhau như kẻ thù!
H.Nhu