Xem clip:
Hơn 500 người đã vật lộn cả ngày 8/7, đến rạng sáng 9/7 mới dập tắt được ngọn lửa phủ kín mấy chục héc-ta rừng tại hai xã Sơn Thủy và Sơn Châu, H.Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Hình ảnh tại hiện trường cho thấy than, tàn tro đỏ rực vẫn âm ỉ còn đó. Nắng nóng vẫn gay gắt.
Một người tham gia chữa cháy tại đây nói trong bơ phờ: “Lạy trời đừng cháy nữa”. Đoàn người đủ sắc phục, lủng lẳng ca, bình đựng nước, gậy, dao rựa, ống thổi, mệt mỏi, căng thẳng đối mặt với giặc lửa đã nhiều ngày qua, cho thấy sự bất lực.
Hình ảnh đó đâu chỉ có ở Hương Sơn. Trước đó là H.Nghi Xuân. Cháy rừng hiện diện ở các tỉnh, thành Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên. Nếu dùng những bức ảnh đó đối chiếu lại với dụng cụ chữa cháy rừng những năm trước, thì thấy y chang, bởi cũng chừng đó, không có gì khác.
Theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong sáu tháng đầu năm 2019, cả nước xảy ra 156 vụ cháy rừng với diện tích rừng bị cháy 930ha, tăng hơn bốn lần so với cùng kỳ năm trước, trong đó miền Trung xảy ra gần 50 vụ, diện tích rừng bị thiệt hại ước tính sơ bộ khoảng 293ha (có 14 vụ chưa xác định diện tích rừng bị thiệt hại). Còn hai tháng mùa hè nữa, không biết sẽ còn bao nhiêu đám cháy.
Cháy là do dân đốt thực bì và bất cẩn để lây lan. Đốt nương rẫy chờ mùa mưa đến là cách chuyển hóa lượng sinh hóa trong đất để vụ tới đất tốt hơn. Đó là kinh nghiệm dân gian. Nhưng chính tác dụng này lại gây ra tác hại, từ ý thức người dân.
Một người ở H.Nghi Xuân đã bị bắt giam ngày 1/7 do đốt rác vườn nhà gây cháy lan, thiêu rụi mấy chục héc-ta rừng. Nhưng bắt giam một người thì có dập tắt được vĩnh viễn những thảm lửa kinh hoàng giăng suốt miền Trung mùa nắng nóng?
Một chuyên gia lâm nghiệp đã nói: “Phá rừng hay vô ý làm cháy rừng, đều từ bệnh vô cảm với thiên nhiên mà ra”. Nên câu chuyện ở đây là nền tảng giáo dục về ý thức bảo vệ rừng bị hổng nặng, buộc phải vá lại, không thể một sớm một chiều, nhưng phải kiên trì và không thể khác.
Trên mạng xã hội, nổ ra tranh luận chuyện sao không dùng trực thăng để chữa cháy. Ai cũng có cái lý của họ, nhưng những lời thốt ra từ cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và kiểm lâm cho thấy, Nhà nước coi thường việc trang bị phương tiện cho lực lượng chữa cháy rừng. Cháy, mới thấy phương án, thiết bị chuẩn bị chiến đấu với giặc lửa từ trung ương đến địa phương quá sơ sài, khơi khơi.
Công an, quân đội, kiểm lâm, toàn dân vào cuộc, nhưng cháy tràn lan, trên núi cao, địa hình dốc, ban đêm cũng như ban ngày, mò đến tận nơi thì lửa đã ăn cỗ no nê rồi. Địa hình hiểm trở, thời tiết xấu, chất lượng rừng kém (chủ yếu là rừng trồng, mau cháy, tán thấp), là những ví dụ cho thấy không dễ gì ngăn được lửa bằng những dụng cụ chữa cháy hiện đại, nên chỉ áp dụng cách chữa thô sơ.
Nhưng hiện tại thì ngay cả ống thổi, cưa xăng cũng thiếu, còi báo động cháy không hoạt động, huống chi là mơ có máy bay không người lái ghi hình chỗ nào cháy để nhanh chóng triển khai lực lượng, như lời ông Hoàng Quốc Huấn - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Tĩnh.
Nói thẳng, hễ cháy lớn như ở Hà Tĩnh vừa qua, thì tại miền Trung, với núi đồi hiểm trở, ta phải vào trận đánh giặc lửa với lòng quyết tâm và gậy gộc trên tay như hồi chín năm chống Pháp. Nhưng hồi đó, ta thắng, giờ thì thua trắng tay. Đừng tưởng đã khống chế được lửa là thắng. Một người dân nói chua chát: “Hết cháy vì... đã cháy hết!”.
Rừng bị phá tanh bành, hô hào dân trồng lại, đến khi cháy thì không có thiết bị chữa, cứ cầm gậy quơ đập như đuổi gà qua đám giỗ. Việc quản lý, bảo vệ rừng được giao cho kiểm lâm, nhưng ngay cả kiểm lâm cũng không có phương tiện chữa cháy chuyên dụng, thì bảo vệ được cái gì?
Chưa nói, lâu nay chuyện quy hoạch dân cư cứ tựa vào chân núi, mà ở núi thì phải bám rừng. Cháy ngay sát nhà, nửa đêm cuốn gói chạy. Giờ rừng cháy hết rồi, mấy tháng nữa sẽ vào mùa mưa, nước sẽ không bị giữ lại, đất có cơ hội sụt nhanh, lại sạt lở, vùi lấp. Những lỗ hổng nối đuôi nhau.
Đồng ý rằng, chống cháy rừng khó hơn chống lũ. Nhưng để ý thấy, Nhà nước ưu ái cho Thủy Tinh hơn Sơn Tinh, có lẽ cái họa Thủy Tinh năm nào cũng xảy ra, tần suất ngày một dày, quy mô càng lớn, nên các phương án phòng chống bão lụt đặt ra hàng loạt, họp hành liên miên.
Cháy rừng liên tục, diện tích lớn, thiệt hại nghiêm trọng, nhưng vẫn chưa thấy những mệnh lệnh quán xuyến cấp bách từ những người có chức trách ở trung ương, ngoài khuyến cáo đề phòng rồi bổ sung trang thiết bị.
Trồng được một cây sống đã là kỳ công, ươm theo bao hy vọng. Gần 1.000ha rừng đã cháy trong sáu tháng, tàn tro đã hóa kiếp bao mồ hôi công sức bao người, và nó như dẫn dụ làm mồi cho lũ quét, sạt lở càng lớn hơn. Đó là thảm họa hiển lộ và tiềm ẩn.
Cho nên, ví dụ như ý kiến viện dẫn do địa hình, thời tiết, hạ tầng cho trực thăng đỗ và lấy nước chữa cháy khó khăn nên trực thăng không tham gia, chỉ có thể châm chước, thông cảm, đồng ý một hai lần, chứ không thể cam chịu và cầm gậy đuổi gà liên tục. Bởi núi rừng là thế, ta không thể thay đổi đặc điểm, biến cao thành thấp, biến dốc thành bằng.
Rừng thì cháy không ngừng. Cái cần thay đổi chính là tư duy từ cấp cao nhất đến người dân, rằng thực sự coi chống hỏa là chống giặc, lúc đó, may ra rừng bớt cháy.
Trung Việt