Heo thối vào bếp ăn công nhân: Người nghèo phải ăn bẩn, độc?

22/04/2016 - 07:56

PNO - Bà Đào khai nhận, toàn bộ thịt heo và xương heo là sản phẩm từ heo chết, được cơ sở thu gom từ nhiều nơi trên địa bàn

Heo thoi vao bep an cong nhan: Nguoi ngheo phai an ban, doc?
Lực lượng quản lý thị trường Đồng Nai đã tịch thu số thịt heo để tiêu hủy

Ngày 21-4, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Nai đã phối hợp với Chi cục Thú y tỉnh và UBND phường Tam Hòa (TP. Biên Hòa) tổ chức tiêu hủy hơn 1,8 tấn thịt heo chết đã được phát hiện vào tối 20-4 tại một cơ sở kinh doanh tại phường Tam Hòa.

Chi cục Quản lý thị trường Đồng Nai cho biết đang xem xét để ra văn bản xử phạt 50 triệu đồng đối với chủ cơ sở là bà Tham Thị Đào (Tam Hòa, TP Đồng Nai) về hành vi "Mua bán heo chết, bốc mùi hôi thối, hoạt động kinh doanh, mua bán động vật không có giấy đăng ký kinh doanh".

Trước đó, vào tối ngày 20-4, Đội Quản lý thị trường số 1, Chi cục Quản lý thị trường Đồng Nai bất ngờ ập vào kiểm tra cơ sở kinh doanh thịt heo của bà Đào, phát hiện gần 1,8 tấn thịt heo, xương heo đã bốc mùi hôi thối nồng nặc.

Heo thoi vao bep an cong nhan: Nguoi ngheo phai an ban, doc?
Số thịt heo chết bị phát hiện

Bà Đào khai nhận, toàn bộ thịt heo và xương heo là sản phẩm từ heo chết, được cơ sở  thu gom từ nhiều nơi trên địa bàn. Bà này cũng thừa nhận việc kinh doanh không phép.

Điều đáng nói ở đây là, những sản phẩm này được chủ cơ sở dự tính được đưa đi tiêu thụ tại các khu công nghiệp ở Đồng Nai, Bình Dương và TP HCM, nơi mà hàng triệu công nhân nghèo đang ngày đêm vật lộn với cuộc mưu sinh.

Trước đó, ngày 17/4, Phòng Cảnh sát môi trường CA tỉnh Bình Dương mật phục xe tải do tài xế Nguyễn Đức Bình (46 tuổi, ngụ xã Tân Ba, huyện Thống Nhất, Đồng Nai) chở đến chợ Đông Đô, phường An Phú, thị xã Thuận An.

Lực lượng chức năng bắt quả tang người này giao hơn một tấn thịt heo không có giấy kiểm dịch cho các tiểu thương. Khi mở thùng xe, lô thịt đã chảy nước, bốc mùi hôi thối.

Theo lời khai của tài xế, số thịt này chủ yếu phục vụ cho các chợ cho công nhân lao động ăn.

Những vụ việc xảy ra liên tiếp khiến cho dư luận buộc phải thừa nhận, người nghèo có nguy cơ ''phơi nhiễm'' với thực phẩm bẩn độc nhiều hơn.


Điều 317 Bộ luật Hình sự 2015: Tội Vi phạm quy định vệ sinh an toàn thực phẩm

Chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm; sử dụng hóa chất, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm: gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60% hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

Người phạm tội có tình tiết tăng nặng định khung thuộc khoản 2 điều luật này thì mức hình phạt từ ba năm đến 7 năm; thuộc khoản 3 mức phạt từ 7 năm đến 15 năm; thuộc khoản 4 mức hình phạt từ 12 năm đến 20 năm.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến 5 năm.

Huy Bách (Tổng hợp) 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI