Heo đang bị 'làm giá'?

16/10/2018 - 16:23

PNO - Giá heo hơi liên tục tăng cao, lên mức 54.000 – 56.000 đồng/kg, “đẩy” giá thịt heo bán lẻ tăng theo. Nhiều ý kiến cho rằng heo đang bị “làm giá”!.

Giá heo bình ổn tăng 1.000 – 7.000 đồng/kg

Ghi nhận thị trường TP.HCM cho thấy, giá thịt heo tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ,… đều được điều chỉnh tăng thêm từ 5.000 – 15.000 đồng/kg (tùy loại) so với nửa tháng trước. Theo đó, sườn non 150.000 - 160.000 đồng/kg, thịt ba rọi 110.000 - 120.000 đồng/kg, thịt đùi 100.000 - 110.000 đồng/kg,....

Heo dang bi 'lam gia'?
Người tiêu dùng hiện phải mua thịt heo với giá tăng cao

Chị Thuyên – bán thịt heo tại chợ Căn cứ 26A (Q.Gò Vấp, TP.HCM) cho biết, giá heo mảnh lấy vào từ 50.000 – 60.000 đồng/kg nay tăng lên 70.000 – 75.000 đồng/kg nên phải tăng giá thịt heo bán lẻ.

“Giá thịt heo các loại đều tăng, khách mua giảm lượng hẳn. Trước có khách mua một lần cả ký sườn non, thịt đùi; giờ mỗi khách mua chừng vài lạng. Sức mua giảm, tôi cũng giảm lượng heo nhập vào chỉ bằng 2/3 lúc trước mà bán tới chiều mới hết”, chị Thuyên than.

Ngay cả nhóm hàng thịt heo bình ổn cũng vừa được công ty Vissan đề nghị điều chỉnh tăng giá thêm 22.000 đồng/kg, giò lụa không hàn the tăng 7.000 đồng/kg.  

Tuy nhiên, đại diện Ban Vật giá, Sở Tài Chính TP.HCM cho biết: căn cứ vào giá heo hơi liên tục tăng, giá thành hiện nay và theo tiêu chí của chương trình bình ổn thị trường, giá các mặt hàng thịt gia súc phải thấp hơn thị trường 5 – 10%; đồng thời để đảm báo quyền lợi người tiêu dùng, người chăn nuôi và DN tham gia chương trình bình ổn, đề xuất mức tăng từ 1.000 – 7.000 đồng/kg, tùy mặt hàng và tăng 4.000 đồng/kg đối với mặt hàng giò lùa không hàn the (từ 170.000 đồng lên 174.000 đồng/kg).

Theo Chi cục Thú Y TP.HCM, giá heo hơi biến động do bị tác động từ dịch tả Châu Phi và một phần do tình hình thu mua từ Trung Quốc. Để ổn định thị trường vào những tháng cuối năm, đặc biệt dịp Tết Nguyên đán, các sở ngành liên quan, doanh nghiệp, hệ thống phân phối cùng làm việc với nhau để thống nhất phương án dự trữ nguồn hàng, tiết giảm chi phí kinh doanh để ổn định giá bán bình ổn; các hệ thống phân phối xem xét điều chỉnh các tỷ lệ chiết khấu đối với các mặt hàng tham gia chương trình bình ổn, từ đó hỗ trợ các DN ổn định giá bán.

Theo đó, các mặt hàng thịt heo bình ổn: 100.000 đồng lên 107.000 đồng; thịt vai 91.000 đồng lên 94.000 đồng/kg, cốt lết 95.000 đồng lên 101.000 đồng/kg; sườn già 92.000 đồng lên 96.000 đồng/kg; chân giò 89.000 đồng lên 90.000 đồng/kg; thịt nách 91.000 đồng lên 94.000 đồng; thịt nạc (dăm, vai, đùi) 108.000 đồng lên 114.000 đồng/kg; ba rọi 112.000 đồng lên 122.000 đồng,…

Nguồn cung không thiếu, sao giá heo vẫn tăng?

Trước giá heo tăng “phi mã”, Bộ NN&PTNT đã có cuộc họp khẩn để “kéo” giá heo giảm xuống vì đánh giá thực tế giá thành chăn nuôi heo hiện chỉ có 35.000 – 36.000 đồng/kg mà bán trên 50.000 đồng/kg như hiện tại là quá cao; phải kìm giá ở mức hợp lý, hài hòa lợi ích giữa người tiêu dùng, người chăn nuôi, doanh nghiệp và đặc biệt là giữ thị trường.

Bởi, khi giá heo trong nước cao, heo ngoại có cơ hội tràn vào và dễ đánh mất thị trường, lúc này chính doanh nghiệp và người chăn nuôi bị ảnh hưởng nhiều nhất. Chưa kể, dịch tả châu Phi đang bùng phát ở  nhiều quốc gia, nguy cơ nguồn heo nhập lậu đe dọa sức khỏe người tiêu dùng.

Theo đó, Bộ NN&PTNT đề nghị các DN phải giảm giá heo xuống dưới mức 50.000 đồng/kg trong tháng 10 này. Song, nhiều ý kiến cho rằng giá heo khó giảm xuống mức này vì heo đang bị “làm giá”, dù nguồn cung không thiếu.

Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, tổng đàn heo của tỉnh này hiện đang tăng lên 2.500.000 con, tăng 200.000 con so với tháng 4/2018 và tăng 800.000 con so với tháng 8 năm 2017. Trong khi, lượng heo về chợ Tân Xuân, Hóc Môn hiện vẫn ổn định quanh mức 5.000 – 5.300 con/ngày.

Với mức này, nguồn cung không thiếu, thậm chí có ngày ế, heo dội chợ. Tình trạng khan nguồn heo chỉ khi lượng về chợ giảm còn 4.700 – 4.800 con, còn từ 5.000 con trở xuống là mua – bán ổn.

Heo dang bi 'lam gia'?
Lượng heo về chợ đầu mối vẫn ổn định quanh mức 5.000 - 5.300 con/ngày

Như vậy, heo về chợ không thiếu, nhưng sao giá heo mảnh hiện vẫn tăng cao, dao động từ 70.000 – 75.000 đồng/kg?. Một vị trong ngành chăn nuôi (đề nghị giấu tên) cho rằng “các công ty nước ngoài đang ém giá, cung ứng lượng heo ít hơn so với nhu cầu thị trường để làm giá heo. Ví dụ, thường mối hàng lấy 100 con mới đủ bán, có công ty dù dư heo vẫn chỉ “rót” cho mối chừng 80 con với lý do “hết hàng”. Từ đó, tự mối sẽ đẩy giá lên cao khi bán dẫn đến giá heo tăng cao hơn so với thực tế”.

Có thể thấy, với giá heo tăng cao trong suốt thời gian này, không phải nông dân mà chính doanh nghiệp có lợi nhờ mạnh vốn, dự trữ được nguồn heo sau cuộc khủng hoảng năm 2017. Một số chủ trại heo cho biết, năm ngoái họ bán tháo heo giá rẻ để thu hồi vốn nên giờ không có nhiều heo để bán.

Trong khi, hiện nay giá heo trên thế giới chỉ bằng một nửa giá so với giá heo trong nước. Nhiều ý kiến lo ngại, nếu doanh nghiệp cứ cố tăng giá heo để hưởng lợi, đến lúc dịch heo châu Phi hết, heo ngoại tràn vào, cộng với Nhà nước đang khuyến cáo người dân dùng thịt heo mát, heo đông lạnh vì đảm bảo tiêu chuẩn an toàn chất lượng so với thịt heo nóng, thì lúc này, heo trong nước sẽ “chết ngay trên sân nhà”.

Vì vậy, để cân đối thị trường, phát triển bền vững, doanh nghiệp không nên "đẩy” giá heo lên quá cao.

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI