Hen suyễn “vào mùa”, nhiều trẻ nhập viện

01/10/2022 - 06:39

PNO - Gần đây, các bệnh viện nhi tại TPHCM liên tục tiếp nhận trẻ mắc các bệnh liên quan đến hô hấp. Trong đó, tỷ lệ trẻ bị hen suyễn tăng nhanh.

Bất ngờ vì con mắc hen suyễn  

Mắc bệnh teo thực quản bẩm sinh, ngay từ khi chào đời, bé N.M.A. (2 tuổi, ở Bình Định) phải liên tục vào bệnh viện vì khó nuốt sữa, thức ăn. Để tiện theo dõi sức khỏe cho con, anh Nguyễn Văn Bình và vợ phải thuê phòng trọ tại TPHCM. Mặc dù vợ chồng anh nuôi con rất kỹ, nhưng cứ chuyển mùa, bé A. lại phải nhập viện vì viêm đường hô hấp. Hơn một tuần nay, anh cứ thấp thỏm khi bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM chẩn đoán bé A. bị hen suyễn tiến triển nặng. 

Trẻ mắc hen suyễn, viêm phổi… chật kín tại Khoa Hô hấp 2, Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM - ẢNH: P.A.
Trẻ mắc hen suyễn, viêm phổi… chật kín tại Khoa Hô hấp 2, Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM - Ảnh: P.A.

Anh Bình kể bé sổ mũi, ho được vài ngày thì thở mệt, bụng, ngực lõm sâu mỗi khi thở, đưa con vào bệnh viện mới biết bé bị hen suyễn. Những lần trước đó, bé chỉ bị viêm phế quản. Bác sĩ Trần Quỳnh Hương - Khoa Hô hấp 2, Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM - cho biết do bé có bệnh lý nền, cơ thể bị suy dinh dưỡng nặng nên rất dễ bị virus tấn công.

Hiện, ngoài cho bé thở ô-xy các bác sĩ còn điều trị sát sao về triệu chứng, đặt ống thông dạ dày để nuôi dinh dưỡng cho bé. Hy vọng thời gian tới, sức khỏe của bé sẽ có dấu hiệu khả quan.

Cũng nằm tại Khoa Hô hấp 2, bé N.T.T. (5 tuổi, ở TPHCM) cố gắng hít từng hơi với sự hỗ trợ của bình ô-xy bên cạnh. Xoa xoa tay bé, chị Trần Thị Thanh (mẹ bé T.) kể mỗi khi thời tiết mưa, nắng thất thường, bé T. hay bị ho, cảm cúm, nặng lắm là sốt. Mỗi lần như vậy, chị đưa con đến phòng khám tư gần nhà khám, lấy thuốc cho bé uống là khỏi. 

“Lần này cũng vậy, bé T. vừa bắt đầu có triệu chứng ho, sốt, tôi đã ôm con đi khám. Sau ba ngày uống thuốc, sốt có giảm nhưng ho nhiều hơn, ho sặc sụa rồi mệt mỏi, chán ăn, môi tái… Thấy vậy, tôi đưa con đến bệnh viện, bác sĩ nói bé bị hen suyễn, bệnh nặng phải thở ô-xy. Tôi khá bất ngờ bởi từ trước đến nay con tôi chưa bao giờ bị hen suyễn cả”, chị Thanh chia sẻ. Từ hôm nhập viện đến nay, bé T. phải thở ô-xy liên tục và được sử dụng thuốc hỗ trợ, hiện tại bé đã qua nguy hiểm, đang được theo dõi sát.

Sớm đưa trẻ vào bệnh viện  

Theo bác sĩ Quỳnh Hương, từ tháng 9 đến tháng 11, thời tiết tại miền Nam nắng, mưa thất thường nên trẻ mắc các bệnh về hô hấp sẽ tăng lên, đặc biệt là hen suyễn. Nguy hiểm là phần lớn người thân trong gia đình khi được bác sĩ thông báo con, em mình bị hen suyễn đều tỏ ra ngạc nhiên. Mọi người thường cho rằng ở nhà không có ai bị hen suyễn nên không nghĩ đến bé mắc bệnh này.

“Hen suyễn ở trẻ em ngoài yếu tố di truyền, còn khởi phát khi cơn nhiễm siêu vi lặp đi lặp lại. Trong các bệnh lý về hô hấp, với những trẻ có cơ địa dị ứng, nổi mề đay, viêm mũi dị ứng, nếu mắc COVID-19 và sau đó không may mắc hen suyễn thì tỷ lệ phản ứng viêm sẽ tăng cao hơn bình thường. Một khi virus gây bệnh tấn công dồn dập, cơn hen suyễn mới xuất hiện rõ ràng hơn. Đặc biệt ở trẻ có bệnh lý nền”, bác sĩ Hương nói. 

Thời điểm này, học sinh đang đi học, kèm theo người lớn đang chủ quan trong các biện pháp phòng, chống COVID-19 như không đeo khẩu trang, không rửa tay bằng xà phòng thường xuyên... Điều này vô tình kéo theo nhiều trẻ bị lây nhiễm siêu vi giao mùa, cảm cúm, thúc đẩy các bệnh về hô hấp khác cũng tăng theo.

Bác sĩ Hương cho biết: “Nếu trẻ bị nhiễm bệnh, phụ huynh nên cho trẻ ở nhà, thông báo với giáo viên chủ nhiệm để có biện pháp xử lý, tránh lây nhiễm chéo trong lớp học. Khi trẻ thở mệt, thở dồn dập, hơi thở rít, lõm ngực… cha mẹ phải đưa ngay trẻ vào bệnh viện để được khám và điều trị đúng cách vì có thể trẻ đã bị hen suyễn”.

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố - cho biết:  Riêng bệnh lý về đường hô hấp và hen suyễn, từ tháng 6/2022 đến nay, bệnh viện tiếp nhận và điều trị cho hơn 6.000 lượt bệnh nhi khám ngoại trú. 200 giường bệnh cũng luôn trong tình trạng quá tải, có nhiều giường bệnh nhi phải nằm ghép đôi.

Bác sĩ Tiến lưu ý, đối với trẻ có bệnh lý nền, giai đoạn này thời tiết thay đổi liên tục nên phụ huynh cần giữ ấm cho trẻ. Đặc biệt, các bé ở nhóm trẻ dưới năm tuổi, tỷ lệ mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp cao, trong đó trẻ ba tuổi rất dễ tiến triển nặng. Thế nên, ngoài chăm sóc trẻ theo hướng dẫn của bác sĩ, cha mẹ cần chủ động cho trẻ tiêm vắc-xin đầy đủ. Các loại vắc-xin không thể thiếu đối với trẻ như: ho gà, bạch hầu, uốn ván, cúm, phế cầu 10, 13, não mô cầu… Nếu được tiêm đầy đủ thì khi trẻ mắc bệnh hô hấp sẽ giảm tỷ lệ chuyển nặng. 

Nếu thấy trẻ hắt hơi, ho, sổ mũi, biếng ăn… thì có thể đã nhiễm cúm mùa ở mức độ nhẹ, có thể điều trị, chăm sóc trẻ tại nhà. Tuy nhiên, khi trẻ sốt liên tục 3-4 ngày, nôn ói nhiều lần, bỏ bú, thở gắng sức… khả năng trẻ tiến triển nặng; đặc biệt trẻ có những cơn thở rít, thở lõm ngực, bỏ ăn, ngủ li bì… nguy cơ trẻ đã bị hen suyễn nặng, cần đưa ngay đến bệnh viện.

 Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI