Hẹn khi hết dịch

25/04/2020 - 05:57

PNO - Có những ngày như hôm nay, rồi ngày mai, khi ánh mặt trời rực rỡ cho một ngày mới quang quẻ, chúng ta biết cách sống khác hơn...

Có những ngày trước khi đi ngủ, tôi phải để báo thức đến mấy lần. Cứ năm phút một lần báo. Những ngày ào khỏi nhà như cơn lốc, bữa sáng treo tòng teng ở xe. Những ngày ấy mình thường ao ước, có một tuần không vướng bận bất cứ điều gì, bỏ lại hết, mình sẽ đi về một vùng quê xa xôi, càng xa càng tốt. Mỗi sớm mai thức dậy, mình ước sẽ tìm một góc nào đó ngồi, nhìn người ta đi chợ, nhìn người ta bán mua, người ta ra đồng ra rẫy… Nhưng cứ lần lữa mãi. 

Không dưng nghĩ đến rất nhiều việc trên đời, dù nhỏ bé, dù trong tầm tay, với cái là chạm được. Vậy mà vẫn trì hoãn, để rồi đến một lúc nào đó như bây giờ, ở nhà trong nỗi phập phồng về một đại họa, ngồi ngẩn ngơ, hai tiếng “giá như” cứ trở đi trở lại trong đầu nghe như tiếng thạch sùng tiếc rẻ những đêm khuya.

Tôi nhớ em mình sống ở xa. Xứ người chưa bao giờ là cuộc sống dễ dàng đối với phận đời tha hương. Em phải nỗ lực và tiết kiệm đến mức không thể tiết kiệm hơn để tiếp tục học. Có lần em nói với tôi, gần cả tuần trước ngày Giáng sinh em đi qua đi lại cửa hàng có chiếc áo đầm màu đỏ rất đẹp. Em thích chiếc áo ấy quá nhưng biết nó đắt, có thể hết cả một tuần lương.

Nhiều năm rồi, tôi vẫn không thể quên giọng cười sảng khoái của em qua điện thoại: “Em quyết định mua cái áo. Em không thể để 60 tuổi mới mua được!”. Có thể em sẽ phải làm thêm một công việc nữa để trang trải cho cuộc sống. Có thể sẽ tiết kiệm hơn sau đó, thế nhưng tôi biết phút giây vui sướng, cảm thấy tự tin và yêu bản thân như giây phút em mặc chiếc áo mình yêu thích, có lẽ không dễ gì tìm lại được.

Nhiều năm đi dạy, tôi không khuyến khích nhưng không ngăn cản các học sinh yêu nhau. Vẫn có những học sinh yêu nhau từ hồi ấy và cưới nhau sau bảy hay mười năm ra trường. Vẫn có những học sinh yêu nhau và cùng nhau học tập rất tốt. 

Tình yêu thời học trò, nếu có và biết cách giữ cho đúng hướng sẽ là kỷ niệm vô giá của đời người, không bao giờ chúng ta có lại lần thứ hai. Hệt như một đêm không ngủ của ngày trưởng thành lật trang sách cũ, bạn vô tình bắt gặp một tấm ảnh ngày còn bé, một con bướm phượng ép trong trang sách cũ hay dòng chữ viết tay hí hoáy của đứa bạn ngồi cùng bàn. Bạn có thể bật khóc vì nhớ thương. Có thể ngồi dậy vươn vai và nghe tràn ngập lồng ngực mình một nguồn năng lượng khỏe khoắn.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Mấy hôm nay, trên Facebook, chúng ta bắt gặp rất nhiều lời hẹn của các nhóm bạn: hết dịch cà phê nhé, hết dịch sẽ đi đến nơi này, sẽ làm việc kia, sẽ đi thăm người nọ; hết dịch về thăm quê nhà… Thậm chí có hẳn một xu hướng của Facebook đang được mọi người vui vẻ theo: khi giãn cách xã hội kết thúc. Người đầu tiên tôi sẽ cùng đi ăn sáng, đi ăn tối, đi cà phê, đi ăn trưa…

Phải chăng khi đối diện với mất mát, với sinh ly tử biệt con người mới thật sự ngộ ra rằng mình có thể đã làm khác đi, có thể sống khác đi? Có bao nhiêu nơi mình đáng ra đã đi? Bao nhiêu người đáng lẽ đã gặp? Có bao nhiêu thứ để học hỏi? Có bao nhiêu cơ hội để yêu thương?

Hóa ra cuộc đời ngỡ dài như vậy, một năm là 365 ngày, 10 năm là 3650 ngày, 20 năm là… nhiều không nhớ nổi. Không hôm nay thì ngày mai, không ngày mai còn ngày kia, vẫn chưa đủ để chúng ta làm hết những việc ta muốn, ta ấp ủ sao? Hay chúng ta đã như một cậu bé rong chơi, mải ghé bên này một chút, bên kia một lát, để rồi khi hoàng hôn kéo đến mới cuống quýt giật mình, con đường về nhà hãy còn xa lắm?

Tôi rất sợ kéo trên dòng tin màn hình Facebook của mình mà bắt gặp ai đó đổi avatar màu đen - hình ảnh mặc định của tang thương mất mát. Sợ nhất những câu của bạn bè: hẹn gặp nhau mà chưa sắp xếp được… Nghe nặng lòng tiếc nuối. 

Thế mới biết, sống hết mình và trân trọng giây phút hiện tại là điều mình nghe nói nhiều. Nhưng, đâu dễ gì hiểu hết. Có những ngày như hôm nay, rồi ngày mai, khi ánh mặt trời rực rỡ cho một ngày mới quang quẻ, chúng ta biết cách sống khác hơn phải không?

Triệu Vẽ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI