Hẹn hò với bếp

17/12/2020 - 05:20

PNO - Hẹn với bếp, là hẹn bằng tình yêu, trách nhiệm, một cuộc hẹn không hề riêng tư, có giá trị tái tạo năng lượng gia đình, như chất keo gắn kết tình cảm của mọi thành viên.

Biết vợ chồng tôi thích hoa chuối, bạn biếu một cái thật to. Dự định ngày mai làm gỏi, nhưng chồng bảo để cuối tuần, rảnh rang hơn. Tiếc là, người có thể đợi hoa, chứ hoa không thể đợi người, vì hoa cũng có… thì, hoa đã lìa khỏi thân cây thì sẽ sớm héo tàn, còn gì mà thưởng thức.

Nghe thế, chồng hồ hởi: “Vậy mai anh nhận phần thái mỏng và nướng bánh tráng, việc còn lại là của em”. 

Thường có món gì đặc biệt, chúng tôi hay để dành cho ngày cuối tuần, dễ hiểu vì đó là ngày nghỉ, mọi thành viên có cơ hội quấn quýt bên nhau, nên bao hứa hẹn cứ đổ dồn vào bếp. Con gái lớn nói: “Tuần sau mình chiên trứng cút bọc cá thác lác nha mẹ, chấm tương ớt nữa thì ngon phải biết”.

Ba chiều con gái, bảo: “Không cần đợi đến cuối tuần, thích lúc nào thì “nhích” lúc đó, phải giải quyết cơn thèm ngay thì mới phê”. “Cứ mặc định cuối tuần đi ba, để thấy ngày cuối tuần đặc biệt hơn. Chờ đợi vốn thú vị mà”. Hẹn với bếp là cái hẹn chính đáng, ông bố chỉ biết chiều lòng con gái.

Nhiều người nói vui, cuối tuần nên làm vài món ngon để “trả thù” những ngày bận rộn
Nhiều người nói vui, cuối tuần nên làm vài món ngon để “trả thù” những ngày bận rộn

Nhà bà Minh đồng hương sát vách, ngày thường con cái đi làm tầm bảy giờ tối mới về. Bà ở nhà chăm sóc nhà cửa cho con cháu. Bà thừa sức làm món đặc biệt để các con về thưởng thức, nhưng vì cả nhà đã có cuộc hẹn với bếp vào mỗi cuối tuần, nên bà háo hức đợi. “Già rồi, ăn được bao nhiêu đâu, nhưng thấy con cháu sum vầy, tui thích lắm”.

Như đã hẹn, tuần này cô con dâu làm bún bò. Nhà sát vách nhau nên ở bên này tôi dễ dàng nghe tiếng đâm tiêu, đâm ớt, tiếng đập dập mớ tỏi, mớ sả; mùi đặc trưng của bún bò len lỏi sang nhà tôi, thơm nức. Là tôi biết “bên đó” đang có cuộc hẹn với bếp.

Bà Minh kể, mỗi lần cả nhà vào bếp, thằng Toàn năm tuổi tự động tắt ti vi, lon ton theo mẹ, nó thích được nhặt rau cùng mẹ. Mẹ Toàn dạy con trai phân biệt đâu là rau mùi, đâu là tía tô, kinh giới. Cô con gái lớn thì đảm nhận phần làm mắm, dường như cô gái 13 tuổi cũng biết cách “nêm gia vị” vào cuộc hẹn với bếp bằng những câu chuyện lượm lặt ở lớp, ở trường. 

Ngày nghỉ, người ta có nhiều thời gian để sum vầy, nên có quyền mơ món này món nọ, dồn hết tâm huyết nấu sao cho ngon. Hẹn với bếp, là hẹn bằng tình yêu, trách nhiệm, một cuộc hẹn không hề riêng tư, có giá trị tái tạo năng lượng gia đình, như chất keo gắn kết tình cảm của mọi thành viên.

Cứ thoải mái hẹn, bởi bếp luôn sẵn sàng chuyên chở yêu thương. Vấn đề là bạn có chịu hẹn hay không mà thôi. Nói thế, không phải coi nhẹ món ăn hằng ngày. Chỉ vì cuối tuần người ta có nhiều thời gian hơn, có cơ hội để bày biện, cầu kỳ. Ngày thường có thể đơn giản gọn nhẹ, miễn sao vẫn đầy đủ dưỡng chất. Có khi chỉ cần mấy quả trứng luộc, với đĩa rau xào và tô canh nóng cũng xong bữa. Có người nói vui, cuối tuần nên làm vài món ngon để “trả thù” những ngày bận rộn, hay muốn ăn ngon thì phải đợi cuối tuần. Nghe buồn cười nhưng cũng có lý.

Thôi thì, cứ hẹn với bếp, kiểu gì cuối tuần cũng có vài món ăn ngon. Nhưng không hẳn nhà nào cũng rộn ràng bếp núc cuối tuần. Có nhà tự thưởng một tuần làm việc hiệu quả bằng cách dắt nhau ra tiệm.

Vậy thì, hẹn hò với nhau đi, hẹn với bếp, với quán xá, với người thân, với bạn bè, hẹn để thấy bữa ăn những ngày cuối tuần đáng giá thế nào, cần được đầu tư và duy trì thế nào. 

Thái Phương 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI