Hẹn gặp giữa Sài Gòn

30/04/2015 - 08:57

PNO - PN - “Phần lớn tuổi thanh xuân của chúng tôi đều hiến dâng cho cách mạng. Vợ chồng trẻ mà cứ như “vợ chồng ngâu”. Thư nào ổng viết cho mẹ con tôi cũng đều hẹn ngày chiến thắng gặp nhau ở Sài Gòn. Vậy mà ổng… tệ lắm....

edf40wrjww2tblPage:Content

Hen gap giua Sai Gon

Hạnh phúc tuổi già

ĐÔI CÂY CỔ THỤ

Chị Trần Thị Hạnh, cán bộ thuộc Ban quản lý di tích lịch sử Trung ương cục miền Nam hứa chắc với chúng tôi, sẽ dẫn tới thăm cặp vợ chồng lão thành cách mạng ở P.Hiệp Phú, Q.9, TP.HCM. “Đôi cây cổ thụ này đúng là “cây cao bóng cả”. Vẫn còn tình cảm lắm”.

Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là hết sức thoải mái khi bước vào căn nhà cấp 4 rộng rãi. Tiếng con nít, người già cười giòn, thân thiện. Cụ ông là Nguyễn Trang (Năm Trang), 96 tuổi, nguyên Hiệu trưởng Trường Nguyễn Ái Quốc TW VII. Cụ bà là Nguyễn Thị Kim Thanh 88 tuổi, nguyên cán bộ Sở Y tế TP.HCM.

Cụ ông thấy khách tới nhà bèn lập cập đứng dậy, bước trở vô phòng ngủ, rồi mỉm cười thật tươi trở ra, tay cầm chiếc máy trợ thính cũ, cài nút nghe vào lỗ tai. Ông cụ người cao gầy, lại mặc bộ pijama sọc trắng nên người càng gầy. Tuy vậy, đôi mắt vẫn sáng cùng nụ cười cởi mở: “Xin lỗi mấy em, cái tai tôi mấy năm nay dở quá, không nghe được nữa... Bà ơi!”.

Tiếng “Dạ!” thật ngọt ngào từ dưới bếp vọng lên. Cụ bà đi lên, mặt lấm tấm mồ hôi. Bà Kim Thanh còn khỏe mạnh, nhanh nhẹn với nét mặt phúc hậu: “Rất tiếc đôi tai ông bị điếc nên tiếp xúc với khách khó khăn. Cái máy trợ thính lúc nghe được, lúc không. Nói sắm máy mới mà ổng không chịu”. Ông đập đập lên chiếc máy một hồi, rồi mỉm cười: “Vấn đề gì tôi nghe không được, mấy em hỏi bà nhà tôi nhé”.

Cụ bà Kim Thanh vừa tiếp nước cho khách, vừa theo dõi để thỉnh thoảng bổ sung những chi tiết mà chồng kể. Bà tâm sự: “Ổng về hưu, già rồi mà không bỏ buổi họp dân phố nào, góp ý cho em cháu nhiều vấn đề về xây dựng đời sống văn hóa, chống tệ nạn xã hội. Đã có cháu chắt đủ rồi, con cháu đều có cơ ngơi riêng, nhưng ông biểu tôi cứ ở đây, trong cái nhà cũ được cấp từ hồi còn công tác, không làm phiền đứa nào”.

Chúng tôi hỏi chuyện, cả hai ông bà cuốn hút vào những khơi gợi về một quá khứ hào hùng. Mới đó mà đã hơn 60 năm ông bà đi theo cách mạng. Một thời không thể nào quên.

CHÀNG RỂ BẮC

Ông Năm Trang tên thật là Hoàng Đức Tường, sinh quán tại xã Thanh Hương, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Chuyện ông Tường gắn bó với đồng bào Nam bộ suốt hai cuộc kháng chiến cứu nước trường kỳ không hẳn là chuyện tình cờ. Cụ bà kể: Hồi đó ông đang làm việc trong Phủ toàn quyền Pháp, nhưng ông lại là cơ sở của Thành ủy Hà Nội, mà người trực tiếp lãnh đạo là đồng chí Miện (tức Lê Quang Đạo), Bí thư Thành ủy. Đầu năm 1945, ông được phân công vào cơ sở 2 Phủ toàn quyền Pháp ở Sài Gòn. Cũng may là sau vài tháng thì ông bắt liên lạc được với tổ chức cách mạng ngay trong cơ quan.

Sau khi tìm cách thoát ly làm cách mạng, năm 1949 được cử đi học trường bồi dưỡng chính trị, rồi ông được điều về Ban Tuyên huấn Xứ ủy. Tại đây ông gặp cô gái Nguyễn Thị Kim Thanh, một học sinh nội thành Sài Gòn-Gia Định vừa ra bưng theo kháng chiến. Bà Kim Thanh cười nhẹ nhàng: “Giữa những người đàn ông xốc vác, mạnh khỏe và ồn ào, không hiểu sao tôi lại chú ý tới ổng. Một anh Bắc kỳ cao như cây tre miễu, trắng bóc, thư sinh, nhẹ nhàng… nói chung là ổng hiền lắm. Tôi mê... ổng quá chừng, mà ổng cũng có ý thương tôi. Quen, thương nhau từ năm 1949 đến năm 1953 thì được cơ quan đứng ra tổ chức đám cưới. Họ nhà trai, nhà gái là đại diện của hai cơ quan. Đám cưới chỉ có ít hoa rừng và bánh kẹo chưng dưới ảnh Cụ Hồ. Đơn giản nhưng đầy ắp nghĩa tình”.

Bà Kim Thanh khi ấy phụ trách một nhà hộ sinh của cứ tại miền. Ông Năm Trang là Bí thư liên chi bộ thuộc Ủy ban hành chính Nam bộ. Đám cưới xong, việc ai nấy làm, vài ba tháng mới có dịp gặp nhau một lần, muốn gặp phải chèo xuồng ba lá đi mất trọn ngày.

Ông Năm Trang cười hiền: “Đang khi mặn nồng, vợ chồng trẻ mà, nhớ nhau dữ lắm, lại lo cho nhau sống giữa bom đạn thù, sống chết không biết làm sao”. Chính quyền kháng chiến dựng nhà bảo sanh để phục vụ cán bộ, nhân dân trong vùng. Nhà bảo sanh chỉ có hai giường tạm lưu, nên cứ có ba ca sanh nở trở lên thì nhân viên y tế phải đến tận nhà giúp đỡ. Có những đợt bà Kim Thanh phải đi cả tuần lễ, ông được nghỉ phép chèo xuồng về thăm vợ mà không thấy đâu, chờ tới hết phép lại chèo xuồng đi.

Cuối năm 1954, khi bà Kim Thanh vừa mới sinh con, cũng là lúc lực lượng vũ trang chính quyền kháng chiến Nam bộ chuẩn bị tập kết ra Bắc. Ông Năm Trang lúc đó công tác trong ban tổ chức tập kết, bận túi bụi không còn thời gian ngó đến vợ con, đành để vợ về ở nhà ngoại, rồi nhận lệnh ra đảo Phú Quốc phổ biến chủ trương tập kết cùng một chỉ huy quân đội. Sau khi đưa bộ đội về đất liền tập trung, lên tàu ra Bắc, hai vợ chồng ông cùng những chiến sĩ, cán bộ quân dân chính đảng lên chuyến tàu cuối cùng rời cửa biển Ông Đốc ra Bắc.

TRỌN VẸN NIỀM VUI

Những năm ở miền Bắc, ông Trang được bố trí về Bộ Giáo dục, đi học bồi dưỡng chính trị dài ngày ở trường Nguyễn Ái Quốc khóa đầu. Bà Kim Thanh công tác tại Bệnh viện C Hà Nội. Tiếng là ở chung nhà, nhưng vợ chồng cha con ít khi được ăn cơm cùng nhau. Hai đứa con gửi nhà trẻ, vợ đi trực, chồng đi học. Sau đó ông Năm Trang còn được cử đi học ở Liên Xô hai năm. Vừa về nước, ông nhận quyết định trở lại chiến trường miền Nam.

Cụ bà Kim Thanh lấy khăn lau mồ hôi trên mặt chồng, giọng chùng xuống: “Nói thiệt, hồi đó tôi một nách hai con, không sợ khổ, chỉ sợ chồng chết. Mãi tới ngày 30/4/1975, biết tin ổng còn sống, tôi mừng khóc như mưa. Tháng 6/1975, tôi ôm con về Sài Gòn tìm má, tìm chồng, nhưng chỉ gặp được má. Cả tháng sau mới thấy ổng ló mặt tới, ôm chầm vợ con, thăm má vợ đúng một ngày rồi tất tả đi nữa. Tôi buồn trách ổng, nhưng sau biết chồng còn kẹt công việc quản lý của Trường Nguyễn Ái Quốc trong rừng Cây Cầy (Tây Ninh), thì lại thương ổng quá mà không biết chia sẻ làm sao”.

Con cháu giờ đã trưởng thành, ổn định kinh tế gia đình, nhưng vợ chồng cụ bà Kim Thanh vẫn ở với nhau trong căn nhà cũ được phân hồi sau giải phóng. “Con nuôi cha không bằng bà nuôi ông”, cụ ông cứ viện cái lý của người miền Bắc như thế. Mà cũng đúng, cụ bà vốn là cán bộ y tế, có chuyên môn nên biết cách thuốc men, chăm sóc chồng. Chỉ cần nghe cụ ông ho khúc khắc, tiếng ngáy ông nghèn nghẹt giữa đêm là cụ bà biết chồng chuyển bệnh gì, phải uống thuốc gì.

Cụ ông thích những món ăn đơn giản miền Bắc như rau muống luộc, dưa muối, canh cua rau ngót, tép kho, mà những món đó cụ bà làm rất khéo. Đất nước thống nhất bốn chục năm, là bấy nhiêu thời gian ông bà được gần nhau, như bù đắp cho những tháng ngày dằng dặc xa cách nhớ thương.

 PHÙNG PHƯƠNG QUÝ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI