Đủ sắc màu văn hóa
Nếu tính từ thời ông cố nội mang gia đình chạy nạn về đây thì nhà tôi sống gần trọn thế kỷ trong hẻm này. Tưởng chừng chỉ tạm dung một thời gian rồi quay lại quê cũ nhưng rồi đã có 5 thế hệ đến, đi và trụ lại trong con hẻm này. Như bao con hẻm ở khu Chợ Lớn, khu này là sự pha trộn người Việt và Hoa.
Người Việt đầu tiên là dân từ miền Bắc đến từ trước khi có Hiệp định Genève 1954. Rồi sau những năm 1980, vài gia đình người miền Trung đến, mang chất giọng trọ trẹ góp vào, sau nữa là giọng đặc sệt miền Tây hay cả tiếng Khơ Me cũng hòa điệu.
Phía người Hoa cũng không kém phần phong phú, nào người Hẹ, Nùng, Tiều Châu, Quảng Đông, Phúc Kiến... Chỉ mỗi cái từ vựng ăn cơm mà nhà này nói “xực phàn”, nhà kia lại “chẹp bân”.
Chính sự đa dạng dân tộc này đã mang đến biết bao sự phong phú cho hẻm nhỏ, chẳng hạn như chuyện làm đám ma.
Có nhà người Hoa dựng rạp bày bàn thờ cúng nguy nga, tụng kinh gõ mõ êm ái suốt ngày đêm, nhà khác thờ cúng đơn sơ nhưng lại có tiết mục thầy cúng rồng rắn đi qua cầu Nại Hà khiến bọn con nít tròn xoe mắt.
Lúc tiễn đưa, mấy người Hoa trong hẻm còn thuê dàn đưa tiễn gióng trống khua chiêng không kém lễ hội kỳ yên. Nếu không thế thì cũng có dăm ba thầy cúng mặc áo như đạo sĩ bay phấp phới rước đi.
Người Việt cũng không kém phần đa dạng, nhà thì thuê ban kèn Bắc nghe não nề, nhà bên lại chơi nhạc Nam ca cổ.
Người dân sống trong hẻm Sài Gòn mỗi khi có đám ma là tự động biết “hy sinh” 2-3 đêm cho sự ồn ào của khoảnh khắc tiếc thương. Thế rồi cái gì cũng đổi thay, mấy cái tục rườm rà gây phiền lòng lẫn nhau cũng được giản lược bớt một cách tự nhiên, chẳng cần ai phải nói nặng nhẹ hay khiếu nại chính quyền.
Nghĩ cũng hay, đời sống trong hẻm Sài Gòn tự biết dung hòa, chỉ còn lại những gì hợp thời, hợp lòng người.
Nguồn năng lượng của hẻm
Cái thú vui sống trong hẻm là từ trong nhà, nhìn ra là thấy cả thế giới đang trôi chảy trước mặt. Đó là chưa kể, hẻm tôi còn khá gần chợ. Chính vì thế, từ hừng đông, hẻm đã thức dậy với tiếng xe giao hàng bình bịch, tiếng đẩy sạp hàng nghe lục khục rã rời, tiếng dao chặt thịt, tiếng chảo dầu kêu xèo, mùi cà phê vợt dâng tràn trề.
Sau đó, con hẻm nhỏ như vỡ tung vì phải dung chứa quá sức một lượng âm thanh của người và xe. Hẻm bước vào lúc hỗn độn, ngột ngạt nhất nhưng cũng phô trương sức sống năng động nhất. Phải chăng đó chính là luồng năng lượng sôi động tràn qua hẻm.
Khi mặt trời chiếu thẳng đứng, hẻm trở về nhịp êm ả, thanh vắng. Trưa hanh hao, chỉ còn bầy trẻ áo trắng nhịp bước trên lối. Tiếng gà gáy giữa trưa, con nhồng nhà bên ré cao giọng lên phụ họa. Giọng rao ve chai cất lên rụt rè như sợ kinh động sự yên tĩnh. Giờ là lúc người ta ngắm hẻm êm ả.
Cái hẻm đất chật người đông mà ai cũng thích trồng chút cây, chút hoa trước nhà. Trước nhà có cây mai tứ quý bất chợt nở bông. Trên ban công là bông trang, trầu bà, sứ kiểng. Trong sân nhà là giàn trang leo hay bìm bịp mà mỗi lần quét sân là mỗi lần thở than.
Rồi chiều về, hẻm rộn rã thêm lần nữa. Không gian trở nên mát mẻ, tiếng trẻ tíu tít tan trường, rời lớp. Dòng người từ đám bụi đen ngoài đại lộ trở về mái ấm.
Một thú riêng tao nhã và hồn nhiên của người dân trong hẻm là chiều về, bắc cái ghế ra ngồi nhìn dòng đời ngược xuôi, nhìn bọn trẻ sôi động. Một chiều êm gói trọn những khoảnh khắc ấm cúng, mọi thứ thu lại vào trong cội rễ, để đêm thắp lên ngọn đèn đường vàng ấm.
|
Những con hẻm ở Sài Gòn - TPHCM rất bình yên mà cũng rất rộn ràng, là nơi hòa trộn của nhiều màu sắc văn hóa - ẢNH: KIẾNG CẬN |
Ở hẻm vui thiệt
Có người nói, muốn biết tâm tính người Sài Gòn, cứ vô hẻm. Tôi còn nhớ, thời sinh viên, khi kéo bạn đến nhà chơi, mấy bạn ở tỉnh cứ thốt lên: “Sao cái hẻm vui vậy?”. Cái gì đã quá quen thuộc thì khó lòng gây ngạc nhiên, nên tôi chỉ đáp hờ hững: “Ủa vậy hả, sao không thấy gì ta?”.
Giờ nghiệm lại, đúng là ở hẻm vui thiệt. Vui vì người ở hẻm gặp nhau là rôm rả, xởi lởi. Tôi nhớ lúc nhỏ, khi đi học, không chỉ í ới bạn bè mà còn chào cả hẻm, cả xóm.
Đẩy va li hay tay xách nách mang, túi lớn túi nhỏ đi ra đầu hẻm là có tiếng ới liền: “Đi chơi vui nha. Về quê hả, để tui dòm nhà giùm cho. Người ở hẻm không phải nói suông mà là dòm thiệt, còn tiện tay vào sân tưới cây, cho cá ăn giùm. Người thân từ xa vào thăm, đang lớ ngớ bước vào sân thì ông sửa xe nhào qua với gương mặt hình sự: “Tìm ai vậy chú em?”.
Đúng là ở hẻm cũng lắm mối phiền, nhưng tình người ở đó cũng đẹp và bao dung lắm. Cặp vợ chồng trẻ mới dọn về nhà mới xây, ái ngại với sự hồn nhiên của người trong hẻm nên sống khép kín. Cái không khí chan hòa trong hẻm như bị thử thách bởi nhân tố mới và khác thế hệ này.
Mùa đại dịch kinh hoàng tràn đến hẻm nhỏ thảm thương. Mọi người chia bó rau, mớ gạo, gói mì và dĩ nhiên không thể bỏ quên căn nhà đó. “Lá lành đùm lá rách và không quên mấy lá non tơ luôn” - cô tổ trưởng vừa nhắn, vừa thả mặt cười trên nhóm Zalo của hẻm. Láng giềng gần chưa bao giờ thân thương, bao dung như thế.
Khi những mùa bình thường trở lại, cặp vợ chồng trẻ sớm hôm đi về với những nụ cười thay lời chào xung quanh. Đứa con sinh ra trong mùa dịch cũng lẫm chẫm bước đi trong tiếng reo hò của cô hàng xóm: “Đi giỏi, bà cho vô nhà coi cá nè”.
Tính hồn nhiên của người trong hẻm cứ thế phát huy giá trị. Họ nhanh chóng quên đi sự khác biệt, quên đi những điều đáng quên để chỉ còn nhớ: “Hẻm mình dạo này vui lại rồi hén”.
Ừ, hẻm Sài Gòn có bao giờ buồn đâu.
Phạm Đoàn Phú
Tác phẩm tham gia cuộc thi viết về Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, chủ đề “Thành phố của tôi” xin gửi về: tòa soạn Báo Phụ nữ TPHCM, 311 Điện Biên Phủ, quận 3, TPHCM; ngoài bì thư ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi” hoặc gửi qua email: saigon-tphcm@baophunu.org.vn; tiêu đề ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi”. | |
Cơ cấu giải thưởng: - 1 giải Đặc biệt trị giá 70 triệu đồng. - 1 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng. - 2 giải Nhì, trị giá 40 triệu đồng/giải. - 3 giải Ba, trị giá 30 triệu đồng/giải. - 10 giải Khuyến khích, trị giá 10 triệu đồng/giải. - 1 giải Bài viết hay nhất về phụ nữ TPHCM trị giá 30 triệu đồng. - 1 giải Bài viết hay dành cho tác giả là người nước ngoài, kiều bào sinh sống ở nước ngoài, trị giá 30 triệu đồng. - Giải tháng: 10 triệu đồng/giải. Ngoài ra, còn có các giải ấn tượng do ban giám khảo bình chọn cho bài viết chân dung phụ nữ, tác giả nữ cao tuổi nhất, tác giả có nhiều bài chất lượng nhất… Đặc biệt, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM sẽ xem xét trao giải cho bài viết hay vào mỗi quý. Xem thông tin chi tiết về cuộc thi tại đây: https://www.phunuonline.com.vn/cong-bo-cuoc-thi-viet-thanh-pho-cua-toi-a1503685.html |