Hẻm phố ngày cách ly trong tranh của Nguyễn Ngọc Dũng

26/12/2021 - 06:37

PNO - Bộ tranh ký họa về hẻm phố những ngày cách ly của KTS Nguyễn Ngọc Dũng in cùng tác phẩm "Sài Gòn, nhật ký cách ly" của tác giả Trần Thanh Bình.

Kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Dũng cũng là một tác giả viết sách, ông đã có 7 tác phẩm du khảo viết về TPHCM và các vùng miền trên khắp cả nước. Trong đó nổi bật có bộ sách Lang thang phố thị, gồm 5 tựa: Lang thang phố thị, Đồng bằng sông Cửu Long, Sài Gòn trăm bước, Bước chậm trên dòng Hương giang Miền di sản. 

Mới đây, kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Dũng thực hiện bộ tranh ký họa màu nước, in trong tập tản văn Sài Gòn, Nhật ký cách ly của tác giả Trần Thanh Bình (sách vừa được Chibooks và nhà xuất bản Lao Động ấn hành). Hình ảnh những ngõ hẻm trong ngày giãn cách, những góc phố mưu sinh, xét nghiệm trong khu phố, xóm trọ trong hẻm nhỏ... được ông vẽ trên những gam màu sáng - tối, như những mảng màu đối lập của cảm xúc.

Đẹp và buồn với dáng hình con người lặng lẽ, chờ đợi và vẫn như bừng lên tia sáng hy vọng...

Bức tranh chủ đề Mưu sinh ngày giãn cách
Bức tranh chủ đề Mưu sinh ngày giãn cách

Trong những trang viết của mình, tác giả Trần Thanh Bình cũng bày tỏ niềm hy vọng: "Tôi tin Sài Gòn rồi sẽ đi qua những ngày ảm đạm. Hàng trăm con hẻm, tòa nhà rồi sẽ được gỡ bỏ những rào chắn vô tri ngăn lối ra, để những mạch máu âm thầm trào lên như trước". 

Thành phố giờ đã trở lại những ngày bình thường mới, hẻm phố đã xôn xao tiếng nói tiếng cười. Xem lại những bức tranh, đọc lại những dòng nhật ký viết từ trong tâm dịch, vẫn thấy xốn xang nhói lòng về một giai đoạn vừa qua không lâu. Tác giả Trần Thanh Bình gửi vào sách cảm nhận về những điều đã chứng kiến, đã trải qua, còn kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Dũng gửi vào tranh tâm cảm của một người nghệ sĩ. 

Bức vẽ Mưu sinh góc phố
Bức vẽ Mưu sinh góc phố

Những gánh hàng rong, sinh hoạt của con người trong ngày giãn cách cũng được kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Dũng họa lại. Những bức tranh màu nước kể với người xem một câu chuyện về thân phận người nghèo. Khi chưa có dịch, họ lặng lẽ đi về hẻm trọ từng sáng từng chiều. Khi giãn cách, họ bôn ba xuôi ngược về quê, trở lại ruộng đồng. Phút nghỉ ngơi trong cuộc mưu sinh hay phút dừng chân trên đường về nhà của người nghèo đều có trong tranh của Nguyễn Ngọc Dũng. 

Hẻm Sài Gòn hiện lên gần gũi, thân thương trong trang viết Sài Gòn, nhật ký cách ly và trong những bức họa của người kiến trúc sư đã gắn bó, yêu thương và thấu hiểu mảnh đất này.

Một số bức họa của Nguyễn Ngọc Dũng trong tác phẩm: 

Bỏ quê lên phố
Bỏ quê lên phố
Hàng rong trước giãn cách
Hàng rong trước giãn cách
Hẻm Sài Gòn
Hẻm Sài Gòn
Phút nghỉ ngơi trên đường về nhà
Phút nghỉ ngơi trên đường về nhà
Tạm rời xa thành phố
Tạm rời xa thành phố
Bỏ phố về quê
Bỏ phố về quê
Về lại ruộng đồng
Về lại ruộng đồng

Song Giang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI