Hễ viêm ruột thừa là phẫu thuật?

06/05/2023 - 06:46

PNO - Hiện nay, phẫu thuật cắt ruột thừa vẫn là phương pháp can thiệp phổ biến. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu gần đây đã chứng minh được vai trò của việc điều trị bảo tồn không cần phẫu thuật viêm ruột thừa trên một số cơ địa đặc biệt. Nhờ tránh được cuộc phẫu thuật, các biến chứng trong và sau mổ gần như được loại trừ. Bên cạnh đó, nếu người bệnh có vấn đề sức khỏe khác cần ưu tiên, có thể trì hoãn ca mổ để ổn định bệnh lý cấp tính, chờ thời điểm an toàn hơn.

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với tiến sĩ, bác sĩ Mai Phan Tường Anh - Phó khoa Ngoại Tiêu hóa - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Nhân dân Gia Định - để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề này nhằm đem lại lợi ích tối ưu cho người bệnh.

Phóng viên: Thưa bác sĩ, trước tiên xin bác sĩ cho biết viêm ruột thừa được chia thành các mức độ như thế nào...

Tiến sĩ, bác sĩ Mai Phan Tường Anh: Viêm ruột thừa là bệnh nguy hiểm, khó phát hiện sớm để điều trị kịp thời. Bệnh có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào và có nhiều yếu tố có thể gây nhầm lẫn với bệnh lý khác. Nguy cơ mắc viêm ruột thừa trong suốt cuộc đời được dự đoán vào khoảng 7% ở nữ giới và 9% ở nam giới. Nguy cơ phải phẫu thuật cắt ruột thừa rất cao khiến mổ cắt ruột thừa là phẫu thuật được thực hiện nhiều nhất trong cấp cứu. Tỉ lệ mắc mới của viêm ruột thừa là 100/100.000 người mỗi năm. Sự tăng nhẹ tỉ lệ mắc mới viêm ruột thừa không biến chứng trong khoảng giữa thập niên 90 có thể là kết quả của việc ứng dụng hình ảnh học và nội soi ổ bụng thám sát trong chẩn đoán viêm ruột thừa cấp, từ đó phát hiện được nhiều trường hợp hơn. Hiện nay, y học vẫn còn tranh luận giữa việc điều trị viêm ruột thừa biến chứng và không biến chứng, giữa phẫu thuật và điều trị bảo tồn.

* Làm cách nào để phân biệt viêm ruột thừa cấp có biến chứng và viêm ruột thừa cấp không biến chứng? Ngoài ra, ưu và nhược điểm của điều trị không phẫu thuật đối với viêm ruột thừa là gì, thưa bác sĩ?

- Những trường hợp viêm ruột thừa cấp thường được chia thành 2 nhóm (không biến chứng và có biến chứng) dựa trên các dữ kiện lâm sàng, cận lâm sàng trước mổ, các dữ kiện trong mổ hoặc kết quả giải phẫu bệnh. Sự phân chia như trên có vai trò trong việc định hướng điều trị cũng như tiên lượng trên lâm sàng.

Việc xác định bệnh nhân bị viêm ruột thừa cấp có biến chứng và không biến chứng giúp bác sĩ đưa ra chỉ định điều trị phù hợp - ẢNH MINH HỌA: INTERNET
Việc xác định bệnh nhân bị viêm ruột thừa cấp có biến chứng và không biến chứng giúp bác sĩ đưa ra chỉ định điều trị phù hợp (Ảnh minh họa: Internet) 

Việc xác định viêm ruột thừa cấp có biến chứng trước khi quyết định phẫu thuật là cần thiết. Khi biến chứng xảy ra, thời gian điều trị sẽ kéo dài, tỉ lệ nhiễm trùng tăng, nguy cơ tử vong và chi phí điều trị, nằm viện cũng tăng theo. Vì vậy, việc chẩn đoán sớm viêm ruột thừa cấp có biến chứng giúp bác sĩ chủ động hơn trong việc tiếp cận các phương án điều trị cho người bệnh. 

Hiện nay, X-quang cắt lớp điện toán (còn gọi là CT, MRI) được sử dụng ngày càng phổ biến trong những trường hợp nghi ngờ viêm ruột thừa cấp, không chỉ vì giúp giảm thiểu tỉ lệ chẩn đoán sai mà còn giúp xác định có biến chứng hay không. Kỹ thuật này giúp bác sĩ xác định phương án điều trị thích hợp cho từng trường hợp. Các dấu hiệu của viêm ruột thừa cấp: vùng khu trú không bắt quang ở thành ruột thừa, áp xe ruột thừa, khí ngoài lòng ruột và sỏi phân ngoài lòng ruột thừa. 

Bên cạnh đó, các chỉ số sinh hóa cũng có thể giúp cung cấp một số thông tin quan trọng về tình trạng viêm ruột thừa. Tuy nhiên, từng chỉ số riêng lẻ không đủ để chẩn đoán. Do đó, việc kết hợp nhiều chỉ số xét nghiệm cho ra kết quả tốt hơn. Nếu như ngày xưa các bác sĩ chỉ dựa vào cảm quan lâm sàng và một số chỉ số sinh hóa máu thì ngày nay, đa số bác sĩ chẩn đoán viêm ruột thừa dựa vào triệu chứng lâm sàng, các sinh hóa máu và không thể thiếu hình ảnh học. X-quang điện toán cắt lớp là công cụ tốt nhất để chẩn đoán viêm ruột thừa, kể cả viêm ruột thừa có biến chứng. Tuy vậy, kỹ thuật chụp CT, MRI đòi hỏi phải được thực hiện ở các cơ sở y tế lớn, chi phí cao, nhân viên y tế được tập huấn kỹ, bác sĩ đọc cũng phải có kỹ năng và người bệnh khi chụp phim cũng ít nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe.

Gần đây, điều trị không phẫu thuật hay điều trị nội khoa bằng kháng sinh ở những trường hợp viêm ruột thừa cấp không biến chứng trên người lớn đang được tập trung nghiên cứu. Phân tích tổng hợp của các nghiên cứu trên cho thấy dù tính hiệu quả thấp hơn nhưng phương thức điều trị này có thể tránh được cuộc phẫu thuật ở 60 - 85% bệnh nhân viêm ruột thừa cấp không biến chứng. Dù vậy, phương thức này có một số hạn chế: tồn tại tỉ lệ viêm ruột thừa tái phát (khoảng 20%), bỏ sót những trường hợp mà nguyên nhân nền là ung thư và có nguy cơ tiến triển sang thể viêm ruột thừa cấp có biến chứng. 

Thế nhưng, giới y khoa ngày nay cũng không thể phủ nhận phương thức điều trị không phẫu thuật trong viêm ruột thừa cấp không biến chứng. Phương thức này đang được công nhận rộng rãi và ngày càng cho thấy sự khả quan. 

Tóm lại, việc cần thiết trong chẩn đoán bệnh viêm ruột thừa là cần xác định người bệnh bị viêm ruột thừa và đánh giá tiếp theo là người bệnh có bị nguy cơ viêm ruột thừa có biến chứng hay không. Khi giải quyết được 2 vấn đề trên, bác sĩ mới có phương án điều trị, can thiệp tiếp theo. 

* Gần đây, Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM vừa tổ chức Hội đồng nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ “Chẩn đoán viêm ruột thừa có biến chứng bằng kỹ thuật máy học”. Đây là nhiệm vụ do Bệnh viện Nhân dân Gia Định chủ trì thực hiện. Bác sĩ có thể nói rõ hơn về ý nghĩa của nhiệm vụ khoa học này đối với sức khỏe cộng đồng?

- Nhiệm vụ trên xuất phát từ nhu cầu thực tiễn - cần phải có một công cụ hữu hiệu giúp các bác sĩ đánh giá nguy cơ người bệnh mắc viêm ruột thừa, kế đến là viêm ruột thừa có biến chứng để từ đó có phương pháp can thiệp và điều trị kịp thời.

Chúng tôi nghiên cứu hồi cứu trên những bệnh nhân đã phẫu thuật nội soi cắt ruột thừa tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định trong 5 năm (2016-2020), kết hợp đánh giá kiểm thử trong dữ liệu thực tế bổ sung. Từ đó, chúng tôi xây dựng mô hình chẩn đoán viêm ruột thừa có biến chứng bằng các phương pháp thường dùng cho kỹ thuật máy học, qua đó xác định giá trị của các mô hình kỹ thuật máy học trong chẩn đoán viêm ruột thừa có biến chứng. Đồng thời, chúng tôi cũng xây dựng quy trình và các công cụ hỗ trợ sử dụng kỹ thuật này.

Qua kết quả nghiên cứu, chúng tôi rút ra rằng, ngay cả các cơ sở y tế có nguồn lực hạn chế (vùng sâu vùng xa, hải đảo) cũng có thể ứng dụng công cụ hỗ trợ chẩn đoán viêm ruột thừa cấp có biến chứng này. Điều đó khá quan trọng bởi trong trường hợp khả năng viêm ruột thừa có biến chứng là rất thấp thì có thể chọn các phương pháp phù hợp hơn như điều trị nội khoa bảo tồn hoặc hội chẩn thêm với cơ sở y tế chuyên sâu tuyến trên để có phương án điều trị tốt hơn. Ngược lại, nếu căn cứ vào các yếu tố liên quan xác định được bệnh nhân nhiều nguy cơ viêm ruột thừa có biến chứng, bác sĩ ở tuyến cơ sở có thể mạnh dạn đề xuất các cơ sở y tế tuyến trên hỗ trợ nhân sự, phẫu thuật ngay tại chỗ hoặc chuyển tuyến bệnh viện kịp thời.

Hiện nay, nhóm nghiên cứu đã phát triển công cụ được thiết kế trên website hoàn toàn miễn phí. Bác sĩ chỉ cần nhập các thông tin người bệnh, một số chỉ số sinh hóa và kết quả siêu âm đã có thể đưa ra dự đoán nguy cơ mắc viêm ruột thừa. Các dữ liệu từ phần mềm đưa ra đã được kiểm chứng thông qua quá trình cung cấp dữ liệu có kiểm chứng từ đơn vị nghiên cứu của Bệnh viện Nhân dân Gia Định và các cơ sở y tế mà chúng tôi hợp tác. 

Thanh Huyền (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI