Dinh dưỡng tốt cho người điều trị COVID-19 tại nhà
Hiện nhiều trường hợp nhiễm COVID-19 triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng đang được điều trị tại nhà theo hướng dẫn của cơ quan y tế. Các chuyên gia y tế khuyến cáo, để những bệnh nhân điều trị tại nhà nhanh khỏi bệnh, không chuyển nặng phải nhập viện, gia đình cần phải xây dựng chế độ dinh dưỡng đầy đủ, vận động hợp lý tạo sức đề kháng cho đường tiêu hóa.
Bác sĩ chuyên khoa II (BSCKII) Trần Văn Năm - nguyên Phó Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TPHCM - cho biết, một số bệnh nhân COVID-19 chăm sóc tại nhà trong thời gian qua đã được các thầy thuốc trong Hội Đông y hướng dẫn cách ăn đúng, tích cực chăm sóc tốt sức khỏe đường ruột bằng cách bổ sung chất xơ và lợi khuẩn, ổn định tinh thần. Kết quả bước đầu ghi nhận, hầu hết trường hợp có thể lực phục hồi tốt, cải thiện rõ những biểu hiện chán ăn, giảm vị giác, buồn nôn… tăng cân, nhanh chóng có kết quả xét nghiệm kiểm tra SARS-CoV-2 âm tính.
Do đó, chăm sóc sức khỏe hệ tiêu hóa tốt được xem là rất cần thiết giúp bệnh nhân COVID-19 nói riêng và bệnh nhân nhiều bệnh khó chữa trị khác nói chung mau hồi phục.
Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy, coronavirus không chỉ tấn công phổi mà còn gây tổn thương hệ tiêu hóa, đặc biệt ở những người bệnh thuộc thể bệnh nặng. Hình ảnh chụp cộng hưởng từ ruột của các bệnh nhân cho thấy có những tổn thương do nghẽn các mạch máu nhỏ của ruột già (đại tràng) gây hoại tử thành ruột.
SARS-CoV-2 xâm nhập vào cơ thể, tấn công vào niêm mạc mũi - họng, thanh - phế quản, phổi, mắt, ruột non, ruột già, thận, lách, tụy, gan và não, gây các triệu chứng ở hệ hô hấp như ho, đau họng, khó thở, khạc đàm… và cả trên hệ tiêu hóa như nôn, buồn nôn, đầy bụng, chán ăn, tiêu chảy.
Ghi nhận ở bệnh nhân tại nhiều quốc gia cho thấy, người bệnh COVID-19 thường đi kèm với các triệu chứng tiêu chảy, giảm rõ rệt lợi khuẩn (probiotic) như Lactobacillus, Bifidobacterium, giảm hấp thu một số a-xít amin (tryptophan) gây nên các rối loạn tiêu hóa - hấp thu ở ruột, tăng phản ứng viêm… gây ảnh hưởng hoạt động của niêm mạc hệ hô hấp và ống tiêu hóa.
Bổ sung chất xơ và chất lợi khuẩn
Theo BSCKII Trần Văn Năm, để hệ tiêu hóa khỏe mạnh, người bệnh cần được chăm sóc đầy đủ chất dinh dưỡng, trong đó đặc biệt là chất xơ không tan và chất xơ tan. Chọn thức ăn dễ tiêu hóa - hấp thu, chế biến đơn giản, bổ sung đủ chất xơ và lợi khuẩn; cần hạn chế thức ăn chế biến sẵn.
|
Để hệ tiêu hóa khỏe mạnh, cần chọn thức ăn dễ tiêu hóa - hấp thu, chế biến đơn giản, bổ sung đủ chất xơ và lợi khuẩn |
Khi ăn chất xơ tan lên men như sữa chua sẽ tạo ra a-xít béo chuỗi ngắn giúp lập lại cân bằng hệ vi sinh ở ruột; chất xơ không tan (không hoặc khó lên men) như rau, củ, quả giúp cải thiện khối phân, độ đồng nhất và độ nhờn, góp phần hạn chế sự tấn công của hại khuẩn vào niêm mạc ruột. Sự lành lặn của niêm mạc ống tiêu hóa, cùng với các loại enzyme tiêu hóa (từ tuyến nước bọt, a-xít dạ dày, dịch tụy, dịch mật) giúp hấp thu tốt các chất dinh dưỡng, vitamin, nguyên tố vi lượng, khoáng chất… tạo nên tế bào bạch cầu, lympho bào và kháng thể, tăng cường bảo vệ cơ thể. Cần ăn nhiều rau - trái cây (chiếm 70% khẩu phần), đa dạng màu sắc vì chúng cung cấp chất xơ, kẽm, selenium, vitamin (C, A, E…), β-caroten giúp tăng sức đề kháng.
Các loại men tiêu hóa lợi khuẩn từ các thức ăn truyền thống như: yogurt, natto (các loại đậu ủ với enzyme natto), miso, sauerkraut, kim chi… hay các chế phẩm bổ sung cũng đều giúp cho hệ thống đường ruột hoạt động tốt. 70% thành phần liên quan hệ miễn dịch nằm ở ống tiêu hóa. Probiotic ở ruột có tác dụng kiểm soát hại khuẩn, bảo vệ toàn vẹn tế bào niêm mạc ruột; điều hòa đáp ứng miễn dịch, chống viêm; tác động hai chiều trên trục não - ruột sẽ giúp tiêu hóa tốt, tinh thần thoải mái, giảm lo âu và nhanh chiến thắng bệnh tật.
Đặc biệt, trong mỗi bữa ăn nên có vài loại gia vị, rau… giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể như tỏi, nghệ, hành, gừng, sả, lá mơ lông, rau thơm, nấm mèo đen, atiso, đu đủ, dứa thơm… rất tốt cho hoạt động của hệ tiêu hóa và điều hòa quá trình đông máu. Đồng thời, uống đủ nước sẽ tốt cho tuần hoàn máu - dịch thể, tăng nuôi dưỡng tế bào niêm mạc, hỗ trợ hoạt động của enzyme được tối ưu.
Người bệnh nên hạn chế tối đa đường trắng (đường tinh chế) vì gây tăng phản ứng viêm, đề kháng insulin… Hạn chế ăn thịt đỏ (bò, heo), chất béo bão hòa (mỡ động vật) hoặc chuyển dạng (dầu mỡ đun quá sôi hay sử dụng nhiều lần) vì cơ thể phải tốn nhiều enzyme để chuyển hóa chúng, trong khi nguồn enzyme này có giới hạn, và giảm trong khi bệnh nặng hoặc tuổi cao. Nhiều chất béo và thịt đỏ còn gây quá tải cho gan mật, biểu hiện tăng men gan. Không uống rượu bia, thuốc lá, nước ngọt có gas.
Việc tập thể dục, luyện thở sẽ cung cấp đủ oxy cho tế bào, giúp cân bằng hệ thần kinh, điều hòa nhu động ruột. Kiểm soát stress, tĩnh tâm, hướng thiện, yoga thiền định, nghỉ ngơi và ngủ đủ… giúp ruột, não tiết đủ serotonin, hỗ trợ cơ thể lướt qua các triệu chứng do COVID-19 gây ra.
Bảo Anh