Hệ thống y tế công ở Sri Lanka trên bờ vực phá sản

26/07/2022 - 12:33

PNO - Một cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có đã làm hệ thống chăm sóc sức khỏe công và miễn phí của Sri Lanka rơi vào tình trạng phá sản. Nhiều bệnh viện phải ngưng tiếp nhận bệnh nhân do thiếu nhân sự và thuốc men.

Bị bệnh tiểu đường và huyết áp cao khiến Theresa Mary bị viêm khớp. Vì vậy, bà đã đến thủ đô Colombo để điều trị tại Bệnh viện Quốc gia Sri Lanka.

Hiện, Sri Lanka nhập khẩu 85% thuốc và thiết bị y tế, cùng với nguyên liệu thô để sản xuất trong nước, đáp ứng phần nhu cầu còn lại
Hiện Sri Lanka nhập khẩu 85% thuốc và thiết bị y tế, cùng với nguyên liệu thô để sản xuất trong nước, đáp ứng phần nhu cầu còn lại

Trong chặng cuối cùng của hành trình, do không tìm được xe, bà phải đi bộ đến 5km.

Bà được xuất viện 4 ngày sau đó, nhưng vẫn cảm thấy khó đứng vững trên đôi chân của mình, vì bệnh viện đã hết thuốc giảm đau để kê toa cho bà.

“Các bác sĩ yêu cầu tôi mua thuốc từ một hiệu thuốc tư nhân, nhưng tôi không có tiền. Đầu gối của tôi vẫn còn sưng tấy. Tôi không có nhà ở Colombo. Tôi không biết mình còn phải đi bộ bao lâu nữa”, bà Mary, 70 tuổi than phiền.

Bệnh viện Quốc gia Sri Lanka thường phục vụ cho người dân trên khắp đảo quốc cần điều trị chuyên khoa, nhưng hiện bệnh viện đang phải cắt giảm nhân viên, và để trống rất nhiều trong số 3.400 giường bệnh.

Thiết bị phẫu thuật và các loại thuốc quan trọng để cứu sống bệnh nhân gần như cạn kiệt, trong khi tình trạng thiếu xăng thường xuyên khiến cả bệnh nhân và bác sĩ không thể đi lại để điều trị.

“Nhiều bệnh nhân được lên lịch phẫu thuật đã không xuất hiện. Một số nhân viên y tế cũng phải tăng ca, vì những nhân viên khác không thể đi đến bệnh viện. Họ có xe nhưng không có nhiên liệu để chạy”, bác sĩ Vasan Ratnasingham, một thành viên của hiệp hội quan chức y tế chính phủ, nói với AFP.

Hiện, Sri Lanka nhập khẩu 85% thuốc và thiết bị y tế, cùng với nguyên liệu thô để sản xuất trong nước, đáp ứng phần nhu cầu còn lại. Tuy nhiên, nước này đang rơi vào tình trạng phá sản và thiếu ngoại tệ, nên không thể cung cấp đủ xăng dầu để duy trì hoạt động của nền kinh tế, cũng như trang bị đủ nguồn dược phẩm để điều trị bệnh.

“Thuốc giảm đau thông thường, thuốc kháng sinh và thuốc dành cho trẻ em đang thiếu hụt rất nhiều. Giá của các loại thuốc khác cũng đã tăng gấp 4 lần trong 3 tháng qua”, chủ hiệu thuốc K Mathiyalagan nói.

Nhất Nguyên (theo AFP, CNA)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI