Hệ thống y tế Âu Mỹ chịu áp lực lớn vì đình công

13/01/2023 - 16:25

PNO - Các bệnh viện của Vương quốc Anh đang oằn mình gánh chịu tình trạng thiếu nhân viên và giường bệnh. Pháp có lực lượng bác sĩ và điều dưỡng nhiều hơn nhưng cũng đang khủng hoảng vì đình công. Tình hình tại Mỹ không khá hơn là mấy.

Các chuyên gia ở Pháp cho biết tình trạng thiếu nhân viên y tế đang gây nguy hiểm cho những bệnh nhân - Ảnh: Getty Images
Các chuyên gia ở Pháp cho biết tình trạng thiếu nhân viên y tế đang gây nguy hiểm cho những bệnh nhân - Ảnh: Getty Images

Đàm phán của các chính phủ thất bại

Trước áp lực các cuộc đình công của nhân viên y tế, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hứa sẽ cải cách chính sách tài trợ cho các bệnh viện và “giải thoát” bác sĩ, điều dưỡng khỏi công việc quản lý tốn thời gian. Các nỗ lực nhằm phá vỡ cái mà ông gọi là “cảm giác khủng hoảng bất tận” trong ngành y tế.

Các biện pháp như tiền thưởng lên đến 50.000 euro dành cho các bác sĩ đa khoa phục vụ tại các khu vực vùng sâu vùng xa đã không giúp cải thiện bao nhiêu các “lỗ hổng” chăm sóc sức khỏe. Áp lực đối với bệnh viện và bác sĩ tiếp tục gia tăng khi số ca mắc bệnh mùa đông tăng gấp 3 lần, giới y tế đã gọi tháng này là “Tháng Giêng Đen” ở Pháp.

Dịch COVID-19 và sau đó là lạm phát, tình trạng thiếu nhân viên, nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng tăng đang khiến công việc của nhân viên y tế trở nên khó khăn. Đại dịch đã khiến áp lực của tình trạng dân số già, sự thiếu hụt nhân viên y tế càng trở nên trầm trọng.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), gần một nửa số bác sĩ Pháp đã trên 55 tuổi và sắp nghỉ hưu. Ở Anh, con số này khoảng 15%. Nhiều bác sĩ trẻ cảm thấy căng thẳng với áp lực tài chính và công việc ngày càng tăng.

Các cuộc đình công ở Anh cũng nổ ra sau khi việc đàm phán giữa chính phủ với các tổ chức công đoàn thất bại. Ngày 11/1, hơn 10.000 nhân viên cấp cứu đã rời vị trí làm việc. Tiền lương không theo kịp mức lạm phát cao nhất trong vòng 40 năm qua là nguyên nhân chính khiến các điều dưỡng, nhân viên cấp cứu và công nhân đường sắt đình công.

Thiệt thòi lớn vẫn là người bệnh

Tổng thống Macron đã hứa rằng 600.000 bệnh nhân mắc bệnh mãn tính hiện không có bác sĩ chăm sóc sẽ được tiếp cận việc điều trị vào cuối năm nay. Dù vậy, việc thiếu nhân viên y tế, từ các bệnh viện hay cơ sở y tế nhỏ, sẽ khiến vấn đề chăm sóc sức khỏe trở nên nghiêm trọng.

Tại Mỹ, nhân viên y tế tại 2 trong số các bệnh viện lớn nhất của New York đang bước vào ngày thứ ba của cuộc đình công. Hơn 7.000 nhân viên điều dưỡng của Bệnh viện Mount Sinai ở Manhattan và Trung tâm Y tế Montefiore ở Bronx đã tham gia biểu tình trong tuần, đòi tăng lương và cải thiện vấn đề nhân sự.

Ông Sal Rosselli - Chủ tịch Liên minh Nhân viên y tế quốc gia - nhận định: “Tình trạng thiếu điều dưỡng và điều kiện làm việc đã tạo ra làn sóng đình công. Đại dịch đã cho họ thấy rằng giới chủ không lo lắng về sự an toàn của họ hoặc sự an toàn của bệnh nhân”.

Công ty nghiên cứu chăm sóc sức khỏe độc lập ECRI đã xếp tình trạng thiếu nhân sự trong ngành y là rủi ro lớn nhất đối với bệnh nhân tại Mỹ hiện nay. “Ngoài tình trạng già hóa dân số, Mỹ còn đối mặt tình trạng gia tăng số ca nhập viện do nhu cầu bị dồn nén trong thời kỳ đại dịch, ví dụ việc bệnh nhân quay lại bệnh viện để thực hiện các thủ thuật tự chọn.

Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều nhu cầu điều trị di chứng hậu COVID-19. Tất cả điều đó gây thêm áp lực lên một hệ thống mà trong một thời gian dài đã thiếu nhân lực” - Giám đốc điều hành ECRI Marcus Schabacker cho biết.

Không chỉ thiếu nhân viên điều dưỡng mà cả giảng viên ngành điều dưỡng cũng thiếu. Năm 2019, ước tính hơn 80.000 ứng viên đủ điều kiện đã bị các trường đào tạo điều dưỡng từ chối nhận học do không có đủ giảng viên. Ông Schabacker nói: “Khi thiếu hụt nhân sự trong ngành, y tá có xu hướng phải làm thêm ca. Nếu ai đó mệt mỏi, làm việc quá sức, thiếu ngủ, họ sẽ dễ mắc sai lầm hơn trong chăm sóc người bệnh. Các cuộc đình công của nhân viên y tế là dấu hiệu của sự tuyệt vọng thực sự”. 

Nam Anh (theo Reuters, NPR, BBC)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI