Hệ thống thu phí không dừng còn nhiều trục trặc sau hơn 2 tuần triển khai

19/08/2022 - 06:29

PNO - Qua hơn hai tuần triển khai đồng bộ trên cả nước, hệ thống thu phí không dừng (ETC) vẫn bị một số trục trặc kỹ thuật và chưa thực sự thuận tiện cho người lưu thông.

Tự động chậm hơn thủ công

Anh Tiến Cường (TP. Hà Nội) kể, khoảng 23g ngày 5/8, anh chạy ô tô trên tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Khi đến trạm thu phí Cao Bồ (tỉnh Nam Định), xe chạy gần trạm thu phí, thấy bảng điện tử hiện biển số xe và đèn xanh cho phép qua trạm, thanh chắn cũng mở lên nên anh tiếp tục chạy qua. Thế nhưng, khi vừa đến gần thì thanh chắn bất ngờ sập xuống khiến anh suýt gặp tai nạn. 

Trung bình mỗi ngày, tại trạm thu phí An Sương - An Lạc (TP.HCM), có 1.600 xe bị lỗi thẻ ETC - ẢNH: PHƯƠNG THANH
Trung bình mỗi ngày, tại trạm thu phí An Sương - An Lạc (TPHCM), có 1.600 xe bị lỗi thẻ ETC - Ảnh: Phương Thanh

“Nếu tôi không kịp thắng gấp thì thanh chắn đã đập hỏng kính lái rồi. Sau đó, tôi mất thời gian làm việc với nhân viên và vẫn phải trả tiền mặt. Nhưng khi về nhà, tôi thấy bị trừ phí trong tài khoản. Từ hôm đó, mỗi khi qua trạm, tôi chỉ dám chạy thật chậm. Tôi thấy các lỗi trục trặc của hệ thống thu phí tự động khiến thời gian qua trạm còn lâu hơn thu phí bằng tay. Gọi là thu phí không dừng nhưng vẫn phải dừng, có khi còn dừng lâu hơn” - anh Tiến Cường bức xúc.

Sáng 17/8, có việc cần đi cao tốc, anh Nguyễn Văn Đam (TP.Hà Nội) nạp tiền từ tài khoản ngân hàng vào tài khoản ETC nhưng liên tục bị từ chối giao dịch. Trước đó, ngày 16/8, anh Phạm Tùng (TP.Hải Phòng) qua trạm thu phí số 2 trên Quốc lộ 5. Khi về nhà kiểm tra, anh thấy tài khoản bị trừ tiền vé đến hai lần. Dù chỉ có một tin nhắn báo trừ 39.000 đồng nhưng khi so sánh số dư đầu và số dư cuối, số tiền bị trừ là 78.000 đồng. 

Ở TPHCM, việc thu phí không dừng được triển khai từ ngày 1/8 tại ba trạm An Sương - An Lạc, cầu Phú Mỹ và Xa lộ Hà Nội. Theo ông Võ Khánh Hưng - Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM - bình quân mỗi ngày, tại trạm An Sương - An Lạc, có đến 1.600 xe gặp lỗi thẻ ETC, như xe gắn sai biển kiểm soát hoặc mệnh giá vé, xe bị khóa thẻ, xe dán chồng thẻ. Khi có thẻ bị lỗi, hệ thống tự động không thể kiểm tra thông tin, xử lý kiến thời gian giao dịch kéo dài, gây cản trở, ùn ứ xe.

Chưa công bằng với người sử dụng dịch vụ

Luật sư Nguyễn Ngọc Luận (Đoàn Luật sư TPHCM) nhận xét, nếu triển khai đồng bộ, việc thu phí không dừng giúp cho việc lưu thông trên đường cao tốc thuận lợi hơn. Việc thu phí tự động cũng giúp minh bạch hóa nguồn thu. Thế nhưng, khi áp dụng, có vẻ như mọi bất tiện, rắc rối đều bị đẩy về phía người tham gia lưu thông.

Chẳng hạn, tài xế bị phạt nếu xe không dán thẻ ETC, tài khoản không có tiền hoặc không đủ tiền. Trong khi đó, không có hình thức chế tài nào đối với đơn vị cung cấp dịch vụ khi để xảy ra lỗi thẻ, trục trặc kỹ thuật gây thiệt hại cho người tham gia giao thông.

Khi dùng các dịch vụ khác, người tiêu dùng được chọn trả trước hoặc sau, nhưng khi sử dụng thẻ ETC, người dùng buộc phải nạp tiền trước vào tài khoản. Ngoài ra, khi nạp tiền, khách hàng phải tốn phí nạp tiền từ tài khoản ngân hàng vào tài khoản ETC (tính trên mỗi lần nạp tiền), phí tin nhắn thông báo trừ tiền khi qua trạm (tính theo tháng).

Theo luật sư Nguyễn Ngọc Luận, thu phí không dừng là quan hệ dân sự giữa người cung cấp dịch vụ (các đơn vị phát hành thẻ ETC, đơn vị thu phí BOT) với người sử dụng dịch vụ. Tuy nhiên, việc triển khai đang cho thấy, người sử dụng dịch vụ phải chịu bất công, thiệt thòi. Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định, dán thẻ ETC là thủ tục bắt buộc trong đăng kiểm xe. 

“Điều này vừa bất hợp lý, vừa không phù hợp với các quy định hiện hành bởi đăng kiểm xe là quy trình kiểm tra và cấp chứng nhận cho phương tiện đủ điều kiện an toàn kỹ thuật tham gia giao thông, còn dán thẻ thu phí không dừng ETC là một hình thức sử dụng dịch vụ khi qua đường cao tốc, trạm BOT. Đăng kiểm là quy trình bắt buộc, còn việc sử dụng đường cao tốc hay không là quyền và nhu cầu của mỗi người. Do đó, việc bắt buộc dán thẻ ETC là vô lý, gây lãng phí tài sản của người dân và xã hội” - luật sư Nguyễn Ngọc Luận phân tích. 

Hình thức thanh toán cần đa dạng hơn

Tiến sĩ Đàm Quang Hồng Hải - Giám đốc Trung tâm Phát triển công nghệ thông tin TPHCM - cho rằng cần đa dạng hóa hình thức thanh toán khi thu phí không dừng, nhằm tạo thuận tiện cho người sử dụng dịch vụ.

Hiện nay, người lái xe qua trạm thiếu tiền trong tài khoản chỉ vài trăm đồng cũng bị xử phạt 2-3 triệu đồng và tước bằng lái từ 1-3 tháng. Như thế là quá nặng bởi có nhiều trường hợp tài xế hết pin điện thoại, lỗi mạng không kiểm tra được số tiền trong tài khoản.

Ở các nước, xe lưu thông qua trạm được phép trả phí sau, nếu sau một thời gian nhất định mà không trả phí thì mới bị chế tài. Việc thu phí cần tạo thuận tiện cho người tham gia giao thông chứ không nên chỉ tạo thuận lợi cho chủ đầu tư đường cao tốc, trạm thu phí.

Giá tem ETC 120.000 là quá cao

Ở Việt Nam, việc thu phí ETC được triển khai theo công nghệ RFID (radio frequency identification - nhận dạng tần số sóng vô tuyến). Tài xế N.Q.B. (TPHCM) cho rằng, công nghệ RFID có chi phí thấp do không cần cấp nguồn điện cho thiết bị đầu cuối. Giá tem theo công nghệ RFID từ các nhà cung cấp Trung Quốc cao nhất cũng chỉ 10.000 đồng/tem, nếu mua số lượng nhiều thì còn rẻ hơn nữa.

Ở các bang Georgia, Florida, New York của Mỹ, người dân sử dụng bộ dán có giá 4,69 USD, tương đương 110.000 đồng. Ở Ấn Độ, lần dán thẻ đầu tiên khoảng 200 rupee, tương đương 59.000 đồng. Ở Thổ Nhĩ Kỳ, chi phí cho lần dán thẻ đầu tiên khoảng 15 lira, tương đương 20.000 đồng. Ở Đài Loan (Trung Quốc), chủ xe được cấp thẻ miễn phí.

Tem thẻ ETC ở Việt Nam được dán bên ngoài, phía trước mũi xe, đèn xe nên rất dễ hư hỏng dưới tác động của nhiệt độ, mưa nắng, bùn bẩn. Nếu tem bị hỏng, chủ xe phải dán lại với giá 120.000 đồng, khá tốn kém.  

 Phương Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI